Đại biểu Quốc hội biết mà không lên tiếng là có tội với dân
- Tây Y
- 14:54 - 20/06/2015
- Nợ công: Đại biểu Quốc hội lo lắng, Chính phủ nói an toàn
- Đại biểu Quốc hội chưa hài lòng với phần trả lời của các Bộ trưởng
- Đề nghị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga
- Tổ chức tiếp công dân suốt thời gian Quốc hội họp kỳ thứ 9
- Tổ chức tiếp công dân suốt thời gian Quốc hội họp kỳ thứ 9
.
Nhìn lại vụ việc bà Châu Thị Thu Nga vừa bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X cho biết, trước hết trách nhiệm thuộc về cá nhân đại biểu đã không giữ gìn, không đáp ứng được lòng tin của cử tri. Bên cạnh đó, cơ quan hiệp thương cũng phải có trách nhiệm vì không chỉ giới thiệu cho xong là thôi mà phải theo dõi, giám sát đại biểu đó trong suốt quá trình hoạt động.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X
PV: Thưa ông, từ vụ việc của bà Châu Thị Thu Nga bị Quốc hội bãi nhiệm, ông có bình luận gì?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Chiều 18/6, Quốc hội thông qua Nghị quyết bãi nhiệm tư cách đại biểu đối với bà Châu Thị Thu Nga là hoàn toàn chính đáng. Vì bất kỳ người đại biểu Quốc hội nào cũng phải lấy tiêu chuẩn hàng đầu là phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, những người lợi dụng là đại biểu Quốc hội nhằm thực hiện ý đồ xấu, thậm chí phương hại đến quyền lợi quốc gia thì kiên quyết xử lý một cách nghiêm túc.
Bà Nga trở thành đại biểu Quốc hội để lợi dụng chiếm đoạt tài sản của người khác rất lớn, một doanh nhân bình thường mà vi phạm như vậy thì phải phạt nặng, nhưng đây là một đại biểu đại diện cho quyền lợi của nhân dân mà vi phạm thì càng kiên quyết xử lý.
Bà Nga là đại biểu tự ứng cử, nhưng tự ứng cử hay tổ chức giới thiệu thì cơ quan đứng ra tổ chức hiệp thương phải thực sự chịu trách nhiệm. Trách nhiệm này thuộc về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vì đây là cơ quan đứng ra tổ chức hiệp thương.
Ngoài ra, về phía Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra TP Hà Nội cũng phải thực hiện nghiêm túc vụ việc này.
Từ vụ việc bà Nga cho thấy, dù cá nhân tự ứng cử hay tổ chức giới thiệu thì cơ quan hiệp thương phải tỉnh táo, xem xét lắng nghe từng ý kiến đánh giá ứng cử viên là người như thế nào và ai là người xác nhận tiêu chuẩn của họ. Để xảy ra trường hợp như bà Nga, cơ quan hiệp thương phải chịu trách nhiệm.
Bà Châu Thị Thu Nga khi còn là đại biểu Quốc hội
PV: Cử tri đồng tình với việc tự do ứng cử là tiến bộ, là dân chủ nhưng lại lo lắng về việc thực hiện như thế nào? Làm thế nào để phát hiện, loại bỏ những người không xứng đáng, thưa ông?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Dân chủ trong bầu cử là hoàn toàn chính xác. Đảng ta không nên áp đặt một danh sách để dân bầu, đó là vấn đề thời xưa khi trình độ dân trí chưa cao nhưng bây giờ trình độ dân trí của người dân cao lắm rồi, thì hoàn toàn phải để cho dân được quyền đó.
Cho nên những người tự ứng cử hay tổ chức giới thiệu đều phải qua tiếng nói của dân và qua nhiều kênh, như kênh của Ủy ban MTTQ, kênh của nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở hay khu dân cư nơi người đó đang sống.
Tóm lại phải đi vào cơ sở để lắng nghe tiếng nói của dân, trên cơ sở đó cơ quan hiệp thương căn nhắc, phân tích, xem xét, đánh giá lại một cách toàn cục để chọn những người đủ tiêu chuẩn để nhân dân bầu. Vì không phải cứ tổ chức giới thiệu là chính xác, đó có thể là yếu tố tin cậy, nhưng không phải tuyệt đối mà phải cảnh giác, thẩm định lại từ phía quần chúng nhân dân.
Chính vì vậy, đại biểu tự ứng cử hay tổ chức giới thiệu thì việc thẩm định phải trên cơ sở nguyên tắc dân chủ. Thẩm định từ những người liên quan đến công việc của con người đó để giám sát, phát hiện, có tiếng nói đóng góp cho cơ quan hiệp thương.
Mặc dù cơ quan hiệp thương đã giới thiệu đại biểu nhưng cử tri là người có trách nhiệm khi bầu ai thì phải tìm hiểu một cách căn cơ đừng như lâu nay nghe tổ chức giới thiệu thì cứ thế bầu cử là không được. Như vậy quyền dân chủ không được phát huy, trong khi hậu quả đó thì người dân và đất nước phải chịu.
Chính vì vậy, người dân là người cuối cùng thẩm định lại ứng cử viên đó có đủ tiêu chuẩn để trở thành đại biểu Quốc hội, người đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân hay không.
PV: Thực tế cho thấy hạn chế của việc cơ cấu đại biểu định sẵn. Có những đại biểu cả kỳ họp không phát biểu hoặc phát biểu chưa xứng với vai trò, trách nhiệm của mình. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi không đồng tình với việc đặt cơ cấu lên trên. Những người đã có năng lực thì góc độ này hay góc độ khác đều có thể đóng góp cho nhân dân, đất nước. Vấn đề ở đây là tiêu chuẩn, phẩm chất, là đạo đức, là năng lực mà trước hết là những người vì lợi ích của nhân dân đứng ra đại diện cho quyền lợi của nhân dân. Có năng lực nhưng không vì lợi ích của nhân dân thì càng nguy hiểm.
Mỗi người trong một lĩnh vực đều có năng lực nhất định, cho nên để nói rằng cơ cấu không phải là tiêu chuẩn đầu tiên. Cơ cấu là để xem xét, chứ không phải đưa ra để lấy thành tích.
Lâu nay, chúng ta quá nặng nề về vấn đề cơ cấu, lĩnh vực này có thì lĩnh vực kia cũng có, trong khi đó vấn đề quan trọng của người đại biểu nhân dân là phải có tầm chiến lược quốc gia trên các lĩnh vực.
Đại biểu Quốc hội cũng có hai dạng: một là không có năng lực nên không phát biểu ý kiến; hai là, có những người rất hiểu biết nhưng ít khi hoặc thậm chí không phát biểu, đó là những người nằm trong bộ máy chính quyền các cấp có quyền lực.
Vấn đề quyền lực đã “trói” những đại biểu Quốc hội, họ biết nhưng không dám nói. Nói thì sẽ dễ gây sai phạm, nên họ “nằm im” mà cái “im” đó hậu quả là người dân chịu. Không biết để phát biểu, đấu tranh bảo vệ quyền lợi người dân đã là sai, nhưng có những người biết nhưng không dám nói thì càng nguy hại hơn.
Vì vậy, nên hạn chế những chức danh trong bộ máy quản lý nhà nước các cấp là đại biểu Quốc hội, mà nên để những người ít liên quan đến quản lý nhà nước tham gia.
PV: Theo ông, cần phải làm gì để nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Cơ quan hiệp thương đứng ra lựa chọn những người đủ tư cách và người dân phải chịu trách nhiệm theo dõi, chọn lọc những người đủ tiêu chuẩn đó.
Hiến pháp giao người dân quyền dân chủ mà người dân không phát huy quyền dân chủ đó, bầu những người không đủ tư cách thì rất nguy hiểm. Tình trạng cử tri đi bầu thay, hay đến bầu cho xong như lâu nay thì không thể hiện được quyền dân chủ mà Hiến pháp đã trao.
Và khi người dân đã bầu rồi, Quốc hội phải xem xét, tỉnh táo nhìn nhận qua một vài kỳ họp xem thái độ cũng như trình độ của đại biểu đó như thế nào để chấn chỉnh. Nếu đại biểu biết mà không nói thì phải nêu ra để nhắc nhở; không biết mà chưa nói thì phải về đi sâu vào cơ sở để lần sau phát biểu.
Không thể để trình trạng có hàng trăm đại biểu Quốc hội mà mỗi kỳ họp chỉ quanh quanh vài chục đại biểu phát biểu ý kiến, còn những người khác ngồi im. Mà phát biểu là phải có chứng kiến, có đóng góp chứ không phải phát biểu vài câu vô thưởng vô phạt.
Người đại biểu đã ngồi trong hội trường thì phải toàn tâm toàn ý, nghiên cứu, chọn lọc, đóng góp, cống hiến thì mới đúng tư cách người đại biểu Quốc hội, người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
PV: Xin cảm ơn ông./.