Xâm nhập "lãnh địa" nuôi tôm chân trắng trái phép bên vịnh Lăng Cô
- Tây Y
- 17:00 - 26/11/2015
Thị trấn biển bị “cày phá” bởi hồ nuôi tôm chân trắng
Qua phản ánh từ người dân địa phương, chúng tôi về thị trấn biển Lăng Cô - nơi được công nhận là Vịnh đẹp thế giới và không khỏi kinh hãi khi hàng loạt hồ nuôi tôm chân trắng đang hoạt động ồ ạt tại đây. Cả một vùng ven đầm Lập An, cạnh các nguồn nước sông, hồ sát biển là các hồ tôm chi chít như “miếng bánh” bị sâu đục khoét.
Nhiều nhất là các hồ tôm diện tích nhỏ ở thôn Lập An (sát đầm Lập An, nơi đổ nước ra Vịnh đẹp Lăng Cô) được người dân mới đào, hoạt động chừng nửa năm trở lại.
Nghe chúng tôi nói muốn xem xét đầu tư làm ăn, 2 người đàn ông hào hứng giới thiệu: “Anh muốn sang lại mấy hồ tụi em có hết. Chừng 100 đến 200 triệu đồng một hồ nhỏ vài trăm mét vuông”. “Vậy hồ tôm có giấy tờ gì không?”, một người nói: “Chưa có, nhưng anh yên tâm rồi sẽ có”.
PV đã mục sở thị cả dải nhà dân dọc Quốc lộ 1A ở thị trấn này và không khỏi giật mình khi hầu như các nhà đều đào hồ nuôi tôm chân trắng ở vườn nhà. Từ hồ tôm nhìn ra đường quốc lộ chỉ 2-3 mét. Cũng từ các hồ tôm này, đường dẫn nước thải được đổ về phía sau vùng đầm Lập An. Hầu hết các hồ tôm chân trắng tại đây đều là trái phép.
Chính quyền buông lỏng quản lý
Trao đổi vấn đề tại sao lại để người dân ồ ạt nuôi tôm chân trắng như vậy, ông Trần Văn Giảng, Chủ tịch UBND Thị trấn Lăng Cô cho biết, xuất phát từ Quyết định số 72 tháng 11/2014 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế “Ban hành quy định về nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, Lăng Cô”, người dân ồ ạt nuôi tôm sai quy định.
Ông Giảng cho biết, có nhiều điều kiện để được nuôi tôm chân trắng như diện tích phải trên 3.000m2 với các ao nuôi xây dựng sau 2010, các hệ thống thải, cơ sở hạ tầng, hệ thống lắng lọc… Nhưng đa số các hộ nuôi đều có diện tích nhỏ chỉ vài trăm mét vuông. Hộ nào nuôi với diện tích lớn đảm bảo thì lại chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thiếu nhiều cơ sở vật chất, hệ thống xử lý ô nhiễm…
Có tổng số trên 90 hộ nuôi với diện tích hơn 32 hecta trái phép. Nhiều vùng như ở thôn Lập An, Loan Lý là tự phát. Tại vùng Loan Lý, các hộ nuôi tôm chân trắng trên đất nông nghiệp không đúng quy hoạch. Do diện tích quá lớn, cấp thị trấn không đủ thẩm quyền nên thị trấn đã trình đơn lên huyện.
Chủ tịch thị trấn Lăng Cô cho biết địa phương đã cùng với huyện, tỉnh đã kiểm tra, xử lý, lập biên bản, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng/hộ nhưng vẫn không làm dứt điểm được. “Chúng tôi mới chỉ làm ngang vậy chứ cương quyết xử lý không cho nuôi thì không cương quyết lắm. Bà con làm đa số là lỗ, thấy cũng tội”.
Trả lời câu hỏi: “Sẽ như thế nào nếu các hồ nuôi tôm chân trắng trái phép kia không đảm bảo về xử lý nước thải? Nước tôm thải ra sẽ làm ô nhiễm cả vùng đầm phá Lập An, ảnh hưởng đến môi trường nước của Vịnh đẹp Lăng Cô?”, ông Giảng cho hay: "Cũng đã nói và cảnh báo với bà con nếu không bảo vệ thì đầm Lập An sẽ thành khu đầm chết, nếu ai để xảy ra ảnh hưởng môi trường nặng sẽ cương quyết dẹp hồ".
Riêng về thông tin cho rằng một số cán bộ thị trấn Lăng Cô có nuôi tôm chân trắng trái phép, ông Giảng khẳng định không có việc này.
Hình ảnh nhiều hồ tôm chân trắng trái phép vừa mới mọc lên tại thị trấn biển Lăng Cô:
Chi chít hồ nuôi tôm chân trắng với diện tích nhỏ ở đường ven đầm Lập An
Rất nhiều hồ nuôi tôm chân trắng trái phép mọc lên trong thời gian ngắn tại thị trấn biển Lăng Cô, đe dọa đến môi trường
Những hồ nuôi tôm cạnh nguồn nước ở thị trấn Lăng Cô.