Đà Nẵng: Nhiều nông dân thoát nghèo từ nuôi tôm thẻ chân trắng
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 18:35 - 18/04/2017
Chỉ vào diện tích nuôi tôm rộng hàng nghìn m2, ông Đỗ Trực, thôn Trương Định, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) vẫn còn nhớ như in những ngày tháng cơ cực, “Trước đây, cả khu này là vùng đất hoang hóa, trồng lúa nhưng không có nước tưới, lại bị nhiễm mặn nên đời sống gia đình tôi khó khăn lắm. Làm nghề nông thì quanh năm chỉ trông chờ vào đấy thôi, mà cứ mất mùa mãi nên không đủ ăn”.
Nhiều hộ dân tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ nghề nuôi tôm thẻ chân trắng
Vất vả mà vẫn khó khăn, bài toán trồng cây gì, nuôi con gì để mang lại hiệu quả kinh tế khiến người nông dân này quyết tâm thực hiện ý tưởng táo bạo. “Gia đình tôi quyết định thuê người cải tạo lại toàn bộ 5.000 m2 đất lúa chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Thời gian đầu vừa nuôi, tôi vừa tìm hiểu, vừa rút kinh nghiệm cho các vụ sau nên thu nhập cũng chưa được như mong đợi. Nhưng càng về sau, khi mình đã có những kiến thức nhất định về nuôi loại tôm nước lợ này thì hiệu quả kinh tế từ nuôi tôm thẻ chân trắng đem lại rõ rệt, hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa trước đây.”, ông Trực cho biết.
Đến nay, với kinh nghiện hơn 10 năm nuôi tôm nước lợ, gia đình ông Trực đã có trong tay 3 hồ nuôi tôm nước lợ, rộng hơn 5.000 m2. Mỗi vụ nuôi tôm kéo dài gần 3 tháng, vụ nuôi tôm vừa rồi, gia đình ông thu hoạch hơn 4 tấn tôm thẻ chân trắng bán ra thị trường, trừ chi phí ông Trực thu về 250 triệu đồng tiền lãi. “Vùng đất này nuôi tôm hiệu quả lắm. Tôi nuôi tôm tính đến nay cũng đã 10 năm rồi, chưa có lần nào thất bại mà hiệu quả ngày càng tăng. Nuôi tôm so với lúa gấp cả 30 đến 40 lần. Nói về nông nghiệp nghề nuôi tôm là nghề cho thu nhập cao nhất. Từ con tôm, tôi đã xây được nhà, sắm sửa các vật dụng cần thiết, cho con cái ăn học và có đồng vốn để làm ăn, cuộc sống gia đình đã khá hơn nhiều.”, ông Trực bày tỏ. Được biết, ngoài nuôi tôm, hiện gia đình ông Trực còn đầu tư thêm nuôi cua gạch cũng cho thu nhập cao.
Nhiều diện tích trồng lúa không hiệu quả ở xã Hòa Liên đã được bà con nông dân cải tạo chuyển sang nuôi tôm nước lợ
Xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang là địa phương đang có 35 hộ nuôi tôm với tổng diện tích khoảng 26 héc ta. Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng nơi đây mặc dù đã có từ lâu, tuy nhiên chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, chưa hiệu quả, đa số năng suất đạt thấp. Những năm trở lại đây, được sự quan tâm hỗ trợ của Hội Nông dân và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng, người nuôi tôm đã thành lập Chi hội nghề nghiệp, gắn kết với nhau, tạo nên sức mạnh tập thể. Người dân vùng nuôi tôm cũng được chính quyền địa phương tạo điều kiện từ việc cho vay vốn với lãi suất thấp, hỗ trợ con giống có chất lượng nên nuôi tôm đạt năng suất cao. Nhờ đó, vụ nuôi tôm vừa qua, năng suất tôm ở địa phương bình quân đạt 4 đến 5 tạ/hécta. Trừ chi phí, người nông dân thu lãi từ 150 đến 250 triệu đồng/hécta, có hộ lãi 300 triệu đồng/ha.
“Trước đây, người dân địa phương chủ yếu làm nghề trồng lúa, nhưng lúa chỉ làm được một vụ nên không hiệu quả, đời sống người dân khó khăn. Từ khi chuyển đổi cây trồng, đặc biệt là các mô hình nuôi tôm nước lợ, đời sống của bà con đã thay đổi hơn nhiều so với trước đây. Hiện, ngoài việc hỗ trợ bà con về kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ bà con nạo vét đắp thêm ao để đầu tư nuôi tôm, chúng tôi cũng đang đề xuất với thành phố quy hoạch vùng nuôi tôm để bà con có thể ổn định về nguồn cung cấp nước, cũng như đầu tư cho hệ thống thoát, cấp nước phù hợp với môi trường hơn. ”, ông Ngô Văn Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang cho biết.
Đà Nẵng hiện có gần 50 hộ nuôi tôm, tập trung ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang và xã Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn. Trước đây, những hộ nuôi tôm trên địa bàn Đà Nẵng chủ yếu đầu tư nuôi tôm sú nhưng do hiệu quả kinh tế không cao. Gần đây, từ những mô hình nuôi tôm nước lợ hiệu quả, phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng bắt đầu được bà con nông dân quan tâm và tập trung đầu tư vì hiệu quả kinh tế mang lại.
Bà Ngô Thị Kim Cương, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng cho biết: Nuôi tôm thẻ chân trắng đem lại hiệu quả kinh tế hơn nhiều so với những diện tích cây trồng khác. Hiện, bên cạnh nuôi tôm, Trung tâm đang khuyến khích người dân vùng nuôi tôm đầu tư nuôi cua thương phẩm để tăng thêm thu nhập. Trước mắt, Trung tâm sẽ thực hiện việc hỗ trợ bà con nông dân về kỹ thuật, cách phòng tránh dịch bệnh có thể xảy ra, đào tạo nghề, ứng dụng mô hình nuôi luân canh một vụ tôm, vụ cua thương phẩm…để cải thiện thêm thu nhập cho bà con, từ đó thúc đẩy bà con tiếp tục đầu tư, sản xuất vào những mô hình hiệu quả, đem lại kinh tế cao, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.