Đã có kết quả lấy ý kiến về việc sáp nhập các quận và thành lập TP Thủ Đức
- Tây Y
- 00:28 - 05/10/2020
Theo đó, các quận Thủ Đức, Quận 2, Quận 9 (TP.HCM) đã hoàn thành việc tổng hợp kết quả lấy ý kiến người dân về đề án thành lập thành phố Thủ Đức và tên gọi cho đơn vị hành chính mới.
Nội dung của phiếu lấy ý kiến có 2 phần gồm: Thứ nhất là "sắp xếp quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành đơn vị hành chính mới" và "đơn vị hành chính mới lấy tên TP Thủ Đức". Người nhận phiếu được lựa chọn đồng ý hoặc không đồng ý với mỗi nội dung trên.
Thứ hai, người dân quận 2 còn được lấy ý kiến việc sáp nhập một số phường và tên của phường mới. Theo đó, phường An Khánh, phường Thủ Thiêm sáp nhập thành phường Thủ Thiêm; phường Bình Khánh và phường Bình An sáp nhập thành phường An Khánh.
Theo đó, tổng số cử tri trên địa bàn quận tham gia đóng góp ý kiến là 142.090 người, trong đó có hơn 97% phiếu đồng ý. Về tên gọi sau khi sáp nhập là TP Thủ Đức, hơn 96% cử tri đồng ý.
Tại quận 2 có 11 phường, chính quyền địa phương đã mời 72.146 hộ dân sinh sống tại 11 phường tham gia góp ý đối với việc thành lập thành phố Thủ Đức. Kết quả tổng hợp cho thấy 59.680 người (chiếm hơn 82% cử tri) đồng thuận với việc sáp nhập 3 quận để thành lập thành phố Thủ Đức.
Ngoài ra, 55.076 số phiếu của quận 2 chiếm hơn 76% đồng thuận với việc lựa chọn Thủ Đức là tên gọi của thành phố mới.
Đối với việc sáp nhập một số phường tại quận 2, hơn 84% người dân tại 3 phường An Khánh, Thủ Thiêm, Bình Khánh bày tỏ sự đồng thuận với chính quyền.
Tại quận Thủ Đức, 99,29% cử tri có tên trong danh sách lấy ý kiến đã tham gia bỏ phiếu. Trong đó, 97,89% người dân bày tỏ ý kiến đồng tình với đề án thành lập thành phố Thủ Đức, hơn 97% số phiếu tán thành giữ nguyên tên gọi đơn vị hành chính mới là thành phố Thủ Đức.
Được biết, sau khi có kết quả bỏ phiếu của người dân, các quận sẽ tổng hợp, báo cáo UBND TP HCM vào ngày 7/10.
Chính phủ vừa thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM.
Chính phủ giao Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo nghị quyết; phối hợp với Bộ Tư pháp báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung dự thảo nghị quyết vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, cho phép xây dựng, ban hành dự thảo nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn; thực hiện việc trình dự thảo nghị quyết theo quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.