CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:20

Đã khởi tố thêm 3 bị can vụ Trịnh Xuân Thanh

Đại biểu QH Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên)

 

Đặt câu hỏi chất vấn Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình sáng 18/11, đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) đề nghị làm rõ TAND các cấp đã phát hiện bao nhiêu vụ án bỏ lọt tội phạm, khởi tố vụ án tại toà và sau đó toà án có theo dõi việc xử lý của cơ quan chức năng hay không?

Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết, bên cạnh việc tuyên án bao nhiêu năm, trách nhiệm dân sự của các bên như thế nào thì toà án có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can ngay tại toà hoặc kiến nghị khởi tố. Ông Bình nói đây quyền luật cho phép, nhưng luật cũng yêu cầu đủ điều kiện mới được khởi tố.

"Kiến nghị khởi tố thì chúng tôi làm thường xuyên, nhưng khởi tố tại toà mới có 12 vụ. Nếu khởi tố tại toà thì trách nhiệm của cấp xét xử là phải theo dõi kết quả của quyết định khởi tố này. Chúng tôi cũng nhận được sự hợp tác của Viện kiểm sát, cơ quan điều tra trong quá trình điều tra, truy tố những vụ án khởi tố tại toà", ông Bình cho hay.

Chánh án Nguyễn Hoà Bình dẫn chứng vụ việc kiến nghị khởi tố về khoản thất thoát của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và sau đó cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án.

Đề cập tới vụ Trịnh Xuân Thanh, ông Bình cho biết đầu năm nay Toà đã khởi tố bổ sung bị cáo này trong phiên toà xét xử phúc thẩm về hành vi tham ô. Cách đây 2 ngày, các cơ quan chức năng đã họp và đang điều tra theo hướng đó; ngoài Trịnh Xuân Thanh thì khởi tố bổ sung 3 bị can khác.

Về công khai bản án trên mạng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình cho rằng, giải pháp đột phá này được áp dụng từ năm 2017 và có nhiều tác dụng. 

"Thứ nhất, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp; đây cũng là chủ trương tuân thủ nguyên tắc hoạt động của toà là công khai. 

Thứ hai, đánh giá được trách nhiệm thẩm phán khi đặt bút ký bản án thì sau đó vài ngày đông đảo người dân sẽ biết. Đây cũng là cơ chế để người dân giám sát bản án, đánh giá chất lượng thẩm phán", ông Bình nói.

Đại biểu Nguyễn Chiến (đoàn TP Hà Nội) nêu thực trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung trong hình sự hay hủy án trong dân sự hiện nay không ít, có vụ bản án sửa đi sửa lại tới 7 lần, kéo dài gần 10 năm nay đang trở lại sơ thẩm từ đầu không biết bao giờ mới có bản án đúng luật. “Trách nhiệm của ngành ở đâu và biện pháp giải cứu?”, ĐB Nguyễn Chiến chất vấn.

Trả lời vấn đề này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thừa nhận thời gian qua có một số vụ tòa án trả tới trả lui nhiều lần, cá biệt có vụ trả tới 7 lần như đại biểu nêu. Thống kê năm 2017 có 145 vụ trả điều tra bổ sung nhiều lần, trong đó có 9 vụ trả 5 lần và 1 vụ trả 7 lần. Tới thời điểm này đã trả bổ sung hơn 2.000 vụ án.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, việc trả điều tra bổ sung là cần thiết khi xét thấy chưa đủ chứng cứ chứng minh tội phạm, xét thấy bỏ lọt tội phạm hoặc có dấu hiệu bị oan. Đây là chế định luật cho phép.

"Nguyên nhân vụ án kéo dài, trả lại nhiều lần là do chất lượng điều tra vụ án và do thẩm phán có người còn nể nang, thiếu bản lĩnh trong tuyên án", Chánh án chỉ ra và cho biết giải pháp khắc phục là ngành tòa án sẽ quán triệt cho các thẩm phán phải tuân thủ các quy định, không được trả quá nhiều lần theo quy định của luật.

"Trong trường hợp không đủ yếu tố kết luận thì buộc phải tuyên không đủ yếu tố kết tội", Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh