“Cứu tinh” của trẻ em lang thang
- Dược liệu
- 17:29 - 01/02/2017
Tuổi thơ đói nghèo
Tổ chức Blue Dragon (Rồng Xanh), là một tổ chức phi chính phủ được thành lập tại Việt Nam vào tháng 2/2003 với mục tiêu giúp đỡ trẻ em đường phố và trẻ em là nạn nhân của các đường dây buôn người có cơ hội được đến trường và tái hòa nhập vào cuộc sống. Tổ chức này đã nhiều lần được vinh danh, được nhiều người biết đến, nhưng ít ai biết những thăng trầm của các thành viên.
Vị (thứ 3 từ trái sang) cùng các nhân viên trong tổ chức Rồng Xanh
Sinh ra ở mảnh đất Thọ Nghiệp (Xuân Trường – Nam Định) nghìn đời làm nông. Vị đã trải qua những năm tháng bần hàn nhất ở quê nhà.
Nhìn Vị bây giờ cũng không ai biết rằng, từng có một thời gian dài Vị phải lang bạt khắp các con phố, gầm cầu để mong ai đó chìa giầy ra cho Vị đánh bóng để kiếm miếng cơm cho qua ngày đoạn tháng. Giờ Vị đã có vợ con, nhà cửa đề huề, nhưng vẫn không bao giờ quên được quãng đời cơ cực.
Học đến lớp 5 mà vẫn có những học sinh ngất đi vì lả. Chính Vị cũng vài lần ngất xỉu trước lớp. Mùa màng lụt lội, ruộng lúa nhiễm mặn mất mùa thất bát, đến cái quần đẹp nhất dành để đến lớp cũng vá chằng vá đụp.
Vị và các bạn là trẻ em lang thang
Khi Vị học đến cấp II, cuộc sống có khá hơn, nhưng chỉ là miếng ăn được no, còn tiền học phí cũng không có để nộp. Đã vậy, nhà đông anh chị em, bố Vị lại mắc phải căn bệnh xương khớp nên không làm được gì để kiếm ra tiền. Mẹ Vị vốn là cô giáo mầm non cũng phải bỏ dạy lo việc đồng áng.
Chưa học hết lớp 9, Vị buộc phải bỏ học cùng anh trai nhảy xe lên Hà Nội kiếm sống. Không tiền trong túi, không người quen biết nơi đất khách nên hai anh em phải vạ vật hết vỉa hè này đến vỉa hè khác mong tìm được công việc thích hợp.
Hai đứa trẻ nhà quê còi cọc, đen nhẻm không có gì cầm bằng cho lòng tin của người đời nên ước mơ có việc làm là không thể. Vị đành phải đi nhặt cái chai, đồ phế thải rồi đem đến bãi phế liệu bán gom tiền mua một bộ đồ nghề đánh giầy.
“Có đồ nghề rồi mình đi khắp nơi. Vừa đánh giầy cũng là để học việc, gặp được khách tốt họ trả tiền, gặp phải người nóng tính họ cầm giầy vả vào mặt, đạp vào ngực vì lý do đánh nhầm xi”, Vị cho biết.
Các trẻ em lang thang được quy tụ về trung tâm để nuôi ăn học
Vị kể, đánh giầy cũng có phường có hội. Vì mới lên Hà Nội nên không biết mà Vị bị những trận đòn thừa sống thiếu chết của "đồng nghiệp" và của những kẻ bảo kê bụi đời. “Có những lần, gom góp tiền cả tuần lễ được vài chục nghìn thì bị những kẻ bảo kê lột hết, chúng còn lấy tuýp sắt phang thẳng vào đầu chảy máu, mặt mũi sưng húp”, Vị nhớ lại.
Quý nhân phù trợ
Trong một lần đói lả vì bị bạn đồng nghiệp trấn lột cả đồ nghề, đang lê lết ở dốc Bác Cổ thì Vị gặp một người phương Tây cứu vớt đưa vào quán cơm. Người ấy, sau cuộc trò chuyện Vị mới biết tên là Michael Brosowski, nay là giám đốc của tổ chức Rồng Xanh.
Khi ấy, Michael là giảng viên tiếng Anh trường Đại học Kinh tế quốc dân. Từ sau cuộc gặp gỡ đó, cứ cuối tuần là Vị cùng các bạn cùng cảnh ngộ đến nhà Michael học tiếng Anh. Michael còn nhờ một số sinh viên mà anh đang dạy đến nhà dạy thêm các môn học khác.
Các em sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản để lập nghiệp
Lớp học ngày một đông dần. Michael liên hệ với các trường học và trung tâm để những trẻ em đường phố như Vị được quay trở lại trường học. Michael còn xin cho Vị công việc pha chế rượu trong một khách sạn 5 sao trên đường Xuân Diệu. Vừa làm, Vị vừa miệt mài học nâng cao nên năm 2008, Vị được một khách sạn cao cấp hơn mời sang làm quản lý với mức lương mơ ước.
Khi đã thành đạt, Vị không quên ơn Michael nên khi rảnh rỗi vẫn cùng người thầy của mình đi khắp các ngóc ngách thu nạp các trẻ em lang thang về với tổ chức để dạy học và xin việc, tạo lập cho họ một cuộc sống mới.
“Sau mỗi chuyến đi, gặp gỡ những số phận buồn và làm thay đổi được cuộc đời họ làm cho mình thấy đời có nghĩa. Thế là, mình đã bỏ việc quản lý ở khách sạn để làm nhân viên cho tổ chức Rồng Xanh với ước nguyện chuyên tâm giúp đỡ được thật nhiều người”, Vị cho biết.
Vị trong một chuyến đi miền núi khảo sát về nạn buôn bán trẻ em
Tri ân cuộc đời
Từng trải qua những tháng ngày cơ cực trên đường phố nên Vị biết những địa điểm mà trẻ em lang thang thường hay lui tới. Đó có thể là quanh hồ Hoàn Kiếm, chợ đêm Long Biên, hồ Thiền Quang, Công viên Thống Nhất... và cũng bởi là người “trong nghề” nên Vị chỉ cần nhìn qua là biết đó có phải là trẻ em lang thang hay không.
Nhờ kinh nghiệm đó mà từ năm 2013, Vị đã tiếp cận và giúp đỡ cho vài trăm em. “Sau khi quan sát kỹ, hỏi mong muốn thì sẽ đưa các em về với trung tâm. Các em sẽ được ăn ở, được học hành và giúp đỡ về công việc sao cho trọn vẹn”, Vị cho hay.
Từng là một trẻ em lang thang, thế nhưng không ít lần Vị đã phải rơi nước mắt khi chứng kiến những hoàn cảnh đặc biệt. Có lần vào 2 giờ sáng, khi lang thang ở chợ Long Biên thì thấy hai anh em đang ngủ trên nền đất trong một con ngõ cạnh chợ. Hai đứa trẻ sung sướng khi được Vị mua bánh mì nóng cho ăn. Vị hỏi bố mẹ đâu? Hai đứa ngơ ngác nhìn nhau. Sau này, Vị mới biết chúng hoàn toàn không biết bố mẹ mình là ai.
Với nhiều trẻ em lang thang, Vị và tổ chức Rồng Xanh chính là “cứu tinh”
Vị bảo, mỗi đứa trẻ lang thang là một bi kịch, mà bi kịch chủ yếu phát xuất từ gia đình. Không biết bao nhiêu lần Vị phải đến tận nhà của những đứa trẻ khuyên bảo và yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động ngược đãi trẻ em. Có những người hiểu ra và sửa chữa, nhưng cũng có người nổi khùng vác gậy đuổi Vị.
“Có những đứa trẻ khi mình đưa về nhà, các em lại chỉ lòng vòng không muốn vào. Dắt tay vào, chúng khóc òa lên rồi chạy mất. Đối với trẻ lang thang, sự tổn thương trong tâm hồn quá lớn khiến các em chán ghét và mặc cảm với chính bản thân mình”, Vị nói.
Và, mục tiêu của tổ chức Rồng Xanh là tìm cách đưa các em trở về gia đình bởi đó là môi trường tốt nhất cho trẻ, nhưng không phải em nào cũng có thể quay về. Khi những người thân không sẵn lòng mở vòng tay yêu thương đối với con em mình đồng nghĩa với đường về của các em đã bị khép lại. Lúc ấy, Vị và tổ chức Rồng Xanh sẽ phải tìm cho các em những cơ hội khác để vào đời...