CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:31

5 phim nước ngoài tranh giải Oscar 2016

 

"Theeb" - Jordan

Theeb là đại diện châu Á duy nhất ở Oscar năm nay. Đạo diễn Naji Abu Nowar sinh ra ở Anh, có bố mẹ là người gốc Jordan và làm việc trong ngành quân sự. Kịch bản được đạo diễn 34 tuổi viết sau một khóa học tại Liên hoan phim độc lập Sundance. Theeb xoay quanh chuyện về cậu bé cùng tên sống vào đầu thế kỷ 19 ở quốc gia Trung Đông. Theeb là người bộ lạc Bedouin và có nhiệm vụ đưa một sĩ quan người Anh vượt qua sa mạc cháy nắng.

Để chuẩn bị cho quá trình ghi hình, đạo diễn Naji và nhà sản xuất sống một năm trong một ngôi làng bị khủng bố ở miền nam Jordan nhằm làm quen với người bản địa cũng như tìm kiếm diễn viên chính - một cậu bé dưới 10 tuổi. Tác phẩm nói tiếng Ảrập từng được trình chiếu tại hạng mục Horizons ở Liên hoan phim Venice hồi tháng 9/2014 và mang về cho nhà làm phim Abu Nowar giải "Đạo diễn xuất sắc". Phim được đánh giá là câu chuyện tuổi mới lớn khốc liệt và có diễn xuất đáng nể của diễn viên nhí - Jacir Eid Al-Hwietat.

"Son of Saul" - Hungary

Sau khi giành Giải thưởng lớn của Ban giám khảo tại Liên hoan phim Cannes và giải Quả Cầu Vàng cho "Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất",Son of Saul được cho là ứng viên tiềm năng nhất trong hạng mục "Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc" ở Oscar năm nay. Phim được đánh giá là câu chuyện màn bạc gai góc và tinh tế, lật lại nạn diệt chủng trong lịch sử nhân loại. Ngoài câu chuyện trần trụi và cảm động, phim còn được đánh giá cao ở tài năng diễn xuất của nam diễn viên kiêm nhà thơ sống ở Brooklyn (Mỹ) - Géza Röhrig - trong vai chính.

Đây là là tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn 38 tuổi người Hungary - László Nemes. Trong phim, Géza Röhrig đóng vai một người tù Do Thái ở trại tập trung Auschwitz (nước Đức năm 1944) tìm cách chôn cất đứa con trai theo nghi thức tử tế. Bộ phim được đạo diễn Nemes và đồng biên kịch lấy cảm hứng từ lời kể và văn bản để lại của những tù nhân trại tập trung ở Đức trong Thế chiến II.

"Mustang" - Pháp, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ

Phim là tác phẩm đầu tay của nữ đạo diễn người Pháp gốc Thổ Nhĩ Kỳ - Deniz Gamze Ergüven. Chuyện phim mô tả cuộc sống và quá trình dậy thì của năm cô gái mồ côi trong ngôi làng hẻo lánh và bảo thủ nước Thổ. Nữ đạo diễn 37 tuổi bày tỏ: "Tôi luôn tò mò về cuộc sống của phụ nữ ở Thổ Nhĩ Kỳ". Nhà làm phim mất nhiều tháng tuyển lựa trong hàng trăm ứng viên cho bộ năm nhân vật chị em gái trong phim.

Mustang ra mắt ở Tuần lễ đạo diễn tại Liên hoan phim Cannes và giành giải Europa Cinemas Label. Bộ phim sau đó được lựa chọn trình chiếu tại Liên hoan phim Toronto 2015. Tác phẩm được đánh giá là câu chuyện giàu tính nữ về tuổi mới lớn.

"Embrace of the Serpent" - Colombia

Dựa trên những ghi chép có thật, phim lấy bối cảnh từ 1909 đến 1940, kể về pháp sư cuối cùng của bộ lạc thổ dân trong rừng mưa Amazon. Ông đồng hành hai nhà khoa học Mỹ và Đức trong chuyến tìm loài cây thiêng có tên Yakruna.

Tác phẩm được ghi hình nhiều tháng trong rừng mưa Amazon. Đạo diễn Ciro Guerra kể: "Chúng tôi có bảy tuần vào rừng Amazon chuẩn bị trước khi ghi hình. Trong rừng có rất nhiều loài động vật nguy hiểm. Đoàn phim phải mang thuốc kháng sinh chống nọc độc rắn cắn. May mắn, không ai bị tai nạn, bệnh tật hay thú rừng tấn công trong quá trình làm phim".

Diễn viên chính trong phim là thổ dân. Mọi nhân vật người dân tộc trong phim đều là thổ dân Amazon. Quá trình tuyển diễn viên được làm trước khi quay. Thổ dân Amazon cũng tham gia đóng quần chúng, làm trang phục và hóa trang.  Để đảm bảo, đoàn phim cũng mời một pháp sư tổ chức cầu nguyện thần rừng bảo vệ đoàn. 

Tác phẩm đen trắng là tiếng nói mới của các nhà làm phim Mỹ Latin. Trước đó, phim giành giải Art Cinema Award trong Tuần lễ đạo diễn ở Liên hoan phim Cannes 2015. Nhiều nhà chuyên môn đánh giá rằng phim chiêu đãi người yêu điện ảnh bằng bữa tiệc hình ảnh độc đáo và nguyên bản. The Hollywood Reporter nhận xét: "Phim khám phá nhân học, tự nhiên và sức hủy diệt của chủ nghĩa thuộc địa bằng những khung hình giàu tính hấp dẫn". Lối quay đen trắng và âm thanh trong phim khiến rừng già sống động trên hình. 

"A War" - Đan Mạch

A War là phim thứ 11 của Đan Mạch vào đề cử giải Oscar. Tác phẩm chiến tranh do đạo diễn Tobias Linhholm thực hiện. Trong phim, nam diễn viên sinh năm 1982 của Borgen và Game of Throne 6 - Pilou Asbæk - vào vai một sĩ quan Đan Mạch tham chiến ở Afghanistan. Ngoài chiến trường, anh từng hy sinh một nhóm thường dân để cứu binh sĩ của mình. Sau khi về quê hương, anh phải đối mặt với tòa án vì vụ việc. Hậu quả cũng gây ảnh hưởng tới gia đình gồm vợ và hai con nhỏ. 

Theo đạo diễn Linhholm, A War là góc nhìn của người Đan Mạch trong cuộc chiến Afghanistan từ 2001 đến 2013 khi họ sát cánh cùng liên quân Anh và Mỹ. "Chiến tranh Afghanistan là cuộc chiến đầu tiên mà Đan Mạch tham gia từ Thế chiến II. Hồi đó, Đan Mạch chỉ giao chiến với quân Đức trong bốn giờ trước khi đầu hàng. Cuộc chiến định hình thế hệ chúng tôi", đạo diễn Tobias Linhholm kể và cho biết anh lấy cảm hứng tác phẩm sau khi đọc một bài báo về chuyện có thật của một sĩ quan Đan Mạch.

Trừ các diễn viên chính, phim sử dụng các binh lính thực từng tham chiến ở Afghanistan đóng vai bộ đội. Phim ra mắt hồi đầu tháng 9/2015, ở Liên hoan phim Venice và được đánh giá cao. Diễn viên chính của phim - Pilou Asbæk - khẳng định tác phẩm là câu chuyện gai góc mới, nói về chiến tranh mà không có người hùng.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh