THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:15

Đã đến lúc phải xem lại an toàn bệnh viện trong thời gian thế giới còn diễn ra dịch bệnh

Đến thời điểm này, tôi có thể khẳng định phòng chống dịch COVID-19 không quốc gia nào làm tốt hoàn hảo để giành được giải quán quân, nên sẽ thật vô nghĩa khi chúng ta cứ cố gắng xếp hạng các quốc gia.

Hoa Kỳ chống dịch với hai lựa chọn:

1- Giảm thiểu số ca mắc thông qua biện pháp giãn cách hà khắc.

2- Ngăn chặn sự lây lan của vi-rút thông qua xét nghiệm hàng loạt trong cộng đồng để phát hiện sớm.

Chiến lược kép này, cá nhân tôi cảm thấy giống như việc dùng thuốc mê và dao mổ để thịt bò, nó vẫn đạt được kết quả nhưng sẽ có sự tốn kém mất mát không cần thiết.

Ý từng bị coi là điểm nóng tồi tệ nhất thế giới.

Với những cơn sóng thần coronavirus tấn công chưa từng thấy, gần 250 ngàn người mắc và hơn 35 ngàn người chết, Ý nhanh chóng trở thành tâm chấn nguy hiểm nhất của đại dịch.

Nhưng hôm nay Ý trở thành hình mẫu chống dịch để thế giới phải học!

Điều tôi quan tâm nhất ở Ý, đó là cách chống dịch tương phản giữa Lombardy và Veneto, 2 khu vực cận kề nhau, nhưng cũng có hồ sơ kinh tế và xã hội tương tự nhau.

Cuối tháng 2, các chính trị gia Ý đã "bắt tay" công khai với Lombardy, họ tuyên bố nền kinh tế ở nơi đây không sợ vi-rút, vẫn hoạt động như bình thường. Một tuần sau cơn sóng thần coronavirus càn quét Đảng Dân chủ Ý, thống đốc Vùng Lazio là một trong số những chính trị gia ấy, ông đã nhiễm vi-rút và bị cấm túc ở nhà.

Lombardy ngay lập tức cách ly xã hội!

Kết quả, trong vòng 1 tháng Lombardy khống chế được dịch, nhưng con số không tránh khỏi vô cùng nghiệt ngã, với hơn 35000 người mắc và 5000 trường hợp tử vong.

Ngược lại, Veneto có những ca lây nhiễm cộng đồng sớm hơn và nghiêm trọng hơn, nhưng kết quả lại tốt hơn đáng kể, với 7000 trường hợp mắc và chỉ có 287 người chết.

Chiến lược phòng dịch của Veneto khá mềm dẻo!

Thứ nhất: Xét nghiệm sớm và mở rộng với các trường hợp có triệu chứng và không có triệu chứng.

Thứ hai: Truy vết những ca dương tính. Nếu một bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính, mọi người trong nhà của bệnh nhân đó cũng như hàng xóm của họ đều được xét nghiệm. Trường hợp không có kit hay test xét nghiệm, những người liên quan với bệnh nhân sẽ tự cách li ở nhà.

Thứ ba: Đặc biệt chú trọng vào chẩn đoán và chăm sóc tại nhà. Bất cứ khi nào có thể, các mẫu được thu thập trực tiếp từ nhà của bệnh nhân và sau đó được xử lý trong phòng thí nghiệm đại học khu vực và địa phương. Những ca dương tính không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ được cách li và chăm sóc tại nhà.

Thứ tư: Cụ thể hóa những nỗ lực theo dõi và bảo vệ những nhóm đối tượng lao động thiết yếu có nguy cơ cao. Đó là các nhân viên y tế, những người làm việc trong môi trường tiếp xúc với người dân có nguy cơ cao (ví dụ người chăm sóc tại nhà dưỡng lão), những người làm việc trong môi trường tiếp xúc với dân chúng (ví dụ nhân viên thu ngân siêu thị, nhân viên dịch vụ bảo vệ).

Thực tế các chính sách khác nhau luôn giành được những kết quả khác nhau.

Tôi cho rằng, tại mỗi thời điểm cần xem xét các quốc gia sử dụng biện pháp chống dịch nào thực sự có hiệu quả, để từ đó rút ra bài học tiếp theo.

Phương pháp dịch tễ học truyền thống kiểm soát hiệu quả dịch bệnh ở một khu vực nhất định bao gồm 3 bước:

    Kiểm soát các nguồn truyền nhiễm. Chặn đường lây truyền. Bảo vệ nhóm dân số nhạy cảm.

Đó là lí do Việt Nam nhanh chóng thực hiện các hành động như: ngăn chặn ca bệnh xâm nhập, phát hiện sớm ca bệnh, phát hiện F0, cách li sớm và điều trị sớm các trường hợp, truy vết tất cả các trường hợp F1 và F2 có thể, thuyết phục mọi người ở yên trong nhà.

Khi dịch có dấu hiệu lây nhiễm cộng đồng, Việt Nam đã thúc đẩy giãn cách xã hội theo từng mức độ tương xứng với rủi ro, như cấm tụ tập đông người nơi công cộng, cấm các hoạt động vui chơi giải trí, đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu, đóng cửa trường học, đóng cửa các cơ sở sản xuất, kéo dài thời gian nghỉ, thậm chí khóa toàn bộ một khu vực dân cư lớn, hay phong tỏa cách ly xã hội cả một thành phố.

Đã đến lúc phải xem lại an toàn bệnh viện trong thời gian thế giới còn diễn ra dịch bệnh - Ảnh 2.

Tôi cho rằng, ở giai đoạn 1 của cuộc chiến 100 ngày chống COVID, khi số lượng ca bệnh trên thế giới vẫn chưa nhiều, những cơn sóng thần chưa thực sự ập vào Việt Nam, số ca nhiễm trong cộng đồng vẫn ít và khu trú. Đặc biệt là những hiểu biết về dịch bệnh chưa nhiều thì việc thực hiện các biện pháp kinh điển như vậy, ngay cả khi giãn cách xã hội cả nước, là hết sức cần thiết và đúng đắn.

Thành quả chúng ta có 99 ngày yên bình vô cùng quý giá!

Nhưng ở giai đoạn 2 đã khác quá nhiều, bởi đại dịch (pandemic) đã trở về đúng nghĩa của thuật ngữ chuyên môn sợ hãi này, với những quả bom nổ chậm như Mỹ, châu Âu, đặc biệt là Ấn Độ ở ngay gần Việt Nam.

Mong muốn 0 ca lây nhiễm cộng đồng và 0 ca tử vong là vô lí.

Thực tế từ Melbourne đến Miami, từ Hàn Quốc qua Nhật Bản đến Ý, hay quốc gia chống dịch khủng khiếp nhất như Trung Quốc cũng vậy, vi-rút đã quay trở lại và bùng phát thành các ổ.

Việt Nam không tránh khỏi những làn sóng tấn công của SARS-CoV-2

Nếu chúng ta tiếp tục chống dịch giống giai đoạn 1 trong cuộc chiến 100 ngày, theo tôi đó là cách chống dịch không phù hợp ở thời điểm này, có thể nói là cực đoan hà khắc, sẽ để lại những hậu quả không hề nhỏ nếu như nền kinh tế bị đổ gãy.

Tôi cho rằng, muốn chống dịch hiệu quả chúng ta phải nhìn thấy con vi-rút đang ở đâu, nhưng SARS-CoV-2 có kích thước quá bé từ 80-120nm, nó bé đến mức muốn nhìn thấy nó chỉ có 2 cách, hoặc là dùng kính hiển vi điện tử phóng đại hàng triệu lần, hoặc phải nhìn bằng trí tuệ.

Đó là thông điệp tôi muốn chuyển tải trong bài viết này!

SARS-CoV-2 đang lẩn khuất nơi đâu?

Tôi bắt đầu suy nghĩ đến câu hỏi này kể từ khi chứng kiến Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, hoặc ngay bên cạnh như Singapore và Thái Lan, là những quốc gia chống dịch COVID rất hiệu quả nhưng lại không phải áp dụng biện pháp phong tỏa trên diện rộng.

Veneto của Ý không lockdown (lệnh đóng cửa) khắc nghiệt mà vẫn thành công ngoạn mục.

SARS-CoV-2 cũng có thể bùng phát ở những nơi nào đó tương tự!

Nghĩa là trong điều kiện môi trường nào đó, SARS-CoV-2 phù hợp lí tưởng, sẽ thuận lợi hơn rất nhiều để lan truyền bệnh, thành những ổ dịch bùng phát. Vậy ở giai đoạn 2 này chúng ta phải nhìn ra những nơi vi-rút sẽ ẩn náu gây bệnh như vậy.

Đặc tính sinh học thì SARS-CoV thích hợp trong điều kiện Đông – Xuân!

Nhìn lại các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia hay nhiều quốc gia trên thế giới; chúng ta sẽ thấy quy luật các ổ dịch bùng phát liên quan đến nhà máy đông lạnh đóng gói thịt, tàu du lịch, viện dưỡng lão, quán bar, nhà thờ…

Tức là SARS-CoV-2 có vẻ thích hợp để bùng phát các ổ dịch lớn ở những nơi thỏa mãn 3 điều kiện:

    Khép kín ít trao đổi khí. Nhiệt độ thấp và khô, sử dụng máy lạnh. Mật độ người đông đúc (đặc biệt đối tượng dễ nhiễm).

Trở lại ổ dịch Đà Nẵng phát hiện từ 24/7 – 5/8, với tổng số ca mắc 224 đã được phát hiện, nhưng riêng con số liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng rất đáng để lưu tâm.

- Tổng số ca liên quan bệnh viện Đà Nẵng: 176

- Nhân viên y tế: 19

- Số bệnh nhân điều trị ở viện: 67

- Số người nhà chăm sóc và người đến thăm: 90

Đó là những con số biết nói và trong giai đoạn 1 chúng ta chứng kiến ổ dịch bệnh viện Bạch Mai, nơi xuất hiện những ca nhiễm mất dấu F0, gây tình trạng lây nhiễm cộng đồng phải thực hiện giãn cách xã hội trong phạm vi cả nước.

Các bệnh viện ở Việt Nam với đặc điểm quá tải, tắc đường trong bệnh viện còn khủng khiếp hơn ngoài phố. Mỗi phòng điều trị chỉ khoảng 20m nhưng có 15-20 bệnh nhân nằm ghép đôi ghép 3, mỗi bệnh nhân vài người nhà đi theo nằm la liệt, các phòng kín cửa và bật máy điều hòa. Theo tôi đây là chính là những nơi dễ bùng phát thành ổ dịch lớn.

Tôi theo dõi các bãi biển trên thế giới rất đông người nhưng chẳng đâu bùng phát dịch.

Rõ ràng công viên ngoài trời thoáng khí khác hẳn với quán bar, nhà thờ, tàu du lịch, hay trong phòng điều trị của bệnh viện ở Việt Nam. Tôi chưa thấy công viên nào trên thế giới bùng phát dịch, chưa thấy điểm vui chơi giải trí ngoài trời nào được báo cáo xảy ra lây truyền COVID mất kiểm soát, chỉ xảy ra những ca bệnh rải rác do tiếp xúc trực tiếp hay tiếp xúc gần, điều này có thể khắc phục bằng việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, thực hành rửa tay là hoàn toàn có thể phòng tránh hiệu quả.

Nhưng trong bệnh viện ở Việt Nam thì ngay cả bác sĩ giỏi nhất cũng vẫn bị.

Từ quan sát cá nhân, tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải xem lại an toàn bệnh viện trong thời gian thế giới còn diễn ra dịch COVID, để không xảy ra ổ dịch như Bệnh viện Bạch Mai hay Bệnh viện Đà Nẵng.

Đã đến lúc phải xem lại an toàn bệnh viện trong thời gian thế giới còn diễn ra dịch bệnh - Ảnh 3.

Cụ thể, theo tôi cần giãn cách bệnh nhân trong các buồng điều trị, theo chuẩn mỗi người 4 mét vuông. Muốn vậy, các bệnh viện lớn chỉ giữ lại bệnh nhân nặng, bệnh nhẹ chuyển về tuyến dưới, đặc biệt tuyến huyện đang rất vắng bệnh nhân và thông thoáng.

Thứ 2, phải đảm bảo thông khí và nhiệt độ phòng, tức là phải mở cửa thường xuyên bất cứ khi nào có thể, sử dụng quạt điện, hạn chế điều hòa và khi bật phải trên 27 độ.

Thứ 3, quy định cấm thăm hỏi bệnh nhân trong bệnh viện, mỗi bệnh nhân nằm điều trị chỉ được phép 1 người nhà vào chăm sóc ngoài giờ hành chính, bệnh nhân chăm sóc toàn diện không được phép có người nhà trong bệnh viện.

Thứ 4, tất cả bệnh nhân điều trị nội trú bắt buộc phải xét nghiệm COVID trước, trong, sau khi ra viện (cần xét nghiệm theo chu kì 2 tuần 1 lần); Bảo hiểm Y tế chi trả cho các xét nghiệm này.

Thứ 5, cần đánh giá lại thông gió bệnh viện dã chiến 700 giường ở Đà Nẵng, trong nhà thi đấu kín nên thông gió phải được ưu tiên đảm bảo an toàn, tránh nơi đây giống như con tàu du lịch.

Thứ 6, những bệnh nhân COVID không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đưa về bệnh viện huyện điều trị đảm bảo thông thoáng, thậm chí có thể làm bệnh viện dã chiến thông thoáng để điều trị thay vì tập trung vào các bệnh viện lớn ở phòng kín, làm cho bệnh lâu khỏi hoặc có thể nặng lên.

Cuối cùng, như tôi đã dự báo trong các bài viết trước dù ổ dịch Đà Nẵng có thể xuất hiện từ hơn tháng trước nhưng số ca nhiễm không vượt quá 400, chủ yếu liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng, bằng chứng là Hà Nội và Sài Gòn du khách từ Đà Nẵng trở về hàng trăm ngàn người nhưng số ca nhiễm đang rất ít.

Vậy chúng ta nên xem xét lại việc giãn cách xã hội, tránh cực đoan ảnh hưởng đến mục tiêu vừa chống dịch vừa ổn định và phát triển kinh tế.


BS Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội)

Nguồn: Lotus

BS Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh