Đà Nẵng đẩy mạnh cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng
- Dược liệu
- 10:18 - 25/06/2022
Bắt đầu tổ chức triển khai thí điểm từ năm 2014, cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng ở TP Đà Nẵng từng bước khẳng định là hướng đi đúng, góp phần giảm nguy cơ người sử dụng và tái nghiện ma tuý trong cộng đồng.
Theo đó, người cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng được chính quyền địa phương phân công người kèm cặp, giúp đỡ xuyên suốt thời gian cai nghiện ma tuý. Từ chỗ nắm rõ tên tuổi, địa chỉ và cả hoàn cảnh gia đình của từng người nghiện ma tuý, các địa phương đã hỗ trợ sinh kế, giới thiệu tạo việc làm, học nghề, giúp họ hoàn thành tốt chương trình cai nghiện ma tuý.
Có những trường hợp, cả bối cảnh khiến những thanh niên một thời lầm lỡ vướng vào “nàng tiên nâu” cũng được những người làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở các địa phương nhớ cặn kẽ đến từng chi tiết.
Trong số ấy, có trường hợp của em P. C. C. (quận Cẩm Lệ). Ngày ấy, nghe bạn bè rủ rê, C. chỉ nghĩ thử để cho biết, rồi nghiện ma tuý lúc nào không hay. Suy sụp, tuyệt vọng nhưng chính nhờ có sự động viên từ người thân, gia đình, các cô chú ở địa phương phân tích thiệt hơn, C. đã quyết tâm từ bỏ ma tuý, trở thành người có ích với gia đình, xã hội.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng được TP Đà Nẵng triển khai đồng bộ trên toàn thành phố.
Với thời gian cai nghiện từ 6 tháng đến 12 tháng, để tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng, TP Đà Nẵng đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực cho các đơn vị, Trung tâm Y tế quận, huyện phục vụ việc cắt cơn, giải độc cho các đối tượng. Thành phố có chính sách hỗ trợ chi phí khám sức khỏe, xét nghiệm và tiền thuốc cắt cơn theo Nghị quyết số 334/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của Hội đồng nhân dân thành phố cho người cai nghiện ma túy bắt buộc...
Để tiếp nhận, lập hồ sơ, tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng, 100% xã, phường trên địa bàn thành phố đều có tổ công tác cai nghiện ma túy và phân công thành viên theo dõi, quản lý, đánh giá định kỳ.
Người cai nghiện ma tuý được chính quyền địa phương phân công người kèm cặp, giúp đỡ xuyên suốt thời gian cai nghiện. Các địa phương tìm hiểu hoàn cảnh của từng trường hợp để hỗ trợ sinh kế, tự học nghề, giới thiệu tạo việc làm đã giúp họ hoàn thành tốt cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng.
Trách nhiệm không của riêng ai, tại phường Tam Thuận (quận Thanh Khê), công tác cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng còn huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền địa phương, các hội đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, đoàn thanh niên, phụ nữ…
Từ việc đi sâu, đi sát nhằm giúp đỡ, cảm hóa người nghiện ma tuý đã giúp những con người từng một thời lầm lỡ trở thành người tốt, có ích cho gia đình và xã hội. Như trường hợp em P. V. A (sinh năm 1991, tổ 41, phường Tam Thuận) sau khi cai nghiện ma tuý thành công đã viết đơn xin được tham gia công tác an ninh cơ sở và được ban chấp hành công an phường tín nhiệm cho tham gia vào ban bảo vệ dân phố của địa phương.
Theo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP Đà Nẵng, trên địa bàn thành phố hiện có 48 người đang cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng, trong đó có 24 người có việc làm, chiếm tỷ lệ 50%. Hầu hết các địa phương đều tổ chức tốt việc lập hồ sơ, tổ chức điều trị, cắt cơn, giải độc và phân công người theo dõi, kèm cặp, kiểm danh, kiểm diện, đánh giá định kỳ đối với các trường hợp sau điều trị cắt cơn.
Không chỉ mang tính nhân văn, cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng còn mang lại hiệu quả rõ rệt khi thời gian cai nghiện ngắn hơn và sau khi hoàn thành không mất thêm thời gian để quản lý sau cai nghiện ma tuý. Chưa kể, chi phí tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng cũng thấp hơn so với cai nghiện ma tuý tập trung, góp phần giảm tải tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng.
Tuy nhiên, theo những người làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở các địa phương trên địa bàn thành phố, thực tế vẫn còn một số nơi chưa chú trọng đến công tác tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng. Trong khi đó, bản thân người nghiện ma tuý và gia đình của họ chưa thật sự hợp tác với chính quyền địa phương; người nghiện ma tuý còn chưa tự giác đăng ký cai nghiện dẫn đến số lượng người đăng ký cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng chưa cao, rất cần tuyên truyền, đẩy mạnh hơn nữa để mang lại hiệu quả.
Được biết, cùng với cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng, trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện có 317 học viên cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng. Công tác tổ chức cai nghiện tập trung trên địa bàn thành phố được tiến hành đồng bộ và chặt chẽ từ công tác tiếp nhận, phân loại, quản lý, tuyên truyền phổ biến, cung cấp thông tin và thực hiện các biện pháp cách ly, theo dõi sức khỏe học viên cai nghiện ma tuý theo kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19, đến công tác tư vấn, giáo dục phục hồi hành vi, tổ chức lao động trị liệu, bảo đảm an ninh trật tự và phòng, chống thẩm lậu các chất ma túy…
Với vị trí địa lý là đầu mối giao thông của cả nước, khu vực miền Trung -Tây Nguyên, cùng với quá trình phát triển nhanh chóng về đô thị, kinh tế, văn hóa, xã hội, Đà Nẵng cũng đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội phức tạp, trong đó có vấn đề về ma túy. Theo dự báo của các ngành chức năng, số người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy trên địa bàn thành phố trong thời gian tới sẽ có xu hướng tăng và trẻ hóa.
Với những cách làm được đánh giá hiệu quả, phù hợp, giai đoạn 2021 - 2025, TP Đà Nẵng phấn đấu sẽ kiềm chế sự gia tăng người sử dụng ma túy, giảm người nghiện ma tuý mới so với giai đoạn 2016 - 2020; 100% người sử dụng, người nghiện ma tuý mới được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ, điều trị nghiện ma tuý phù hợp. Đồng thời, phát triển đồng bộ hệ thống các cơ sở cai nghiện ma tuý tự nguyện; cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ tư vấn tâm lý, điều trị nghiện ma tuý tại cộng đồng, đáp ứng được nhu cầu của người nghiện ma tuý…