THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:29

Đà Nẵng: Tạo điều kiện để người khuyết tật hoà nhập cộng đồng

Lối đi dành cho người khuyết tật ở bãi biển Đà Nẵng

Mất đi đôi chân từ một tai nạn bom mìn khi chỉ mới 12 tuổi, chị Trần Thị Tâm Hiền, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng vẫn còn nhớ như in cái ngày định mệnh của cuộc đời mình. Vấp phải quả bom còn sót lại sau chiến tranh khi đang trên đường đi học, tai nạn đã cướp đi đôi chân của chị và sau đó là cả những chuỗi ngày dài đằng đẵng với biết bao những khó khăn, bất tiện mà chị phải trải qua.

 Sau khi lấy chồng cũng là người khuyết tật, cuộc sống của chị lại càng trở nên khó khăn hơn khi cả hai vợ chồng đều không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập chủ yếu là từ công việc làm đồ hàng mã. “Cuộc sống thực sự rất khó khăn khi thiếu đi đôi chân. Việc sinh hoạt của bản thân cũng gặp những bất tiện, chưa kể mình phải chăm sóc chồng cũng là người khuyết tật, mẹ chồng lại thường xuyên đau ốm”, chị Hiền kể.

 Đến cuối năm 2017, được Hội Người khuyết tật TP. Đà Nẵng huy động nguồn để hỗ trợ thay chân giả, cuộc sống của chị dường như đã thay đổi, “Được hỗ trợ lắp chân giả, công việc giao hàng của tôi đã thuận lợi hơn rất nhiều. Thu nhập hàng tháng cũng được khoảng 5 triệu đồng, đủ để gia đình tôi trang trải những chi tiêu sinh hoạt cần thiết”, chị Hiền cho biết.

Không chỉ chị Hiền, anh Nguyễn Đăng Thời, phường Hoà Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng bày tỏ, bản thân từng gặp rất nhiều khó khăn khi bị khuyết tật ở chân. Thế nhưng, kể từ khi được Hội Người khuyết tật TP. Đà Nẵng hỗ trợ nẹp chân, cuộc sống của anh đã trở nên ý nghĩa hơn nhiều. “Trước đây, tôi rất khó khăn trong việc phải di chuyển, nên chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết và phải nhờ vợ chở đi. Từ khi được nẹp chân, tôi đã đi bộ được nhiều hơn, có thể qua lại thăm bạn bè nên cảm thấy rất vui”, anh Thời chia sẻ.

Nhiều người khuyết tật đã có nghề, có việc làm ổn định từ các phiên chợ việc làm và tuyển sinh học nghề dành cho người khuyết tật do Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng tổ chức 

Khó khăn trong sinh hoạt, không có nghề nghiệp, cuộc sống bấp bênh… là thực tế mà người khuyết tật ở nhiều địa phương đang gặp phải. Ông Trương Công Nghiêm - Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Đà Nẵng cho biết, TP. Đà Nẵng hiện có gần 12.000 người khuyết tật, trong đó tỷ lệ người khuyết tật có việc làm ổn định trên địa bàn thành phố không nhiều, chỉ khoảng 4.000 người. Còn lại, đa phần là chưa có việc làm hoặc bệnh tật, sức khỏe yếu, không có khả năng lao động.

Nhằm trợ giúp người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ xã hội, hòa nhập cộng đồng, năm 2017 được sự tài trợ của Uỷ Ban chữ thập đỏ quốc tế, Hội Người khuyết tật TP. Đà Nẵng đã kết nối hỗ trợ lắp dụng cụ trợ giúp như nẹp, chân tay giả, giày tất chỉnh hình… cho người khuyết tật các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Tính đến nay, đã có 233 người được hỗ trợ dụng cụ từ chương trình này, trong đó Đà Nẵng có 108 người. “Vẫn còn rất nhiều người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ để lắp chân tay, có thêm dụng cụ để thuận tiện hơn trong sinh hoạt và hoà nhập với cộng đồng.”, ông Trương Công Nghiêm - Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Đà Nẵng cho biết.

Bên cạnh việc hỗ trợ dụng cụ, phương tiện sinh hoạt, thời gian qua, TP. Đà Nẵng còn có nhiều chương trình, chính sách nhằm hỗ trợ người khuyết tật học nghề, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống. Trong đó, phải kể đến các phiên chợ việc làm và tuyển sinh học nghề dành cho người khuyết tật do Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng tổ chức định kỳ. Nhiều người khuyết tật đã có nghề, có công ăn việc làm ổn định từ những phiên chợ việc làm này. Hay như việc thiết kế có lối đi riêng hoặc các điều kiện cần thiết tại các công trình công cộng, các dịch vụ xã hội, để người khuyết tật có thể tiếp cận và sử dụng đang được TP. Đà Nẵng triển khai. Theo đó, trong năm 2018, TP. Đà Nẵng đầu tư gần 1.300 tỷ đồng xây dựng hơn 300 điểm tại 23 tuyến đường tại các khu vực quận Hải Châu, Thanh Khê dành cho người khuyết tật. Sở Giao thông vận tải thành phố cũng đã triển khai hệ thống xe buýt có tiếp cận và cấp phát thẻ miễn giảm giá vé cho người khuyết tật có thể tiếp cận sử dụng.

Mới đây, TP. Đà Nẵng cũng đã ban hành kế hoạch triển khai công tác trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn thành phố. Trong năm 2018, TP. Đà Nẵng sẽ đảm bảo 100% hộ gia đình có người khuyết tật là hộ nghèo, chính sách đang ở nhà cấp 4 xuống cấp, hư hỏng nặng được ưu tiên hỗ trợ xây, sửa chữa nhà; trường hợp chưa có nhà ở, đang ở nhà thuê, thật sự bức xúc về chỗ ở sẽ được thành phố ưu tiên xem xét cho thuê nhà chung cư.

Bên cạnh việc đảm bảo đời sống cho người khuyết tật, năm 2018, thành phố cũng sẽ tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ người khuyết tật học nghề, đối với những hộ có người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn sẽ được thành phố hỗ trợ phương tiện sinh kế phù hợp để tự tạo việc làm. Đặc biệt, 100% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện sẽ được vay vốn ưu đãi tạo việc làm từ nguồn vốn ủy thác của thành phố. Đảm bảo 100% các công trình công cộng xây dựng mới, cải tạo sửa chữa là trụ sở  làm việc của cơ quan nhà nước, nhà ga, bến xe, bến tàu, cơ sở khám chữa bệnh...đảm bảo điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật. Các công trình công cộng tư nhân khi xây dựng mới, cải tạo sửa chữa xin cấp giấy phép xây dựng cũng phải bắt buộc đảm bảo lối tiếp cận cho người khuyết tật...

“Được trợ giúp, tạo điều kiện vượt qua mặc cảm, tự ty, người khuyết tật có thể làm được nhiều việc nuôi sống bản thân và trở thành người có ích cho cộng đồng, xã hội.”, ông Trương Công Nghiêm - Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Đà Nẵng khẳng định.

BÙI MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh