THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:14

Bí thư Nguyễn Xuân Anh nói gì về vụ "cho phép 300 lao động Trung Quốc vào Đà Nẵng"?

 

Quá vội vàng!

PV: Hiện dư luận rất không đồng tình với việc UBND TP Đà Nẵng cho phép Công ty TNHH Sichuan Huashi (Trung Quốc) đưa 300 lao động từ Tứ Xuyên qua Đà Nẵng xây khách sạn (KS) JW Marriott (đối diện sân bay Nước Mặn), do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Sliver Shores (có lãnh đạo cũng là người Trung Quốc) làm chủ đầu tư. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?

Khách sạn JW Marriott (đối diện sân bay Nước Mặn) do Công ty Sliver Shores (có lãnh đạo là người Trung Quốc) làm chủ đầu tư; Công ty Sichuan Huashi (Trung Quốc) làm tổng thầu (Ảnh: HC) 

Ông Nguyễn Xuân Anh: Tôi nghĩ việc này phải hết sức cân nhắc. Giờ tôi mới nghe thông tin, còn sự việc thì Ủy ban quyết ở đâu, tôi không rõ. Tôi chỉ mới biết việc này qua báo đăng, đài đọc thôi chứ chưa có ai báo cáo tôi cả. Nhưng tôi thấy vội vàng quá. Cứ từ từ chứ mắc chi vội vàng cho phép đưa 300 người từ Trung Quốc qua? Vội quá! Đến nỗi gì mà mình không có lao động cơ chứ!

PV: Ông thấy thế nào khi Công ty Sichuan Huashi đề nghị bổ sung thêm 650 lao động, trong đó có 350 lao động bản địa mà có tới 300 cán bộ kỹ thuật là người Trung Quốc? Chẳng lẽ 1 “cán bộ kỹ thuật” kèm 1 công nhân sao, thưa ông?

 Ông Nguyễn Xuân Anh: Vấn đề anh đặt ra rất đúng. Nhà đầu tư các nước khác có bao nhiêu công trình to lớn ở Đà Nẵng, chẳng lẽ họ đem chừng đó “cán bộ kỹ thuật” từ bên Âu, bên Mỹ qua đây? Tập đoàn Sun Group xây ở Đà Nẵng những khu nghỉ dưỡng, khách sạn tầm cỡ quốc tế chứ không chỉ trong nước như InterContinental, Novotel… mà ngoài các chuyên gia, tư vấn thiết kế, họ có dùng “cán bộ kỹ thuật” nào của nước ngoài đâu? Nhà ga quốc tế sân bay Đà Nẵng 3.500 tỉ đang xây đó, chẳng lẽ do ở nước ngoài qua làm?

Mấy ông của mình vội ghê. Mà bây giờ anh Dũng (Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng ký văn bản đồng ý cho đưa 300 lao động Trung Quốc sang Đà Nẵng xây KS JW Marriott – PV) đi nước ngoài rồi. Hôm qua tôi gọi ổng mãi không được. Tôi có gọi cho chị Hưng (Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng Nguyễn Thị Thanh Hưng) thì chị cũng thấy việc này quyết quá vội vàng. Những việc như thế này hết sức nhạy cảm, phải xin ý kiến Thường trực Thành ủy. Mà đây đang là thời điểm hết sức nhạy cảm nữa. Làm vội vàng vàng như vậy khiến dư luận người ta nói!

Làm rõ các ngành chức năng nào tham mưu 

PV: Vậy ý kiến của Thường trực Thành ủy Đà Nẵng về việc này như thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Bây giờ phải chờ mấy ổng về vì không có ông nào ở nhà hết! Anh Thơ (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ) đang tháp tùng đoàn Chủ tịch nước dự Hội nghị cấp cao APEC 2015 tại Philippines (Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí cũng đang dẫn đầu đoàn đi xúc tiến đầu tư ở châu Âu – PV).

Anh Dũng phụ trách lĩnh vực này cũng đang đi công tác nước ngoài. Tôi có hỏi Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nhưng ảnh không phụ trách lĩnh vực này nên không nắm. Còn các Sở thì chỉ quanh, bảo là Ủy ban chỉ đạo. Ủy ban chỉ đạo nhưng cái này ai tham mưu? Ai tham mưu mà cứ chỉ quanh? Cần phải làm rõ các ngành chức năng nào tham mưu cái này. Tạo sai phải vội quá như vậy!

PV: Cái này Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Nguyễn Văn An trực tiếp kiểm tra và tham mưu cho UBND TP. Nhưng như Infonet đã phản ánh, chủ đầu tư Sliver Shores và nhà thầu Sichuan Huashi lấy cớ “xây khu hội nghị để phục vụ Hội nghị APEC 2017” để đưa 300 lao động Trung Quốc vào Đà Nẵng, trong khi không ai giao cho họ việc đó cả!

Ông Nguyễn Xuân: Ai giao? Chẳng có ai giao cho họ việc đó. Xây thêm KS hay xây khu hội nghị là chuyện cá nhân của họ thôi, chứ không ai giao cho họ nhiệm vụ phải xây mấy cái đó để phục vụ Hội nghị APEC 2017 cả.

PV: Từ cái cớ “phục vụ” APEC 2017, chủ đầu tư Sliver Shores và nhà thầu Sichuan Huashi đưa ra thêm cái cớ “công trình chậm tiến độ” để yêu sách đưa hàng trăm lao động Trung Quốc vào Đà Nẵng. Trong khi họ đã xây công trình này từ mấy năm nay, trước khi Đà Nẵng được Trung ương chính thức giao đăng cai Tuần lễ cấp cao APEC 2017.

Khi xảy ra vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam, họ đã rút hết người về nước suốt thời gian dài. Chúng tôi hỏi tại sao không quy chuyện đó vào nguyên nhân dẫn tới chậm tiến độ dự án để thấy trách nhiệm là thuộc về phía họ mà đổ lỗi cho lao động Việt Nam không đủ năng lực thì ông Nguyễn Văn An trả lời: “Chuyện "Hải Dương, Hải diếc" tôi không quan tâm. Quan tâm chi cái chuyện Hải Dương của họ!”. Ông nghĩ thế nào về câu trả lời đó?

Ông  Nguyễn Xuân Anh: Nói như thế là quá ẩu!

Phải ưu tiên số một giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ 

PV: Thực sự chúng tôi không nghĩ là một Phó Giám đốc Sở của Đà Nẵng lại có thể có câu trả lời như vậy!

Ông Nguyễn Xuân Anh: Cần phải cẩn trọng trong việc cho họ đưa người vào trong thời điểm nhạy cảm như thế này. Chỉ nói lao động với lao động thôi thì đã phải xem xét tính hợp lý rồi. Nếu lao động tại chỗ, cán bộ kỹ thuật tại chỗ đáp ứng yêu cầu thì không việc gì phải cho đưa lao động nước ngoài vào. Không cứ gì lao động Trung Quốc mà lao động nước nào cũng thế. Trừ trường hợp mình không còn ai nữa, không thể nào tìm ra người đảm đương được thì mới cho họ đưa người của họ vào.

Đằng này xây KS, có cái gì mà ghê gớm? Samsung xây nhà máy ở Thái Nguyên, Bắc Ninh không lẽ họ đem lao động từ Hàn Quốc qua? Công nghệ cao như thế mà lao động Việt Nam còn làm được kia mà? Mình làm tới đâu rồi, thậm chí sản xuất giàn khoan dầu khí chứ đừng nói mấy chuyện KS. Bao nhiêu nhà đầu tư xây các KS, resort quy mô lớn ở Đà Nẵng có đem lao động nước họ qua đây đâu. Mà thợ xây dựng Đà Nẵng có tiếng trong cả nước chứ không phải đùa. Bởi thế mới nói mấy ổng quyết việc này vội vàng quá!

PV: Có thêm mấy tình tiết để ông có thể rõ thêm chuyện “vội vàng” trong việc này: Ngày 309, Sliver Shores có đơn đề nghị; ngày 15/10, chủ thầu Sichuan Huashi có thêm đơn đề nghị. Chỉ 1 tuần sau, ngày 22/10, Sở LĐ-TB-XH đã có văn bản đề nghị UBND TP Đà Nẵng chấp thuận với đề nghị của hai đơn vị này. Và cũng chỉ 1 tuần sau nữa, UBND TP.Đà Nẵng đã có văn bản chấp thuận cho 300 lao động từ Tứ Xuyên qua làm việc tại Đà Nẵng từ tháng 10/2015 đến 10/2017!

Ông Nguyễn Xuân Anh: Chủ trương của lãnh đạo UBND TP tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào làm ăn là đúng, còn các sở, ngành tham mưu thế nào cho đúng đắn, hợp lý là trách nhiệm của họ. Tuy nhiên cũng phải thấy thời điểm UBND TP ra văn bản chấp thuận cho Sliver Shores và Sichuan Huashi là sau Đại hội Đảng bộ TP. Nghĩa là khi tôi đã được bầu làm Bí thư Thành ủy. Lẽ ra họ phải trao đổi với tôi một tiếng vì việc này liên quan đến vấn đề an ninh quốc phòng chứ có phải chuyện đùa đâu. Bây giờ không có ông nào ở nhà để kiếm ổng hết!

PV: Xin phép ghi nhận các ý kiến trên đây để công luận rõ thêm về quan điểm của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng về vụ việc này?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Cái đó thì tùy các anh thôi, nhưng tôi cần nói rõ thế này: Tôi rất ủng hộ doanh nghiệp Trung Quốc cũng như các doanh nghiệp FDI vào đầu tư trên địa bàn TP Đà Nẵng. Lãnh đạo TP luôn tạo điều kiện hết mức có thể họ làm ăn, kiếm lợi nhuận ở đây và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Tuy nhiên về vấn đề lao động, nói chung chứ không chỉ là lao động Trung Quốc, thì phải xem xét kỹ trên địa bàn có đáp ứng được hay không. Nếu đáp ứng được thì không việc gì cho phép đưa lao động nước ngoài vào mà phải ưu tiên số một giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ.

Đây chưa phải là ý kiến chung của Thường trực Thành ủy Đà Nẵng vì chưa họp được, nhưng hỏi quan điểm của Bí thư Thành ủy thì tôi phải nói việc chấp thuận cho đưa 300 lao động Trung Quốc vào Đà Nẵng là hơi vội. Cần phải xem xét kỹ cái đã. Nếu Đà Nẵng thực sự thiếu nhân lực, không thể tìm ra lao động đáp ứng được yêu cầu thì mới tính đến việc cho nhà đầu tư nước ngoài đưa người của họ vào!

PV: Xin cám ơn ông!

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh