Đà Nẵng: Không để bất kỳ hộ dân nào chịu đói, rét
- Tây Y
- 01:06 - 18/12/2016
Sau những trận mưa kéo dài, trên địa bàn TP. Đà Nẵng, huyện Hoà Vang là địa phương phải gánh chịu nhiều thiệt hại nhất với nhiều tuyến đường, nhà dân bị ngập trong lũ, hoa màu bị thiệt hại nặng, đời sống người dân bị xáo trộn. Động viên bà con các vùng thiệt hại do ngập lụt nặng, ông Nguyễn Xuân Anh chỉ đạo chính quyền địa phương và các ngành chức năng phải chủ động vào cuộc quyết liệt trong công tác phòng ngừa lũ tiếp tục dâng, đồng thời giúp bà con khắc phục sau lũ, nhất quyết không để người nào, hộ dân nào phải chịu cảnh đói rét…
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, Nguyễn Xuân Anh và Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Võ Công Trí kiểm tra công tác phòng chống lũ lụt tại huyện Hòa Vang.
Báo cáo nhanh của với đoàn trên đường kiểm tra, đại diện Huyện Hòa Vang cho biết, tính đến hết ngày 16/12, trên địa bàn tuy không có thiệt hại về người nhưng đã có 6/11 xã của huyện bị ngập lũ nặng gồm Hoà Tiến, Hoà Châu, Hoà Phong, Hoà Sơn, Hoà Nhơn và Hoà Liên với tổng số 47 thôn và 2.141 hộ dân bị nước ngập vào nhà từ 0,5-1m. Diện tích hoa màu thiệt hại ước tính gần 200 ha rau màu trong đó 35,5 ha rau chuyên canh. Cây cảnh cũng bị thiệt hại lên đến trên dưới 190.000 chậu hoa phục vụ Tết, chủ yếu là củ ly, hoa cúc, hoa thọ mồng gà. Đối với thuỷ sản, hầu hết các ao nuôi trồng của thôn Trường Định, xã Hoà Liên và ao nuôi trồng thuỷ sản tại thôn An Ngãi Tây 2 xã Hoà Sơn nước lũ đã băng bờ, chưa thống kê nổi thiệt hại… Tổng ước tính thiệt hại ban đầu ở Hoà Vang khoảng 8,5 tỷ đồng.
Kiểm tra tình tình thực tế tại những nơi bị ngập năng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo huyện Hòa Vang nhất quyết không để người dân phải chịu cảnh đói rét…
Lãnh đạo huyện cũng cho hay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của thành phố, địa phương đã chỉ đạo các ngành thường xuyên theo dõi, kịp thời cập nhật, ban hành các thông báo về tình hình mưa lũ, thông báo xả lũ của các huyện Dakmil 4, A Vương, Sông Bung 4 để các địa phương kịp thời chủ động ứng phó; theo dõi mực nước tại các hồ đập. Huyện cũng đã cử 121 cán bộ chiến sĩ thuộc cơ quan quân sự huyện, trên 100 dân quân đứng điểm tại cơ sở theo dõi tình hình, phối hợp với các xã giải quyết các tình huống xấu xảy ra.
Động viên bà con tại những khu vực ngập năng như thôn Bắc An, Lai Châu (xã Hoà Tiến); thôn Phú Sơn 3 xã Hoà Khương, khu vực đập Bara An Trạch, hồ Hoà Trung, ông Nguyễn Xuân Anh, ông Võ Công Trí chỉ đạo chính quyền huyện phải tập trung hết sức lực cho công tác phòng chống, khắc phục lũ lụt, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân. Vùng nào nguy hiểm, phải khẩn trương đưa dân di dời khỏi vùng trũng thấp, có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhất là khu vực gần lưu vực sông và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” để xử lý. Trong đó, chú ý về phương tiện vận chuyển dân, nước sạch và lương thực; các đơn vị chức năng phải theo dõi sát xao, sẵn sàng ứng phó kịp thời với các sự cố dù là nhỏ nhất.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Anh cho biết: Những ngày qua, lãnh đậo thành phố luôn quan tâm sát xao đến tình hình lũ lụt trên các địa bàn, nhất là Hoà Vang – địa phương gánh chịu thiệt hại nhiều nhất. Qua đó, chỉ đạo các ban ngành có liên quan theo dõi và có những hỗ trợ cần thiết đối với những hộ dân trực tiếp bị ảnh hưởng nặng sau những cơn mưa dai dẳng gây lụt. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương sau lũ thống kê thiệt hại để thành phố có giải pháp hỗ trợ kịp thời. “Hiện tại, những nơi bà con bị cô lập, thành phố đã chỉ đạo địa phương, các ngành có phương án sử dụng phương tiện tàu thuyền, ca nô tiếp cận, sẵn sàng hỗ trợ lương thực, nước uống, chăn áo và vật dụng nhu yếu phẩm khi bà con cần. Thành phố cam đoan, sẽ không để bất kỳ người dân nào chịu đói, chịu rét. Những ngày tới, thành phố cũng liên tục theo dõi, thực tế đến các địa bàn để chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục mưa lũ, hạn chế đến mức thiệt hại.”, Bí thư Thành ủy, Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh