Cuộc sống đa dạng từ những cây bút nữ không chuyên ở Huế
- Văn hóa - Giải trí
- 22:34 - 05/03/2016
Cũng ở loại trên, có thể kể “Treo tình trên sóng” của Võ Ngọc Lan và “Áo tím đồi sim” của Phan Thị Thu Quỳ - hai cuốn tự truyện công phu của hai phụ nữ gốc Huế, nay sống ở TP. Hồ Chí Minh. Trong khi đó, Tạ Thị Ngọc Thảo lại là một doanh nhân từ TP. Hồ Chí Minh mới về “định cư” tại Huế, góp vào thị trường sách hai tuyển tập các bài báo chứa đựng rất nhiều “bài học đường đời” thú vị, cuốn “Những trang viết của một doanh nhân” và “Thư chủ gửi tớ”...
Hầu hết những tác giả kể trên khi đặt bút, không có ý định “làm văn” nên có lẽ chúng ta không cần đi sâu vào nghệ thuật thể hiện, nhưng điều không thể phủ nhận, các cuốn sách loại này đã giúp cho người đọc hiểu thêm về cuộc sống đa dạng quanh mình, thêm lòng tin vào sự hướng thiện của con người. Mặt khác, chúng ta trân trọng quyền được giãi bày nỗi lòng, chia sẻ kinh nghiệm sống của các tác giả với bạn đọc, cũng như niềm vui sướng, tự hào của các chị trước “đứa con tinh thần” không phải ai cũng tạo ra được.
Nguyễn Phước Hương Lan (sinh năm 1972) hẳn cũng có nhu cầu giãi bày nỗi lòng mình. Song, chị lại muốn chia sẻ những “bài học đường đời” của những con người mà chị hiểu biết chứ không chỉ của riêng mình, nên lại thử bút bằng hai tập truyện xuất bản liên tục “Rau tập tàng” (tập truyện ngắn - NXB Thuận Hóa, 2014) và “Bao giờ thấy mặt trời” (NXB Thuận Hóa, 2015).
“Rau tập tàng” gồm 12 truyện ngắn, trong đó hai truyện “Rau tập tàng” và “Chuyến tàu không sân ga” có dung lượng trên dưới hai chục trang...; còn nữa là những truyện rất ngắn, có thể gọi là “mẩu chuyện” như truyện “Tìm quên”, “Người bên nớ”. Thực ra, trong nghệ thuật, thể loại hay độ dài ngắn không đủ nói lên giá trị tác phẩm. Như hai truyện tôi vừa nhắc, có phần đơn giản, nhưng một truyện cũng rất ngắn như “Đàn chim không trở lại”, theo tôi, mặc dù kết cấu rất giản dị, vẫn hay và có sức gợi sâu xa. Đó là chuyện cậu bé Tý “trốn ngủ trưa... lại ngồi bên cửa sổ, tỳ cái cằm được bao bọc bởi làn da non nớt vào song sắt để ngắm những bông hoa vú sữa như những chùm sao nhỏ li ti rơi giữa sân nhà và nghe tiếng chim hót. Đối với Tý, đây chính là kho báu bí mật...”; nhưng rồi cậu đã “đánh mất” nó vì đã mượn cái lồng chim có bẫy sập của người hàng xóm, cậu sở hữu được một con chim, nhưng đàn chim sợ bị bẫy đã bay mất...
Hai truyện có dung lượng lớn nhất trong tập truyện đã nêu ở trên cũng gợi nhiều suy nghĩ. Truyện “Rau tập tàng” đầy phong vị Huế, viết về người con đất Cố đô đi xa làm ăn thành đạt, nhưng rồi anh “ngộ” ra đời sống vật chất vô cảm không quý bằng món rau tập tàng ở quê nhà... Truyện “Chuyến tàu không sân ga” là mối tình đẹp của một chiến sĩ với cô giáo Tuyền, nhưng khi biết gia đình cô bị quy địa chủ (dù là quy sai!), anh đã từ hôn với lá thư “lập trường” cứng như thép, để rồi khi anh quay lại xóm nhỏ ấy thì cô giáo đã thuộc về một người con trai xứ Huế...
Những truyện còn lại trong tập “Rau tập tàng” hầu hết đều viết về những đôi lứa trắc trở, nhưng phải đến truyện dài “Bao giờ thấy mặt trời” với dung lượng 150 trang, tác giả mới dựng được nhân vật có số phận thực sự bất hạnh và đặt ra một vấn đề xã hội nan giải. Đề tài của truyện không mới - cuộc đời lớp người “dưới đáy”, những ca ve, gái đĩ tàn đời không lối thoát. “Không mới”, nhưng với “thế mạnh” là một cây bút nữ, với sự đồng cảm và cách nhìn nhân hậu của tác giả đối với nhân vật Thúy, truyện “Bao giờ thấy mặt trời” vẫn có tiếng nói riêng. Người đọc thương cho Thúy nhiều hơn là ghét cô, vì không may bị tay Việt kiều lừa tình, sa vào chốn trụy lạc, Thúy đã bao lần muốn vươn lên, vẫn thương yêu đứa con gái “không bố”, vẫn quý tình yêu chân thật của một người con trai nghèo có cái tên Giàu ngược đời. Và khi có thai với Giàu, bị nhà chồng đuổi, cô nhất định không phá thai, vào dòng tu sinh con; cô đã hẹn sẽ để con lại cho người hiếm muộn xin, nhưng vào phút cuối, tình mẫu tử đã giúp cô có can đảm ôm con trốn khỏi tu viện về lại nhà Giàu.
Điều bất ngờ và cũng chỉ có lòng nhân hậu của một cây bút nữ, tác giả mới để cho mẹ Giàu (tức bà nội đứa bé), mặc dù cũng là một ca ve quá lứa, sống nghèo khổ, vẫn chăm chút cho mẹ con Thúy, nhất là khi biết đứa bé là con trai, rõ là “giọt máu” của con mình. Vẫn chưa hết bất ngờ! Cuộc mưu sinh nghiệt ngã, dù là “trái tim vàng” đâu dễ sống được trong “mái lều tranh”, Thúy đã phải rứt ruột để đứa con trai cho bà nội nuôi, quay lại với quán bia ôm để có tiền gửi về quê phụ giúp gia đình và nuôi đứa con gái đã đến tuổi ăn học! Vì thế, truyện mới có tên “Bao giờ thấy mặt trời”. Thật là đau xót, nhưng đó là hiện thực. Một “tiếng nói riêng” nữa của “Bao giờ thấy mặt trời” là ngôn ngữ đối thoại được tác giả thể hiện hầu như “nguyên văn” tiếng địa phương, nhưng người đọc không cảm thấy khó chịu mà còn thú vị, nhất là đối với người miền Trung.
Với một tác giả mới thử bút, những đóng góp kể trên tưởng cũng rất đáng cổ vũ, khuyến khích.