CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:12

Cựu chiến binh Bùi Xuân Sao: Từ tay trắng mà nên

 

Nhớ lại những tháng ngày gian nan, vất vả của gia đình, anh Bùi Xuân Sao chia sẻ: “Để có được mô hình kinh tế như ngày hôm nay gia đình tôi đã phải nỗ lực rất nhiều. Trước kia, cuộc sống của gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, tôi đã suy nghĩ và quyết tâm làm gì đó để thoát nghèo và làm giàu giúp đỡ gia đình. Đến nay gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định hơn, tôi phấn khởi lắm!”.

Đó là lời tâm sự mộc mạc chân thành của người CCB Bùi Xuân Sao, người đã trải qua nhiều vất vả thăng trầm để có cuộc sống khá giả như ngày hôm nay. Chúng tôi tìm hiểu con đường lập nghiệp làm giàu của CCB Sao mà không khỏi thán phục.

Cựu chiến binh Bùi Xuân Sao (bên phải) làm giàu từ hai bàn tay trắng

Theo lời ông kể, sau thời gian xuất ngũ (tháng 6/1988), hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương. Trong khi địa phương chỉ sản xuất độc canh cây lúa nước, ruộng đất thì ít nên để làm giàu rất khó. Qua tìm hiểu ông được biết Sư đoàn 390 có khu ao nuôi cá khoảng 1,5ha, ông đã mạnh dạn đứng ra nhận thầu và từ đây cuộc sống của vợ chồng anh rẽ sang một hướng khác tốt hơn. Một túp lều để hai vợ chồng ở và một ao nuôi cá. Bước đầu bắt tay vào làm, kinh nghiệm chưa có, vốn cũng không nhưng ông nghĩ mình sẽ làm giàu được xuất phát từ cái ao này. Qua tìm hiểu thị trường, ông thấy rằng vào thời điểm đó việc nuôi cá thịt và cá giống bán ra sẽ có hiệu quả. Thế rồi ông quyết định vay mượn anh, em, bạn bè, đồng đội…với số vốn ban đầu vài triệu đồng ông đã vào huyện Hoằng Hóa, ra tỉnh Nam Định mua cá bột để nhân giống và đã cho hiệu quả kinh tế cao.

Hết thời hạn hợp đồng thả cá ở Sư đoàn 390, gia đình CCB Bùi Xuân Sao lại quay về nhận khai hoang phục hóa đất ngoại đê của UBND xã Hà Bắc với diện tích 4.000m2. Với chút vốn tích lũy được, ông lại khoanh vùng, đắp bờ bao để thả cá. Diện tích đất sử dụng chưa hết, ông lại nghĩ cách để làm giàu từ chính mảnh đất thuộc quyền sở hữu của mình.

Không dừng lại ở việc thả cá, năm 1997, ông chuyển hướng đầu tư sang làm gạch đỏ, ông huy động hết vốn liếng có được và vay mượn thêm để san lấp mặt bằng, mua máy làm gạch và xây dựng 2 lò gạch nung với tổng nguồn vốn đầu tư 3 tỷ 250 triệu đồng. Thời điểm năm 2004 – 2010, gạch đỏ có giá, có lúc công nhân làm việc gần 20 người với mức lương bình quân từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập hàng năm từ sản xuất làm gạch đã giúp gia đình ông thu lãi trên 250 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn nhận thầu các công trình xây dựng trong và ngoài huyện. Tổng thu của gia đình ông sau khi trừ chi phí đạt hơn 500 triệu đồng/năm.

Những năm gần đây, khi dân cư ở ngày một đông, ông thấy làm gạch thủ công như của gia đình có ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con lối xóm, nên ông đã chuyển hướng đầu tư vào làm đại lý sơn HIKA của Tổng Công ty cổ phần Dầu khí Đại Việt, một hãng sơn có thương hiệu trên thị trường và tới đây ông tiếp tục làm đại lý cám chăn nuôi để phục vụ bà con trong vùng.

Đánh giá về và nể phục cách làm giàu của CCB Bùi Xuân Sao, ông Tống Hữu Quyết- Chủ tịch Hội CCB xã Hà Bắc cho biết: “Nhờ chịu khó, siêng năng không chịu đói nghèo, đến nay, gia đình CCB Bùi Xuân Sao đã phát triển được mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Không chỉ làm giàu cho gia đình, CCB Sao còn chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều hộ ở địa phương cùng nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ông còn là một hội viên CCB mẫu mực, tích cực tham gia các hoạt động của Hội và của địa phương nhất là trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Vươn lên bằng nghị lực của chính bản thân để xây dựng gia đình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, CCB Bùi Xuân Sao thật xứng đáng là người lính “Cụ Hồ” trong mọi hoàn cảnh. Không những vậy, mô hình CCB làm kinh tế giỏi của ông đã tích cực góp phần thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, được các cấp Hội CCB và chính quyền địa phương khen thưởng đánh giá cao.

HOÀNG MINH - THANH HIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh