CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:59

Đà Nẵng: Hiệu quả từ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Anh Trần Văn Hòa, thôn Phú Sơn 1, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng bên hồ cá basa sắp cho thu hoạch.

Anh Trần Văn Hòa, thôn Phú Sơn 1, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng bên hồ cá basa sắp cho thu hoạch.

Đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, lao động nông thôn nhằm chuyển đổi ngành nghề, tạo công ăn việc làm đã giúp cho nhiều lao động vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Tại thành phố Đà Nẵng, hàng trăm lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề mỗi năm đã và đang đang góp phần làm thay đổi diện mạo ở những vùng quê. Nhiều mô hình kinh tế hay, hiệu quả, phù hợp với điều kiện tự nhiên đã được ra đời từ đây. Trong đó, phải kể đến nghề nuôi cá nước ngọt ở thôn Phú Sơn 1, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang.

Đất nông nghiệp thường xuyên bị thiếu nước, hơn chục năm nay, gia đình anh Trần Văn Hòa (SN 1972), ở thôn Phú Sơn 1, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng đã chuyển đổi từ trồng lúa sang nghề nuôi cá nước ngọt. Không nhớ đã bao nhiêu lần gia đình anh phải rơi vào tình cảnh lao đao vì cá nuôi bị dịch bệnh nổi trắng hồ, mà không biết nguyên nhân vì sao. Rồi, có những năm cá trúng thì lại không tìm được đầu ra,… khiến kinh tế gia đình luôn trong tình trạng bấp bênh, không ổn định. Quyết tâm sống với nghề, anh Hòa đã đăng ký lớp học nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đà Nẵng để nâng cao trình độ chuyên môn, cũng như kỹ thuật trong quá trình nuôi cá.

"Giờ mình dám khẳng định là yên tâm về kỹ thuật, chuyên môn, nên thả nhiều cá hơn trên cùng một diện tích mặt hồ. Trước đây thì không dám thả vì sợ cá chết sẽ mất vốn" - anh Hòa cho biết.

Với 3 hồ nuôi cá, có diện tích khoảng hơn 3.000 m2, chủ yếu nuôi cá diêu hồng, basa, cá chép, trắm cỏ, cá cảnh lồng ghép với nhau. Trung bình 2 năm 3 vụ, trừ mọi chi phí, gia đình anh Hòa lãi gần 150 triệu đồng/vụ.

Không chỉ tự tin trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến kĩ thuật nuôi, các biện pháp phòng dịch bệnh cho cá, từ chỗ được tư vấn nuôi con gì, vào thời điểm nào, nhu cầu của thị trường ra sao,… anh Hòa cho biết, những kiến thức học nghề tại Trung tâm đã được anh áp dụng ngay vào thực tế của gia đình mình.

"Trước đây thì mạnh ai nấy làm, người này bắt chước người kia, nuôi tự phát ồ ạt và thường nuôi tập trung một loại nên bán không được, lợi nhuận thấp. Từ khi học nghề ở Trung tâm thì mọi thứ thay đổi. Nuôi con gì, vật gì đều phải phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường. Đặc biệt là mình có lợi thế am hiểu chuyên môn, kỹ thuật nuôi con gì thì nên nuôi con nấy để đảm bảo hiệu quả." – anh Hòa nói.

Phấn khởi khi vừa thu hoạch xong vụ cá basa, chị Trần Thị Nga, thôn Phú Sơn 1 lại tất bật chuẩn bị thức ăn cho lứa cá mới thả.

Phấn khởi khi vừa thu hoạch xong vụ cá basa, chị Trần Thị Nga, thôn Phú Sơn 1 lại tất bật chuẩn bị thức ăn cho lứa cá mới thả.

Cũng như anh Hòa, chỉ tính riêng thôn Phú Sơn, xã Hòa Khương, đã có hơn 70 hộ nuôi cá nước ngọt. Theo nhiều người dân nuôi cá ở đây, nghề này không mất nhiều thời gian, cũng không quá vất vả, phù hợp với điều kiện ở địa phương nên được nhiều hộ học để chuyển đổi ngành nghề, cho thu nhập cao.

Không giấu được niềm phấn khởi khi vừa thu hoạch xong vụ cá basa, chị Trần Thị Nga, cùng trú thôn Phú Sơn 1, xã Hòa Khương cho biết, trừ mọi chi phí, chị còn lãi gần 50 triệu đồng/ hồ diện tích khoảng 1.000 m2.

"Sau khi học nghề thì mình biết cách xử lý hồ đúng kỹ thuật trước khi nuôi, biết cách phòng bệnh cho cá nên yên tâm đầu tư số lượng lớn, lãi suất vì thế cũng cao hơn". Cũng theo chị Nga, trước đây, mỗi khi trở trời gia đình chị lại nơm nớp lo cá chết, giờ sau khi học nghề, tình trạng này đã được hạn chế rất nhiều vì biết cách xử lý.

Chị Nguyễn Thị Phương Thảo – Phòng Đào tạo Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đà Nẵng cho biết: Hầu hết các hộ nuôi cá nước ngọt ở thôn Phú Sơn đều được hỗ trợ học nghề tại Trung tâm. Nhiều gia đình từ chỗ khó khăn, nay đã khá giả, nhờ chuyển đổi ngành nghề phù hợp.

Học nghề đã giúp nhiều lao động nông thôn có việc làm, phát triển kinh tế gia đình.

Học nghề đã giúp nhiều lao động nông thôn có việc làm, phát triển kinh tế gia đình.

Ông Nguyễn Phong - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng cho biết: Thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp cho lao động nói chung, lao động nông nghiệp, lao động nông thôn nói riêng, ngay từ đầu năm 2019, đơn vị đã chủ động phối hợp với các UBND, Hội đoàn thể xã, phường tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề, tiếp cận tư vấn cho người lao động chọn nghề học, mở các lớp lưu động tại các xã, phường theo nhu cầu của người học trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng các xã, phường tuyển sinh dạy các nghề phục vụ cho lao động nông nghiệp, lao động nông thôn nhằm giải quyết chuyển đổi ngành nghề và việc làm cho lao động ổn định cuộc sống.

Theo đó, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng đã tuyển sinh đào tạo nghề cho hơn 350 lao động, trong đó có hơn 150 đối tượng là lao động nông thôn, với các ngành nghề được đào tạo như: Điện lạnh; kỹ thuật trồng rau sạch, trồng cây ăn quả; kỹ thuật trồng hoa cây cảnh; nuôi trồng thủy sản nước ngọt; nấu ăn; kỹ thuật pha chế; nghiệp vụ buồng phòng. Hiện nay, đơn vị đang tiếp tục triển khai, tổ chức mở các lớp khác đào tạo cho lao động đặc thù, lao động nông thôn có nhu cầu học nghề trên địa bàn thành phố.

Mô hình nuôi cá nước ngọt ở thôn Phú Sơn đã được nhiều lao động nông thôn học tập và làm theo.

Mô hình nuôi cá nước ngọt ở thôn Phú Sơn đã được nhiều lao động nông thôn học tập và làm theo.

"Nhiều mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố cho thấy tính hiệu quả, như: mô hình trồng nấm, trồng hoa, mô hình mây tre đan, hay mô hình nuôi cá nước ngọt, ... Thành công từ các mô hình này đã giúp cho các địa phương khác áp dụng, bước đầu mang lại hiệu quả, trong đó mô hình nuôi cá nước ngọt ở xã Hòa Khương là một ví dụ. Nhiều người sau khi hoàn thành khóa học nghề còn thành lập các tổ sản xuất, nhóm hộ gia đình, Tổ hợp tác và Hợp tác xã, tạo điều kiện để các hộ trao đổi kỹ thuật, góp vốn và hỗ trợ cùng nhau sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống." - bà Kiều Thị Thanh Trang – Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng) cho biết.

Cũng theo bà Trang, trong 10 năm (2009-2019), TP. Đà Nẵng đã tuyển sinh đào tạo nghề cho hơn 12.360 lao động đặc thù (theo chính sách hỗ trợ học nghề miễn phí trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng của thành phố), trong đó có 2.245 lao động học nghề nông nghiệp. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề đạt 81,15%. Đối với các nghề nông nghiệp, kết thúc khóa học, các học viên đều tự tạo việc làm.

Giai đoạn 2019 – 2020, TP. Đà Nẵng phấn đấu sẽ hỗ trợ đào tạo nghề cho 2.000 lao động nông thôn, tăng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề hàng năm từ 2-3%. Trong đó, đào tạo nghề nông nghiệp cho 500 lao động nông thôn.

Tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề cho lao động, hàng chục nghìn lao động nông thôn ở thành phố Đà Nẵng đã được đào tạo nghề, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. "Nhiều cách làm hay, mô hình phù hợp ra đời đã và đang khơi dậy phong trào học nghề lập nghiệp, chuyển đổi ngành nghề hiệu quả ở những vùng quê, mang lại giá trị kinh tế, góp phần vào thực hiện mục tiêu An sinh xã hội ở "Thành phố 4 an"" – ông Nguyễn Đức Trí, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đà Nẵng cho biết.

Bùi Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh