Đà Nẵng đưa người bán dâm vào trung tâm bảo trợ xã hội: Người dân đồng tình ủng hộ
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 13:45 - 12/03/2016
Theo đó, việc tiếp nhận người bán dâm trên địa bàn thành phố có nguy cơ bị xâm hại, bị lạm dụng tình dục vào cơ sở bảo trợ xã hội không bị coi là xử lý vi phạm hành chính. Đặc biệt, nghiêm cấm các hành vi xúc phạm đến tinh thần, thân thể, nhân phẩm của đối tượng trong thời gian được tiếp nhận, quản lý, chăm sóc tại cơ sở bảo trợ xã hội.
Tiếp nhận người bán dâm vào cơ sở bảo trợ xã hội nhằm xây dựng thành phố an bình, giảm thiểu các tệ nạn xã hội (ảnh minh họa)
Ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng) cho biết: Không phải tất cả gái bán dâm đều được đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội mà chỉ những người bị các đối tượng khác dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc bán dâm mới thực hiện theo quyết định này. Mục đích của việc đưa người bán dâm bị các đối tượng lợi dụng vào cơ sở bảo trợ là để giúp họ từ bỏ con đường cũ và bảo vệ họ không bị người khác lợi dụng. Còn đối với các đối tượng bán dâm tự do, địa phương sẽ vẫn xử phạt hành chính như luật đã quy định.
Tuy nhiên, cũng theo ông Hùng, trên thực tế có rất ít gái mại dâm tự do mà hầu hết đều có người đứng sau bảo kê, chỉ đạo. Trong khi đó, thời gian qua, nhiều vụ bắt quả tang môi giới gái mại dâm, mặc dù các đối tượng dẫn dắt bị xử phạt nhưng đối với đối tượng gái mại dâm lại rất khó để xử lý.
Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng, năm 2015, lực lượng Công an trên địa bàn thành phố đã phối hợp với các đơn vị liên quan triệt phá 16 vụ hoạt động mại dâm, xử lý 56 đối tượng. Điều đáng nói, sau khi bị xử lý, không ít gái mại dâm vẫn tiếp tục quay lại nghề cũ...
Lý giải về thực tế này, ông Lê Minh Hùng cho biết, chế tài không có nên rất khó phạt, một số đối tượng bị phạt hành chính nhưng lấy lý do không có tiền nộp phạt nên chủ yếu vẫn phải thả họ ra và như vậy họ lại tiếp tục trở về con đường cũ hoặc là bị “chăn dắt”, lợi dụng. Điều này gây không ít khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc quản lý và ảnh hưởng không nhỏ đến việc phòng, chống tệ nạn xã hội.
Chính vì vậy, với việc thành phố quyết định tiếp nhận người bán dâm có nguy cơ bị xâm hại, bị lạm dụng tình dục vào cơ sở bảo trợ xã hội để chăm sóc và bảo vệ, xây dựng thành phố an bình, giảm thiểu các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm trên địa bàn, đã tạo được sự đồng thuận mạnh mẽ của dư luận địa phương.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, (56 tuổi) phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu cho rằng, “Quyết định của thành phố là hết sức đúng đắn và mang tính nhân văn sâu sắc. Đà Nẵng là một thành phố du lịch, việc xây dựng một thành phố an bình, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, nhất là tình trạng mại dâm thì chúng tôi rất phấn khởi và hoàn toàn ủng hộ”
Còn đối với bà Nguyễn Thị Luyến (quận Thanh Khê), việc đưa người bán dâm bị xâm hại, bị lạm dụng tình dục vào cơ sở bảo trợ xã hội để chăm sóc và bảo vệ sẽ giúp họ có cơ hội sửa chữa bản thân, tìm lại chính mình, từ đó giúp họ quên đi lầm lỗi, hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống như bao người bình thường khác.
Được biết, theo quyết định của thành phố Đà Nẵng, sau khi người bán dâm được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội, bên cạnh các hoạt động như chăm sóc, bảo vệ, kiểm tra sức khỏe và điều trị các bệnh xã hội, tư vấn tâm lý, tư vấn giáo dục đạo đức, pháp luật, hướng nghiệp thì người bán dâm có nhu cầu sẽ được học các nghề như may, nấu ăn… Sau khi về địa phương, các đối tượng này sẽ được hỗ trợ giới thiệu việc làm, vay vốn làm kinh tế, tạo điều kiện để họ hòa nhập và lao động vươn lên làm chủ cuộc sống của mình.