Đề nghị đưa vấn đề bạo hành trẻ em vào Chương trình giám sát của Quốc hội
- Dược liệu
- 23:39 - 01/11/2017
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) dẫn số liệu mỗi năm ở Việt Nam có hơn 1.300 trẻ em bị xâm hại với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Số trẻ bị xâm hại ở độ tuổi mẫu giáo ngày càng có xu hướng gia tăng, xảy ra nhiều vụ xâm hại rồi sau đó giết trẻ hoặc dẫn tới trẻ tự sát. Nhiều vụ xâm hại có tính chất loạn luân như cha dượng xâm hại con riêng của vợ, hay cả cha đẻ và ông nội cùng xâm hại trẻ trong một thời gian dài như ở Vĩnh Long. Một số vụ thầy giáo và bảo vệ nhà trường cùng xâm hại nhiều học sinh…
Trong số các nguyên nhân, nữ đại biểu cho rằng, gia đình chưa trang bị cho trẻ những kiến thức cần thiết trước khi bị xâm hại; khi vụ việc xảy ra thì một số gia đình cam chịu bỏ qua, chấp nhận đau đớn về tinh thần, hoặc đưa vụ việc ra công luận thì lại thiếu chứng cứ để xử lý người phạm tội...
Theo Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, nhiều vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng nhưng sau khi xảy ra lại bị bỏ lọt. Quá trình chứng minh các vụ án xâm hại trẻ em gặp rất nhiều khó khăn bởi nguyên tắc của tố tụng hình sự là trọng chứng hơn trọng cung. Do đó, nếu không có chứng cứ hoặc chứng cứ yếu thì các cơ quan tố tụng cũng không thể khởi tố, truy tố, kết tội. Trong khi đó, các vụ xâm hại trẻ em thường xảy ra ở những nơi vắng vẻ, ít khi có nhân chứng. Trẻ bị hại tuổi còn quá nhỏ, chưa nhận thức được đầy đủ sự việc, hoặc có những cháu quá hoảng sợ nên khai báo không thống nhất.
Một khó khăn nữa, theo bà Nguyễn Thị Thủy, là vấn đề giám định. Luật Giám định tư pháp không có các quy định đặc biệt dành riêng cho loại án này. Gia đình người hại chỉ có quyền tự trưng cầu giám định nếu sau 7 ngày mà cơ quan tố tụng từ chối trưng cầu giám định. Do đó sẽ rất khó để có thể lưu giữ được chứng cứ tới thời điểm này. Bà Thủy đề nghị sửa Luật Giám định tư pháp theo hướng cho phép gia đình nạn nhân được tự trưng cầu giám định ngay sau khi sự việc xâm hại xảy ra.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị cho phép gia định nạn nhân tự trưng cầu giám định ngay khi vụ xâm hại xảy ra
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) cho rằng, cần có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn hữu hiệu loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đang gây bức xúc trong dư luận xã hội hiện nay. Bà Trang kiến nghị cần giám sát chặt chẽ hơn trong chỉ đạo triển khai các giải pháp đồng bộ, thống nhất và khả thi, nhằm nâng cao ý thức phòng ngừa tự bảo vệ, đặc biệt triển khai nhiều mô hình trợ giúp thiết thực để trẻ em tránh khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục bằng nhiều biện pháp kịp thời xử lý truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng xâm hại trẻ em, đảm bảo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ.
Theo Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định), con số thống kê trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em bị bạo hành trên thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều so với báo cáo. Rất nhiều nạn nhân còn nhỏ tuổi, cá biệt có những em chỉ 9, 10 tháng tuổi. “Nếu như bạo hành đối với đối tượng yếu thế đáng lên án một thì bạo hành trẻ em đáng lên án gấp hàng trăm, hàng nghìn lần bởi hậu quả để lại cho các em cực kỳ nặng nề. không chỉ là vết sẹo về thể chất, vết thương về mặt tinh thần còn ám ảnh các em suốt cả đời, bị sang chấn tâm lý, đôi khi dẫn đến hành động tự hủy hoại bản thân” - đại biểu Đặng Thị Phương Thảo nhấn mạnh và kiến nghị Quốc hội cần đưa nội dung về bạo hành trẻ em vào chương trình giám sát của Quốc hội và coi đây là giám sát bậc cao nhất.