Cuộc sống xáo trộn sau nghỉ Tết
- Y học 360
- 21:45 - 16/02/2016
Tháng Giêng đủng đỉnh…
Tết năm nay được nghỉ dài ngày, cả gia đình chị Hiền quyết định về quê ăn Tết. Gần chục ngày ăn, chơi, ngủ nghỉ theo cảm hứng nên khi trở lại thành phố, cả gia đình không thể vào “nếp” của ngày thường. Quen ăn ngủ thoải mái, sáng mùng 8, Trang và Dũng không thể dậy từ 6 giờ 30 để chuẩn bị đến lớp. Hai chị em đến trường khi các bạn đã xếp hàng vào lớp được 15 phút. Buổi sáng ngày đầu tuần, chị Hiền đã phải tìm mọi cách mới có thể gọi được hai con dậy đánh răng rửa mặt và chỉ kịp cho hai con vừa lên xe vừa uống hộp sữa rồi đến lớp, thay vì cả nhà cùng ăn sáng như ngày thường. Cu Dũng vẫn nằng nặc mè nheo xin mẹ cho nghỉ học vì vẫn đang kỳ nghỉ...
Hết đợt ăn chơi Tết ở quê, trở lại thành phố, lịch “đón Xuân, vui Tết” của gia đình chị Hiền vẫn kín mít cho đến qua rằm tháng Giêng. Toàn những mối quan hệ thân thiết họ hàng, bạn bè, đối tác mà buộc phải dắt cả gia đình đi cùng. Điều này cũng có nghĩa là hai con không thể đi ngủ từ lúc 21 giờ 30 như bình thường và sẽ rất khó để hôm sau chúng dậy từ 6 giờ 30 để đi học đúng giờ.
Dòng người tấp nập trở lại thành phố sau Tết.
Gia đình anh Hoàng Văn Tuấn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng chưa thể trở lại nhịp sống thường ngày. Từ giờ đến rằm tháng Giêng vợ chồng anh phải tham dự một loạt sự kiện: Ngày giỗ Tổ của dòng họ, lễ hội làng, lễ cúng đầu năm, lễ giải sao, rồi các chương trình đi đền, chùa. Vợ chồng anh gần như không nấu nướng, bữa thì đi ăn cỗ, bữa ở nhà hâm lại những món thừa ngày Tết, có khi tiện đường ăn ngoài quán luôn. Với gia đình anh, tháng Giêng đúng nghĩa là tháng ăn chơi, đủng đỉnh sau kỳ nghỉ dài ngày.
Đảo lộn sinh hoạt vì thiếu người giúp việc
Sau Tết, sinh hoạt của nhiều gia đình bị đảo lộn vì người giúp việc còn "mê mải" chơi xuân chưa muốn làm việc trở lại... Có con nhỏ chưa đến tuổi đi học, ông bà lại ở xa không trông cậy được, nên nhà chị Thúy ở khu Linh Đàm vẫn phải thuê người giúp việc. Dù bé mới 10 tháng nhưng nhà chị cũng đã đổi đến mấy đời “osin”, mãi mới tìm được người hợp ý. Ra Tết, cô giúp việc này lại điện lên xin ở nhà lấy chồng. Vậy là con nhỏ không ai trông, việc cơ quan thì sếp gọi khiến chị Thúy “bấn loạn”. Đồng cảnh con nhỏ như chị Thúy, nhà chị Vân (Âu Cơ, Hà Nội) cũng “méo mặt” vì con không biết gửi ai khi “osin” điện thoại lên đòi tăng lương mới ra làm tiếp. Dù kinh tế khó khăn, hai vợ chồng chị cũng “cắn răng” thuê người giúp việc trông con cho an tâm. Nắm được tâm lý của chủ nhà, chị giúp việc đòi tăng lương thì mới lên làm tiếp khiến vợ chồng chị đành chấp nhận trả thêm tiền để được việc. Nhiều người bí quá đành gọi đến các trung tâm chuyên giới thiệu người giúp việc, nhưng đầu năm không dễ kiếm. Sau Tết, các trung tâm đều trong tình trạng cầu vượt gấp nhiều lần cung, bởi hầu hết người giúp việc muốn được ở nhà đến qua rằm tháng Giêng mới đi làm.
Giá thực phẩm đắt đỏ
Nếu như những ngày trước và trong Tết, giá thực phẩm đặc biệt là rau xanh bị đẩy lên rất cao thì từ ngày mùng 7 Tết, giá hàng hóa tại các thành phố dần trở lại mức như ngày thường, nhưng mặt hàng rau xanh thì không. Tại các chợ ở Hà Nội ngày mùng 3 Tết, giá thực phẩm tăng “chóng mặt” khiến người tiêu dùng ngỡ ngàng. Cụ thể, xà lách có giá tới 100.000 đồng/kg, trong khi giá trước Tết chỉ 30.000 đồng/kg; hành củ 80.000 đồng/kg; cà chua 70.000 đồng/kg; rau cần 30.000 đồng/bó; rau cải 30.000 đồng/kg; su hào 25.000 đồng/củ... Rét hại và sương muối trước Tết là nguyên nhân khiến hầu hết các ruộng rau xanh ở nhiều địa phương bị hỏng khiến giá rau xanh dịp Tết bị đẩy lên cao. Là nông dân làm ruộng, trồng rau chị Nguyễn Thị Hồng (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) không thể tin nổi khi Tết năm nay phải mua rau xanh. Chị Hồng phải trả 15.000 đồng/mớ cải xanh, 35.000 đồng/kg bắp cải; 12.000 đồng/củ su hào... Mức giá này cao hơn 3 lần so với ngày thường nhưng rau khan hiếm không mua nhanh người khác mua hết...
Rau xanh là mặt hàng được nhiều bà nội trợ chọn mua sau Tết.
Cùng với rau, trong dịp Tết, các loại cá nước ngọt cũng tăng giá từ 30.000 đến 50.000 đồng/kg do nhu cầu người dân tăng cao. Cụ thể, cá chép loại hơn 1kg giá 130.000 đồng/kg, tăng 40.000 đồng/kg so với trước Tết; cá trắm trắng loại to giá 160.000 đồng/kg, giá cắt khúc 200.000 đồng/kg. Còn với các loại thịt lợn, thịt bò, giá không thay đổi nhiều bởi thói quen tích trữ thực phẩm trước Tết, lượng khách mua không nhiều. Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh ngày mùng 7 Tết, thực phẩm tươi sống tại các chợ vẫn "neo" ở mức cao. Tại các chợ giá cải ngọt, cà chua tăng thêm 3.000 - 4.000 đồng/kg; rau cần tây, dưa chuột tăng thêm 5.000 đồng/kg so với trước Tết.
Chị Nguyễn Thị Bình (50 tuổi) người trồng rau ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết: “Chưa năm nào rau lại bán đắt thế, năm nay rau cứ ra đến chợ là người ta “đổ” đến mua, đưa ra bao nhiêu hết bấy nhiêu. Không cần mời mọc gì hết. Đã thế các thương lái mua buôn cũng gọi điện đặt hàng trước. Thậm chí nhiều người cẩn thận còn đến tận vườn chờ cắt, sợ không đến thì không có rau bán. Như năm ngoái thời điểm này phải đi bán để chống ế, thậm chí vừa bán vừa cho”.
Sáng 14/2, hàng vạn người dân đã ùn ùn trở lại Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân để chuẩn bị bước vào năm làm việc mới (ảnh 24h)
Vật vã tàu xe trở lại thành phố
Từ ngày mùng 6 Tết, lượng người từ các tỉnh đổ về thành phố tăng cao khiến giao thông hỗn loạn. Nhiều tuyến tàu, xe hết vé. Trong hai ngày 13 và 14/2, hàng ngàn người dân ở Nghệ An đã đổ về bến xe, nhà ga để di chuyển ra Hà Nội và vào các tỉnh phía Nam; giá vé tàu, xe nhiều tuyến tăng từ 44 - 60%. Tại bến xe Vinh, lượng khách tăng khoảng 2.000 khách so với ngày thường. Tại ga Vinh, trong ngày 13/2 có khoảng 7.000 khách đi tàu, tăng khoảng 5 lần so với ngày thường. Do nhu cầu đi lại cao nên đây là dịp các nhà xe “chặt chém” giá vé và nhồi nhét hành khách. Giá vé đón xe dọc đường từ Nghệ An đi Hà Nội từ 300.000 - 400.000 đồng/vé, đi TP. Hồ Chí Minh từ 1,4 - 1,7 triệu đồng/vé, cao gấp đôi giá vé ngày thường. Tuy nhiên, hành khách đều chấp nhận giá vé cao ngất ngưởng để kịp ngày làm việc đầu tuần 15/2.
Ở phía Nam, chiều 14/2, tại Sóc Trăng có hàng trăm người, chủ yếu là công nhân vẫn không đón được xe để lên TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ để kịp đi làm. Trong khi đó, Bến xe trung tâm Sóc Trăng không còn xe khách. Dọc theo tuyến QL1A thuộc Sóc Trăng, vẫn rất đông hành khách, trong đó có cả trẻ em ngồi tránh nắng dưới tán cây, quán cà phê để chờ xe, nhưng không xe nào “chịu rước” vì đã đầy khách.
Ngã ba Pháp Vân - Giải Phóng là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô nên từ 14 giờ chiều 13/2 CSGT đội 14 đã tăng cường đến địa điểm này thêm gần 10 cán bộ chiến sỹ, rất vất vả làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, các tuyến đường cửa ngõ về Hà Nội ùn tắc hàng km. Nhiều xe chấp nhận mất phí, quay đầu chọn đường vòng. Không ít xe chọn cách băng qua các cánh đồng để thoát tắc nghẽn.