THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:20

Cuộc "tàn sát" của Covid-19 có thể để lại những "vết sẹo" lớn với kinh tế toàn cầu

Báo cáo Brookings-FT TIGER mới được cập nhật (Chỉ số theo dõi cho Sự phục hồi Kinh tế toàn cầu) cho thấy rõ ràng rằng: hoạt động kinh tế, thị trường tài chính và niềm tin của khu vực tư nhân đều đang bị ảnh hưởng. Và nếu hợp tác quốc tế vẫn chưa chặt chẽ như ở mức hiện tại, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nữa.

Nhiều ý kiến cho rằng sự suy giảm hiện tại có thể là ngắn hạn, lập luận rằng hoạt động kinh tế sẽ quay trở lại bình thường khi dịch được kiểm soát. Nhưng có lý do chính đáng để lo lắng rằng, nền kinh tế thế giới đang đi vào một cuộc suy thoái sâu rộng và kéo dài. Cuộc suy thoái sẽ phụ thuộc phần lớn vào diễn biến của đại dịch và phản ứng của các nhà hoạch định chính sách. Liệu các chính phủ có đang làm tốt việc ngăn chặn thiệt hại, xây dựng lại niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp hay không?

Kịch bản phục hồi nhanh chóng dường như rất khó xảy ra. Cầu đã bị sốc mạnh, đồng thời có sự gián đoạn lớn với các chuỗi cung ứng sản xuất, và một cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra. 

Không giống như khủng hoảng 2008-2009, xảy ra bởi sự thiếu hụt thanh khoản trên thị trường tài chính, cuộc khủng hoảng Covid-19 liên quan đến các vấn đề vượt ra ngoài lĩnh vực tài chính.

Trong và ngay sau cuộc khủng hoảng năm 2008, một số thị trường mới nổi, không chỉ là Trung Quốc và Ấn Độ, tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, gồng gánh phần còn lại của nền kinh tế thế giới. Nhưng lần này, không có nền kinh tế nào là miễn nhiễm, và sẽ không có quốc gia nào có thể phục hồi theo định hướng xuất khẩu. 

Sự sụp đổ hiện tại đã làm tăng rủi ro giảm phát và tài chính ở các nền kinh tế tiên tiến, cùng lúc giáng một đòn mạnh vào các nhà xuất khẩu hàng hóa. Trên hết, giá dầu đang giảm mạnh hơn so với trước đây.

Cuộc tàn sát của Covid-19 có thể để lại những vết sẹo lớn với kinh tế toàn cầu - Ảnh 1.

Nền kinh tế Mỹ đang dần đi vào bế tắc. Hầu hết các ngành dịch vụ ngừng hoạt động, hoạt động công nghiệp bị gián đoạn và làn sóng thất nghiệp bùng nổ chỉ trong vài tuần. Hoa Kỳ đã ứng phó bằng các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ đặc biệt. Điều này có thể tránh cảnh sụp đổ trong ngắn hạn, nhưng chưa thể đạt đến mục tiêu xa hơn là giảm bớt thiệt hại lâu dài, và đặc biệt là để bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ dễ bị tổn thương.

Châu Âu và Nhật Bản, những nơi đã trải qua căng thẳng kinh tế ngay cả trước đại dịch, đều có khả năng chống chịu tốt hơn với sự sụt giảm đáng kể về sản lượng và gia tăng thất nghiệp. 

Trung Quốc đang trở lại, dù chỉ là một phần. Sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư tài sản cố định giảm mạnh vào tháng 1 và tháng 2, song mọi thứ dường như đang dần hồi sinh. Ở một số khía cạnh, nền kinh tế Trung Quốc có nhiều thuận lợi hơn các nơi khác, để có thể chịu được những cú sốc lớn như vậy. Bởi lẽ, nhà nước có thể kiểm soát tối đa các nguồn lực quốc gia, hơn cả các công cụ kinh tế vĩ mô thông thường và những hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp và ngân hàng. Song vẫn còn nhiều lỗ hổng, thất nghiệp gia tăng, nhu cầu trong nước và thế giới vẫn còn yếu, và làn sóng dịch thứ hai nếu xảy ra, sẽ tạo ra mối đe dọa dai dẳng.

Các nền kinh tế mới nổi khác đang bước vào thời kỳ đặc biệt ảm đạm. Nhiều nơi có hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu, các đô thị quá đông dân và mức độ nghèo đói cao. Họ không có nhiều cơ hội để kiểm soát giữa đại dịch và ngăn chặn thảm họa kinh tế. 

Một số quốc gia còn bị rút vốn, mất giá tiền tệ và cầu quốc tế đối với hàng hóa của họ thì giảm nghiêm trọng. Số khác lại phải đối mặt với các khoản nợ khổng lồ.

Tất cả cho thấy, cuộc tàn sát kinh tế và tài chính của Covid-19 có thể để lại những "vết sẹo" lớn với nền kinh tế toàn cầu.

Cuộc tàn sát của Covid-19 có thể để lại những vết sẹo lớn với kinh tế toàn cầu - Ảnh 2.

Hoàng An

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh