THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:59

Đà Nẵng thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ thoát nghèo

Xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả để hộ nghèo, người nghèo có điều kiện tiếp cận các kiến thức, kinh nghiệm làm ăn và tham gia phát triển kinh tế, tăng thu nhập vươn lên thoát nghèo.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả để hộ nghèo, người nghèo có điều kiện tiếp cận các kiến thức, kinh nghiệm làm ăn và tham gia phát triển kinh tế, tăng thu nhập vươn lên thoát nghèo.

Tạo điều kiện để người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập

Với phương châm không để người nghèo bị bỏ lại phía sau, thời gian qua các ngành, các cấp trên địa bàn TP Đà Nẵng đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo.

Đầu giai đoạn 2019-2021, toàn thành phố có 14.983 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,53%/hộ dân cư, trong đó 11.675 hộ nghèo còn sức lao động, tỷ lệ 3,89% (theo chuẩn Trung ương có 1.405 hộ nghèo còn sức lao động, tỷ lệ 0,5% và 4.836 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,61%); hộ cận nghèo có 6.395 hộ, chiếm tỷ lệ 2,36%/hộ dân cư.

Qua 3 năm (2019 – 2021) triển khai kế hoạch giảm nghèo, TP Đà Nẵng đã trợ giúp cho 8.488 hộ thoát nghèo, trong đó có 926 hộ thoát nghèo theo chuẩn Trung ương và 1.320 hộ nghèo phát sinh. Đến cuối năm 2021, toàn thành phố còn lại 4.507 hộ nghèo còn sức lao động, chiếm tỷ lệ 1,5% (theo chuẩn Trung ương có 619 hộ nghèo, tỷ lệ 0,21%; 3.672 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,22%); 2.968 hộ nghèo không còn sức lao động, chiếm tỷ lệ 1,1%; 2.913 hộ cận nghèo chuẩn thành phố, chiếm tỷ lệ 0,97%.

Tạo điều kiện để hộ nghèo có nguồn lực sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình tăng thu nhập, bên cạnh nguồn vốn Trung ương phân bổ, TP Đà Nẵng đã uỷ thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố với kinh phí 80 tỷ đồng để kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo vay vốn.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đã phối hợp với các hội, đoàn thể và các địa phương tiến hành thẩm định và giải ngân cho 7.593 lượt hộ vay vốn, trong đó có 2.675 hộ nghèo; 1.961 hộ cận nghèo và 2.957 hộ mới thoát nghèo, với tổng doanh số cho vay 305.850 triệu đồng; dư nợ cho vay đối với hộ nghèo, thoát nghèo, hộ cận nghèo đến cuối năm 2021 là 321.726 triệu đồng.

Đi sâu đi sát hỗ trợ ngay từ cơ sở, bà Chu Thị Tâm, Tổ trưởng tổ dân phố 32 phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu cho biết, để nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, định kỳ hằng tháng, địa phương và các đơn vị đều tiến hành kiểm tra, đánh giá và có biện pháp hướng dẫn kịp thời cho các hộ sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. Nhiều hộ từ chỗ khó khăn, nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống ổn định.

Các chính sách hỗ trợ tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo đã tạo điều kiện để người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập.

Các chính sách hỗ trợ tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo đã tạo điều kiện để người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập.

Không chỉ hỗ trợ hộ nghèo về vốn vay, tạo điều kiện để người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, thời gian qua các địa phương trên địa bàn thành phố còn tổ chức nhiều buổi đối thoại trực tiếp với hộ nghèo, hướng dẫn cách làm ăn, hỗ trợ sinh kế,… Đặc biệt, thành phố đã đào tạo nghề miễn phí gắn với tạo việc làm cho gần 1.000 người và giới thiệu việc làm cho hơn 6.000 lao động nghèo, cận nghèo có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Nhân rộng các mô hình hiệu quả

Xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả để hộ nghèo, người nghèo có điều kiện tiếp cận các kiến thức, kinh nghiệm làm ăn và tham gia phát triển kinh tế, tăng thu nhập vươn lên thoát nghèo là cách làm đang được các hội đoàn thể trên địa bàn TP Đà Nẵng triển khai nhằm hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững.

Theo đó, chỉ tính trong giai đoạn 2019-2021, thông qua mô hình ở các hội đoàn thể đã xây dựng, duy trì, mở rộng hỗ trợ cho hơn 1.000 người nghèo tham gia giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Trong đó, phải kể đến các mô hình cho vay vốn không lãi suất hoặc lãi suất thấp được các hội đoàn thể triển khai như mô hình của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh..., với các hình thức như “Tổ góp vốn xoay vòng”; “3 trong 1”; “5 trong 1”; “giúp nhau lập nghiệp”, thu hút hơn 600 hộ nghèo tích cực tham gia.

Nhiều mô hình mang lại hiệu quả được nhân rộng như mô hình “Phụ nữ phát triển kinh tế”, “Tổ liên hợp sản xuất nấm Linh Chi”, may thảm chùi chân và đệm lốp ô tô của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố; mô hình “Phụ nữ giúp việc nhà” của quận Hải Châu; mô hình nhóm dịch vụ vệ sinh “Sạch và gọn”; các mô hình trồng hoa cúc vàng, nấm rơm, nuôi cá nước ngọt, rau sạch của huyện Hoà Vang…

Mô hình nuôi cá nước ngọt ở huyện Hoà Vang.

Mô hình nuôi cá nước ngọt ở huyện Hoà Vang.

Tại quận Sơn Trà, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững nhờ mô hình “Mỗi chi bộ giúp đỡ 1 hộ nghèo” và chia sẻ những khó khăn đối với hộ nghèo thông qua các mô hình “Cơm yêu thương cho người lao động nghèo”; “Hũ gạo tình thương”.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Huyền cho rằng, việc nhân rộng các mô hình hỗ trợ, giúp nhau làm kinh tế là cách làm hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống người dân. Tiêu biểu như mô hình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, mô hình các tổ nhóm dịch vụ, tổ liên kết tại các khu dân cư giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ... Trong đó, mô hình “Tổ dịch vụ giúp việc gia đình” đã giới thiệu việc làm ổn định cho gần 3.200 lao động.

Duy trì các mô hình trợ giúp, hỗ trợ thoát nghèo, thời gian qua, TP Đà Nẵng cũng đã hỗ trợ kịp thời hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 năm 2020 với mức 250.000 đồng/khẩu và năm 2021 với mức 500.000 đồng/khẩu cho 101.591 lượt người, tổng kinh phí gần 64 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố còn hỗ trợ 500.000 đồng/hộ trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội, qua đó giúp hộ nghèo, cận nghèo ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng cho biết, giai đoạn 2022-2025, thành phố phấn đấu giảm hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn nghèo đa chiều thành phố hằng năm từ 1-1,5%; phấn đấu đến cuối năm 2024, không còn gia đình chính sách có công cách mạng thuộc hộ nghèo; giảm 100% số hộ nghèo còn sức lao động, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều so với đầu giai đoạn 2022-2025; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng 40 mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, tạo việc làm, có thu nhập bền vững, thích ứng với biển đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo...

Trong đó, riêng năm 2022, thành phố phấn đấu giảm 2.990 hộ nghèo còn sức lao động, chiếm tỷ lệ 1% và 1.320 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,44% theo chuẩn nghèo đa chiều thành phố so với đầu giai đoạn 2022-2025. Đồng thời, hỗ trợ giới thiệu việc làm cho khoảng 1.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động… 

BÙI MINH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh