THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:02

Đặc sắc những lễ hội trên cao nguyên cà phê

Lễ cúng mừng mùa thu hoạch bội thu của đồng bào ÊĐê tại Tây Nguyên

Lễ cúng mừng mùa thu hoạch bội thu của đồng bào ÊĐê tại Tây Nguyên

Nhân dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 (từ ngày 10/3 đến 14/3), nhằm phục vụ nhân dân, các dân tộc anh em trên địa bàn cùng du khách trong và ngoài nước, ngoài 18 hoạt động chính của tỉnh, các địa phương, đơn vị, hội đoàn thể của tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động văn hóa để hưởng ứng cùng lễ hội.

Tại thành phố Buôn Ma Thuột nơi diễn ra nhiều sự kiện chính của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, Ủy ban Nhân dân thành phố tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng như Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số năm 2023; triển khai thí điểm Phố đi bộ, dịch vụ xe đạp công cộng; ra mắt và khai trương phố thưởng thức cà phê miễn phí trên tuyến đường Phan Đình Giót.

Tiếp đó: Ủy ban Nhân dân huyện Krông Pắk tổ chức Liên hoan biểu diễn Lân sư rồng Đắk Lắk mở rộng khu vực miền Trung-Tây Nguyên; tổ chức cho nhân dân và du khách tham quan khu Di tích lịch sử văn hóa Đồn điền CADA; thưởng thức ẩm thực Tây Nguyên tại các khu du lịch cộng đồng, trải nghiệm quy trình chăm sóc, chế biến, pha chế cà phê đặc sản từ ngày 10/3 đến 13/3.

Hoa cà phê nở trên cao nguyên Buôn Ma Thuột

Hoa cà phê nở trên cao nguyên Buôn Ma Thuột

Cùng với hoạt động lễ hội huyện Lắk tổ chức lễ cúng Bến nước, lễ cúng Sức khỏe cho voi, Liên hoan văn hóa cồng chiêng, đua thuyền độc mộc truyền thống và Hội trại truyền thống trong hai ngày 11/3 đến 12/3.

Ngoài ra, các huyện, thị xã còn lại trong tỉnh Đắk Lắk còn tổ chức các sự kiện văn hóa, thể dục, thể thao trước, trong và sau Lễ hội như Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Ea Kar năm 2023 gắn với lễ hội đua thuyền, Liên hoan Văn hóa cồng chiêng và biểu diễn nhạc cụ dân tộc huyện Krông Bông, Chương trình thôn/buôn vui chơi - thôn/buôn ca hát và Giải việt dã huyện M’Drắk, Giải bóng chuyền biên giới huyện Ea Súp, lễ trồng cây thị xã Buôn Hồ…

Văn hóa lễ hội tỉnh Đắk Lắk tạo được tiềm năng quan trọng trong phát triển KT-XH, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Với đặc điểm địa lý của một vùng đất cao nguyên quy tụ nhiều dân tộc cùng sinh sống và tài nguyên du lịch đa dạng, tỉnh Đắk Lắk được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước biết đến như một điểm du lịch hấp dẫn với nhiều địa danh cho phép khai thác theo hướng kết hợp cảnh quan, sinh thái, môi trường, truyền thống văn hoá của nhiều dân tộc trong tỉnh như hồ Lắk, cụm thác Gia Long – Dray Sap, cụm du lịch Buôn Đôn, thác Krông Kma, Diệu Thanh, Tiên Nữ… bên cạnh các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên Chư Yang Sin, Easo…

Già làng làm nghi lễ dâng lễ vật đến giàng

Già làng làm nghi lễ dâng lễ vật đến giàng

Toàn tỉnh Đắk Lắk có 23 di tích lịch sử cách mạng, 02 di tích lịch sử văn hoá, 13 di tích kiến trúc nghệ thuật, 8 di tích khảo cổ, 71 di tích thắng cảnh, 25 danh lam thắng cảnh. Có 9 di tích được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận di tích quốc gia, Bảo tàng Đắk Lắk có hơn 8.000 hiện vật văn hoá lịch sử.

Đến với Đắk Lắk là đến với vùng đất có nhiều rừng núi, sông hồ và những thác nước hùng vĩ, hòa cùng không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên – một “Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể” của nhân loại. Cùng với nét độc đáo trong văn hóa, Đắk Lắk còn vùng đất của những lễ hội khá đặc trưng đã được du khách trong và ngoài nước biết đến như: Lễ hội đua voi; Lễ hội văn hóa Cồng Chiêng; Lễ cúng bến nước; Lễ bỏ mả…của đồng bào các dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất cao nguyên này. Đặc biệt Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột đã được Chính phủ công nhận là Lễ hội cấp Quốc gia được tổ chức 02 năm một lần vào tháng 3.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 có nhiều chương trình, hoạt động mới và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp. Ban Tổ chức kỳ vọng, Lễ hội sẽ tạo ra nhiều “cú hích” phát triển ngành Nông nghiệp tỉnh, ngành hàng càphê cũng như góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của Đắk Lắk đến với các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước.

Đánh chiêng cùng múa hát mừng một mùa bội thu của đồng bào ÊĐê tại Buôn Ma Thuột

Đánh chiêng cùng múa hát mừng một mùa bội thu của đồng bào ÊĐê tại Buôn Ma Thuột

Các địa phương đều đăng ký nhiều hoạt động, tham gia hưởng ứng sôi nổi với các sự kiện văn hóa, thể dục, thể thao trải dài trước, trong và sau Lễ hội. Cùng với đó, thông tin về Lễ hội được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực quan sinh động nhằm giúp người dân vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận, hưởng ứng, tham gia, các phòng, đơn vị thuộc Sở cũng tổ chức nhiều hoạt động như Triển lãm tiêu bản voi, trưng bày chuyên đề "Trang phục truyền thống các dân tộc ở Đắk Lắk," giải Việt dã tỉnh, chương trình Âm nhạc nghệ thuật đường phố, trưng bày sách kỷ niệm 48 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột và giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975-10/3/2023).

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh