THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:59

Cựu binh Paul và lớp dạy tiếng Anh đặc biệt

*Từ nỗi ám ảnh chiến tranh

Paul George Harding sinh năm 1947, tại vùng nông thôn thuộc bang South Dakota, sau đó ông cùng gia đình chuyển tới sinh sống tại thành phố Los Angeles, bang California và tốt nghiệp trường ĐH California-Berkeley. Năm 1969, ông tham gia quân đội Mỹ và trở thành lính dù thuộc Lữ đoàn đổ bộ đường không 173, tham chiến tại địa bàn các tỉnh từ Bình Định đến Lâm Đồng.

Nhận thấy cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam, Paul quyết định trở về Mỹ chỉ sau 1 năm cầm súng. Paul tâm sự, lúc đó ông còn quá trẻ  và tin theo lời chính phủ Mỹ, chỉ khi sang miền Nam Việt Nam, mới nhận ra quyết định của mình là sai lầm...

Những ký ức chiến tranh ám ảnh suốt cuộc đời ông, hình ảnh người lính miền Bắc bị tra khảo dã man và phản ứng của một bé gái khi chứng kiến người thân bị lính Mỹ bắn chết đến mức không thể nhận dạng, đã ám ảnh ông nhiều năm sau khi trở về với gia đình.

Cựu binh Paul và lớp dạy tiếng Anh đặc biệt

“Khi đã là một người cha, tôi càng day dứt hơn với hình ảnh bé gái ngồi bên người đàn ông bị bắn chết. Ở cương vị cha mẹ, tôi và rất nhiều người đều không muốn con mình phải chứng kiến cảnh tượng nàỳ.

Tất cả ký ức về những gì mà người Việt đã phải chịu đựng trong suốt chiến tranh luôn ám ảnh tôi. Biết điều này, bạn bè và người thân khuyên tôi nên trở lại Việt Nam để làm điều gì đó có ích, xóa đi những ám ảnh của quá khứ lầm lỗi.  Đó chính là lý do vì sao tôi trở lại Hà Nội”. Paul kể  khi trở lại Việt Nam năm 2014, ông đã có dịp trò chuyện với một số cựu chiến binh Việt Nam.

“Họ cho tôi xem những vết thương, kể cho tôi nghe những sự khốc liệt, đau thương do người Mỹ gây ra. Nhưng điều khiến tôi xúc động và nể phục nhất là họ không còn oán hận hay thù ghét người Mỹ, đặc biệt với những cựu binh Mỹ như tôi-người đã từng gây ra nhiều đau thương mất mát cho họ trong cuộc chiến. Qua những câu chuyện này, tôi nhận ra rằng con người Việt Nam thật tốt bụng và bao dung”- người cựu binh Mỹ trải lòng.

*Đến dạy sử Việt qua ngôn ngữ tiếng Anh

Ở lần trở lại Việt Nam, Paul George Harding nhận thấy nhu cầu học tiếng Anh của người Việt rất lớn, nhưng không phải ai cũng có điều kiện theo học bởi vấn đề học phí. Ông nghĩ nếu tổ chức dạy tiếng Anh miễn phí cho những người không đủ điều kiện theo học tại các trung tâm ngoại ngữ, sẽ phần nào giúp họ có cơ hội để cải thiện cuộc sống.

Suy nghĩ này đã thôi thúc cựu chiến binh Paul sau khi vừa trở về Mỹ, đã quyết định quay lại Việt Nam. Ông tình cờ gặp Nguyễn Huyền - nữ sinh vừa tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, và trở thành người đồng sáng lập lớp học tiếng Anh Free Shool.

Cựu binh Paul và lớp dạy tiếng Anh đặc biệtThầy Paul dạy tiếng Anh cho các em nhỏ tại Trung tâm Free School

Lớp học tiếng Anh miễn phí đầu tiên của Paul George Harding khởi đầu với 4 học viên, tại một quán cafe nhỏ khu vực phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy. "Tiếng lành đồn xa", chỉ sau gần 3 tháng tổ chức lớp học, đến nay, con số học viên đã lên tới 294 người. Hiện nay các lớp học tiếng Anh miễn phí của thầy Paul đã thu hút hơn 500 học viên.

Các buổi học do thầy Paul giảng dạy luôn tạo hứng thú cho các học viên bởi những kiến thức lồng ghép phong phú, rất đa dạng về nhiều lĩnh vực của cuộc sống, trong đó, có phần tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi, Đặng Thùy Trâm… và rất nhiều danh nhân vốn rất đỗi quen thuộc và đầy tự hào của dân tộc Việt Nam, tất cả đều  được thầy Paul nhắc đến trong từng bài giảng. 

Giải thích lý do đưa nội dung về lịch sử Việt Nam vào bài giảng của mình, thầy Paul bộc bạch: "Lịch sử Việt Nam phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi trình độ. Chúng tôi sử dụng các đề tài lịch sử, kinh tế và chủ đề lối sống lành mạnh làm tư liệu để dạy tiếng Anh.”

Hiện, thầy Paul đã thuê được một ngôi nhà 5 tầng tại phường Trung Hòa và dự kiến đầu tư trang bị thành Trung tâm tiếng Anh Free School, còn  sau đó sẽ là chuỗi các lớp học miễn phí ở các quận, huyện khác trên địa bàn TP. Hà Nội. Thầy Paul tâm sự , chuỗi các lớp học sẽ như những "nhà máy" đào tạo ra giáo viên tiếng Anh.

"Khi những học viên đạt trình độ ngày càng cao, họ có thể quay lại giảng dạy cho các lớp tiếp theo. Vì thế, các lớp học sẽ có khả năng tự duy trì. Hy vọng trong từ 3 đến 6 tháng tới, chúng tôi có thể mở thêm các lớp học như thế này tại một số quận, huyện khác nhờ chính những học viên hiện nay. Sau khi đã thiết lập các cơ sở ở Hà Nội, chúng tôi sẽ mở rộng đến các vùng nông thôn và bắt đầu thiết lập chuỗi các lớp học miễn phí ở đó".

Paul George Harding cũng hy vọng, mô hình này có thể được nhân rộng sang các tỉnh, thành  phố khác và tiến tới  thiết lập một mạng lưới trường học miễn phí rộng lớn, để giúp nhiều người dân Việt Nam được tiếp cận với tiếng Anh.

Châu Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh