CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:25

Cuộc sống sau hào quang của các sao thể thao Việt

 

 

Vũ Bích Hường
Câu chuyện của Vũ Bích Hường - VĐV điền kinh đầu tiên mang HCV về cho Việt Nam ở một kỳ SEA Games (năm 1995 tại Thái Lan) thực sự khiến nhiều người xúc động. Chồng mất vì ung thư, tượng  đài điền kinh ngày nào phải nằm bẹp một chỗ vì tai nạn xe trước Tết.
Đó chỉ là vận hạn mới nhất trong nhiều thử thách cuộc đời mà chị trải qua. Chị từng phải đối mặt nguy cơ bị liệt. Cột sống bị ảnh hưởng, dây thần kinh bị đè khiến chân trái ngày càng teo lại. 
Khi đi bệnh viện khám, bác sĩ chỉ định phải mổ ngay. Ngoài chi phí tốn kém, chị còn có nguy cơ bị liệt hai chân hoặc cơ hội hồi phục hoàn toàn chỉ 50-50. Nghe vậy, Vũ Bích Hường quyết định không mổ, trở về nhà.
Rất may là sau đó, chị tìm được thầy thuốc từ Hưng Yên về điều trị và đến nay, bệnh tình đã thuyên giảm. Từ chỗ phải có người cõng từ tầng 3 xuống taxi chở đi chữa bệnh, nay chị đã bắt đầu bỏ nạng.
Hiện tại chân trái của chị vẫn bị teo, bé hơn chân phải do dây thần kinh bị chèn. Nếu mọi chuyện xuôi chèo mát lái, có thể trong năm nay chị sẽ được quay lại nghề huấn luyện trẻ như từng làm trước khi bị tai nạn.
Bên cạnh đó, gánh nặng cơm áo gạo tiền cùng nỗi lo về khoản tiền để mua hẳn căn nhà xã hội mà chị đang ở thay vì hàng tháng đóng tiền trả góp cũng khiến nhà vô địch SEA Games 110m rào nữ này trăn trở.
Hoàng Hà Giang
Nếu như Vũ Bích Hường còn đi đến được cuối sự nghiệp thì tài năng của Hoàng Hà Giang thậm chí còn chưa kịp phát tiết đến độ chín. Năm 2008 khi mới 17 tuổi, cô đã 2 lần đoạt HCV giải taekwondo trẻ thế giới và là á quân ASIAD 15 (năm 2006) ở Qatar.
Năm 2008, khi đang là niềm hy vọng số một của taekwondo trong quá trình chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh, Hà Giang bị lupus ban đỏ. Cô bỏ dở ước mơ giành huy chương Olympic để chữa bệnh. Tuy nhiên do uống thuốc trong thời gian dài, hệ miễn dịch bị yếu nên Giang mãi mãi không thể quay về thể thao đỉnh cao.
Bi kịch với cô còn trở nên lớn hơn khi mất tiền oan mua nhà trả góp, căn nhà nằm trong kế hoạch nhà ở cho vận động viên từng có thành tích cao. Sau đó không lâu, cô bị tai nạn giao thông, gãy xương đùi và nếu không có số tiền hỗ trợ hơn 100 triệu đồng thì không rõ cuộc đời cô sẽ như thế nào.
Bây giờ Giang buộc phải hài lòng với số tiền ít ỏi thu được từ công việc thu ngân kiểm quỹ ở hồ bơi và hội taekwondo. Giấc mơ thể thao khép lại nhường chỗ cho giấc mơ đi học thiết kế trong tương lai.
Lê Thị Huệ
Giống Hoàng Hà Giang, tai nạn bất ngờ tìm đến đô vật Lê Thị Huệ. Tháng 5/2003 khi đang chuẩn bị cho SEA Games 22, cô bị ngã gãy đốt sống cổ, giập tủy sống và liệt tứ chi. Niềm hy vọng vàng ở hạng cân 55kg khi ấy chính thức trở thành một "thương binh".
Phải nằm 1 năm trời tại Việt - Đức, đến năm 2010 thì cô xin về nhà. Tuy nhiên, mức lương của VĐV đội tuyển cô chỉ được hưởng đến năm 2004 thì bị cắt.
Suốt 4 năm sau đó, do là "người của Thanh Hóa" nên Huệ vẫn được Sở TD-TT, sau là Sở VH-TT&DL Thanh Hóa trả lương vận động viên ở mức 1 triệu đồng/ tháng. Nhưng cũng chỉ đến năm 2008, Lê Thị Huệ bị cắt số tiền này.
Rất may là sau khi báo chí đưa tin rầm rộ vào năm 2013, cuộc sống của Lê Thị Huệ mới đỡ cơ cực hơn. Đến nay sau hơn 10 năm, cô cũng chỉ đi lại quanh quẩn trong nhà bằng đôi nạng, mỗi khi ra ngoài cô vẫn phải ngồi xe lăn. Không chỉ sức khỏe giảm sút, trí nhớ của cô giờ cũng rất kém, thậm chí không nhớ được cả số điện thoại của mình.
Sinh năm 1979, năm nay Huệ đã 36 tuổi. Những tấm huy chương và ánh hào quang quá khứ đã quá xa vời. Với chị bây giờ chỉ có một ước mơ giản đơn là đủ sức khỏe để tự phục vụ được bản thân mà thôi.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh