CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:10

Đà Nẵng: Khó đạt chuẩn giáo viên dạy nghề

Với mục tiêu phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề đủ về số lượng, đạt chuẩn về kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề và kỹ năng sư phạm, Đề án “Phát triển giáo viên dạy nghề đến năm 2020 đã được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt.

Theo Đề án này, địa phương sẽ tuyển mới 484 giáo viên dạy nghề, trong đó có 172 giáo viên dạy trình độ cao đẳng, 204 giáo viên dạy nghề trình độ trung cấp và 108 giáo viên dạy sơ cấp. Cơ cấu giáo viên dạy ở các ngành nghề cũng phải đảm bảo theo nhóm thương mại, dịch vụ chiếm tỷ lệ chủ yếu với 73,2%, nhóm công nghiệp, xây dựng chiếm 24% và nhóm nông, lâm, thủy sản chiếm 2,8%.

Đặc biệt, đến năm 2020, các cơ sở đạo tạo nghề trên địa bàn thành phố phải có 100% giáo viên dạy nghề có trình độ chuyên môn đủ chuẩn, được đánh giá, cấp chứng nhận về kỹ năng nghề và có kỹ năng sư phạm dạy nghề.

Bên cạnh nâng cao chất lượng giáo viên dạy nghề, việc giữ chân giáo viên giỏi ở các trường nghề cũng không dễ

Tuy nhiên, tại một hội nghị về công tác đào tạo nghề do Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng tổ chức mới đây cho thấy, hiện nay trình độ kỹ năng nghề và kỹ năng sư phạm của đội ngũ giáo viên dạy nghề ở địa phương vẫn chưa đủ chuẩn so với quy định xét trên cả ba tiêu chí gồm trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và kỹ năng sư phạm.

Đáng nói, yếu tố ngoại ngữ, một trong những yêu cầu không thể thiếu để giáo viên có thể cập nhật, tiếp cận những mô hình học tập mới, hiệu quả của nước ngoài, nhất là trong thời kỳ hội nhập như hiện nay thì đây lại đang là vấn đề mà nhiều giáo viên dạy nghề vấp phải.

 Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng cho biết “Khác với trước đây, xu hướng dạy nghề hiện nay đã tiếp cận đến trình độ khu vực và quốc tế. Chính vì vậy, việc đòi hỏi giáo viên dạy nghề phải biết ngoại ngữ là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, phần lớn giáo viên dạy nghề ở địa phương hiện nay chưa đủ khả năng ngoại ngữ để giao tiếp, tự nghiên cứu các tài liệu hoặc dạy nghề bằng tiếng Anh khi nhà trường liên kết với các cơ sở dạy nghề nước ngoài...”

Không chỉ chất lượng giáo viên dạy nghề chưa đủ chuẩn, những khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên tại các trường nghề cũng là một trong những vấn đề gây nhiều nan giải tại địa phương. Không ít giáo viên dạy nghề phải bỏ nghề để đi tìm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp vì thu nhập cao hơn.

Và như vậy, để có đủ giáo viên dạy nghề, nhiều trường nghề chấp nhận tuyển  phần  lớn là những sinh viên mới tốt nghiệp ra trường. Lực  lượng này nếu không được nâng cao trình độ, chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy thì việc thiếu nhiều kỹ năng, kinh nghiệm trong hoạt động dạy nghề, nhất là khâu thực hành sẽ là điều tất yếu.

Bà Kiều Thị Thanh Trang, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ- TB&XH TP. Đà Nẵng cho rằng, các cơ sở dạy nghề cần phải có chính sách thu hút và đãi ngộ giáo viên dạy nghề có trình độ chuyên môn, trình độ kỹ năng nghề cao, phù hợp, cụ thể như ưu tiên tuyển dụng, nâng lương trước hạn hay bổ nhiệm ở vị trí cao hơn, được bồi dưỡng nâng cao trình độ...

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn An cho rằng, phải có chính sách thu hút và đãi ngộ phù hợp thì mới giữ chân được giáo viên dạy nghề giỏi, đây cũng là điều tất yếu. Đồng thời, cũng phải tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên cũng như cán bộ quản lý dạy nghề nâng cao trình độ chuyên môn theo các chương trình đào tạo của Trung ương và địa phương.

Đà Nẵng hiện có 56 cơ sở dạy nghề, trong đó có 6 trường cao đẳng nghề, 4 trường trung cấp nghề, 14 trung tâm dạy nghề và 32 cơ sở đăng ký hoạt động dạy nghề. Trong đó, có 45 cơ sở do địa phương quản lý; 11 cơ sở do Trung ương quản lý. Quy mô đào tạo hơn 50.900 học sinh, sinh viên với 154 nghề.

 

 


Bùi Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh