CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:04

Cuộc thi tìm hiểu "70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ": Sức lan tỏa và giàu tính nhân văn

 

Ba thế hệ trong gia đình cùng tham gia

Đều đặn hai tuần một lần, ông Nguyễn Văn Thọ (85 tuổi), nguyên cán bộ kháng chiến Quân khu 5, mang 3 bài dự thi ra bưu điện gửi về Báo Quân đội nhân dân tham dự Cuộc thi tìm hiểu "70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ". Cả 3 bài dự thi đều cùng địa chỉ, số nhà 492, tổ 11, ấp An Thiện, xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Tìm hiểu, chúng tôi được biết: Đó là bài dự thi của ông, con trai và cháu gái.

 Ông Thọ cho biết: “Lúc đầu, tôi tham gia cuộc thi với mong muốn hiểu về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quân đội đối với công tác thương binh-liệt sĩ và chăm sóc người có công với cách mạng. Nhưng càng thi, tôi càng thấy được ý nghĩa và giá trị nhân văn của nó, nên 9 kỳ thi vừa qua, tôi không bỏ sót một kỳ thi nào”. 

 

Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền trao đổi, rút kinh nghiệm sau mỗi kỳ thi.   

 

Thấy cha già cặm cụi tìm hiểu, viết lách, anh Nguyễn Thanh Hà (con trai ông Thọ) đã “sát cánh” cùng cha. Ban đầu là giúp cha, nhưng sau đó anh cũng thường xuyên tham gia cuộc thi. Con gái anh là Nguyễn Lâm Ngọc Trân, học sinh lớp 8, Trường THCS thị trấn Cái Bè cũng tích cực tham gia. Trong tuần, Ngọc Trân tranh thủ ngày nghỉ tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến chủ đề, câu hỏi của từng kỳ thi. Em nói: “Chủ đề của mỗi kỳ thi cũng chính là những câu chuyện mà nội đã kể cho em nghe về thời chiến tranh với bao gian khổ, đau thương, mất mát của ông bà, cô bác. Qua cuộc thi giúp em hiểu hơn giá trị của độc lập, tự do. Với mỗi câu hỏi trắc nghiệm, cả gia đình em cùng tìm hiểu và thảo luận để tìm phương án trả lời đúng. Cuộc thi là nơi em bày tỏ lòng biết ơn vô hạn tới những người đã hy sinh xương máu của mình để chúng em có được cuộc sống bình yên như ngày hôm nay”.

Thu hút nhiều đối tượng tham gia

Tiên phong tham gia cuộc thi tìm hiểu là các cựu chiến binh (CCB). Họ là những người trở về từ các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc nên trong từng bài viết đều phản ánh chân thật và giàu cảm xúc. CCB Nguyễn Thiện Thành (TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) tham gia 9 kỳ thi và giành giải Nhì ở kỳ thi thứ 6. Điều đặc biệt, bên cạnh việc trả lời chính xác các câu hỏi trắc nghiệm và viết bài tự luận tốt, CCB Nguyễn Thiện Thành còn thường xuyên cung cấp thông tin về mộ liệt sĩ rất có giá trị. Các CCB, như: Nguyễn Xuân Luyến, Lê Reo (tỉnh Thanh Hóa) cũng là những người tích cực tham gia hưởng ứng cuộc thi. Các bác cho rằng, tham gia cuộc thi, không chỉ được ôn lại những ký ức, kỷ niệm của một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, mà còn là cơ hội để tìm được đồng đội, cùng nhau tham mưu, hiến kế cho Đảng, Nhà nước đề ra những chủ trương, chính sách phù hợp dành cho thương binh, liệt sĩ...

Tham gia cuộc thi tích cực nhất trong thời gian qua là các bạn trẻ trong và ngoài quân đội. Hoàng Thị Vân, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khi nhận giải nhất kỳ thi thứ 6 vẫn vẹn nguyên cảm xúc. Vân cho biết: “Bài luận được em viết không chỉ bằng tình yêu thương, sự kính trọng dành cho ông nội - một CCB, mà còn muốn gửi tới các bạn trẻ thông điệp: Tôn trọng quá khứ và sống có trách nhiệm với Tổ quốc. Em nghĩ, có như vậy mới xứng đáng với sự hy sinh của cha ông...”. Cũng như Hoàng Thị Vân, nhiều bạn trẻ khi tham gia cuộc thi không chỉ để tìm hiểu lịch sử, truyền thống dân tộc, mà còn thể hiện rõ tâm huyết, trách nhiệm, sự tri ân với thương binh, anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng...

 Kết quả bước đầu

Theo đánh giá của Ban Tổ chức, Cuộc thi 70 năm Ngày "Thương binh - Liệt sĩ" đã và đang có sự lan tỏa tốt, đối tượng tham gia dự thi phong phú, nhất là học sinh, sinh viên các trường đại học trong và ngoài quân đội; các CCB trên khắp mọi miền Tổ quốc; nhiều gia đình có ông bà, bố mẹ, con cháu đều tham gia dự thi. Qua 9 kỳ thi, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 15.000 bài; nhiều bài chất lượng tốt, được làm công phu. Các bài tự luận thể hiện cảm xúc của người viết qua những câu chuyện, hồi ức, kỷ niệm có sự lập luận chặt chẽ, liên hệ sát thực tế...

Ban Tổ chức cũng nhận được nhiều thông tin về nơi an táng liệt sĩ; phần mộ liệt sĩ; phần mộ liệt sĩ khác quê an táng tại địa phương; phần mộ liệt sĩ mà thân nhân liệt sĩ chưa biết... Từ những thông tin quý giá này, giúp Ban Tổ chức phối hợp với các cơ quan chức năng trong tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Tuy nhiên, một số bài thi tự luận còn dài, trong khi thể lệ cuộc thi là phần tự luận không dài quá 500 chữ. Vẫn có những bài thi khá giống nhau cả về nội dung và cách thể hiện. Phần thông tin về mộ liệt sĩ không bắt buộc nhưng yêu cầu của Ban Tổ chức là phát hiện, cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nhưng không ít tác giả đã sao chép thông tin từ một số trang mạng và những thông tin về mộ liệt sĩ đã được đăng trên Báo Quân đội nhân dân

Để cuộc thi tiếp tục lan tỏa sâu rộng, nhiều bạn đọc cho rằng, Báo Quân đội nhân dân cần phối hợp chặt chẽ với Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để cuộc thi thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia...

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh