Kể từ bài hát đầu tiên làm năm 16 tuổi có tên là “Trầu cau”, ông đã mang đến cho âm nhạc Việt Nam hàng trăm ca khúc xúc động lòng người suốt dọc dài lịch sử, những bài hát chỉ cần cất lên câu hát đầu tiên là có rất nhiều người sẽ hát theo. Thời kháng chiến chống Pháp là “Đoàn Giải phóng quân” (sau đổi thành Đoàn Vệ quốc quân), “Mùa đông binh sĩ”, “Nhớ ơn Hồ Chủ Tịch”, “Quê tôi ở miền Nam”... Thời hòa bình xây dựng và đấu tranh thống nhất ở miền Bắc ông có “Tình trong lá thiếp”, “Những ánh sao đêm”, cùng các bài hát cho thiếu nhi “Đội kèn tí hon”, “Nhớ ơn Bác”... Thời chống Mỹ cứu nước là “Ra tiền tuyến”, “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, “Hành khúc ngày và đêm”, “Bóng cây Kơ-nia”, “Đêm nay anh ở đâu”, “Ở hai đầu nỗi nhớ”, “Giải phóng quân”… Sau ngày nước nhà thống nhất, âm nhạc của ông như càng thăng hoa với nhiều bản tình ca mới: “Sợi nhớ sợi thương”, “Thơ tình cuối mùa thu”, “Tình ca Đămbri”, “Thuyền và biển”… và những ca khúc ca ngợi quê hương: “Quảng Nam yêu thương”, “Hát về thành phố quê hương”… Ông thật hạnh phúc khi có nhiều bài hát bất tử qua thời gian.
Phan Huỳnh Điểu là một nhạc sĩ tình cảm và hóm hỉnh. Mỗi lần tôi có dịp gặp ông, ông không chỉ bắt tay mà còn ôm như ôm một đứa em lâu ngày gặp lại. Tôi còn nhớ lần đầu tiên gặp ông ở nhà chị Thu Hương em gái nhà thơ Thúy Bắc cạnh đài TNVN, lúc đó tôi đã có bài hát “Làng quan họ quê tôi”, còn ông thì đang có bài hát mới “Sợi nhớ sợi thương” phổ thơ Thúy Bắc rất nổi. Tôi ngỏ lời mời ông và chị Hương đến tôi chơi. Trưa hôm sau, đúng hẹn, ông và chị Hương cùng đến căn phòng tập thể của tôi tại khu nghệ sĩ quân đội ở Vân Hồ. Thấy tôi chuẩn bị bữa cơm có cả rượu làng Vân, ông ngạc nhiên lắm. Vì ông không nghĩ là tôi lại tự nấu được một bữa cơm đón khách. Từ đó, nhiều lần từ Sài Gòn ra Hà Nội ông đều ghé thăm tôi và rủ đi ăn phở.
Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo (ngoài cùng bên phải) chụp kỷ niệm cùng nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu (giữa) năm 2010
Trong nhiều câu chuyện ông kể, tôi nhớ nhất là trường hợp ông phổ bài thơ của Dương Hương Ly, bài “Cuộc đời vẫn đẹp sao”. Tên bài thơ nguyên gốc là “Bài thơ tình yêu”. Năm 1969 ông và nhà thơ Dương Hương Ly (tức Bùi Minh Quốc) cùng ở tiểu ban Văn nghệ thuộc ban Tuyên Huấn khu ủy Khu Năm và ông được nhà thơ tặng cho bài thơ mới sáng tác. Sau đó vài tháng, Vợ nhà thơ là nhà văn Dương Thị Xuân Quý hi sinh ở Quảng Nam. Ông thích bài thơ này và rất thương Quốc nhưng chưa phổ nhạc được. Đến năm 1970, ông bị bệnh sốt rét gầy yếu quá, được đưa ra Bắc chữa bệnh, và trên giường bệnh, ông đọc lại bài thơ mang theo. Đến đoạn “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao…” thì bỗng dưng ông hát lên và thấy người như khỏe hẳn. Ông lấy giấy bút phổ đoạn cuối bài thơ thành bài hát, và lấy câu thơ đặt tên cho tác phẩm mới của mình. Hôm sau, ca sĩ Quốc Hương vào bệnh viện thăm ông, ông khoe bài hát mới. Quốc Hương cầm về nhà tập hát. Tuần sau ca sĩ trở lại, ông đã ôm guytare hát cùng Quốc Hương, khiển cả bác sĩ, y tá và bệnh nhân ùa đến nghe và vỗ tay tán thưởng. Ông nói, bài hát đã xua đi cả bệnh tật và đau buồn bởi sự lạc quan và yêu đời.
Nghe ca khúc Phan Huỳnh Điểu ta luôn gặp cảm xúc trữ tình sâu lắng với những âm điệu giàu chất dân ca và vô cùng trau chuốt. Ngay cả những bài hành khúc của ông cũng đậm chất trữ tình lạc quan. Trông bề ngoài ông hiền lành thế nhưng thực ra ông là một nhạc sĩ có cuộc sống nội tâm sâu sắc. Chính cuộc sống nội tâm đó mà dù khi tuổi đã cao, những sáng tác âm nhạc của ông vẫn cảm hóa được công chúng đông đảo, như một sức mạnh của tình yêu truyền thổi vào trái tim người. Đôi lúc người ta khen ông là “gừng càng già càng cay” quả cũng không sai.
Và ông đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT.
Nhưng nếu nghe ông tâm sự về nghề, về nghiệp, tôi thấy rất thương ông. Ông bảo, làm nhạc cả đời mà có lúc muốn làm một cái Album tự chọn, lại không có tiền. Bây giờ có ca sĩ mới nổi đã bỏ bạc tỷ để làm Album, tự quảng cáo rùm beng, vậy mà cả đời mình, điều đó chỉ là giấc mơ thôi.
Giờ người nhạc sĩ tài hoa đã ra đi, giấc mơ của ông vẫn còn đó. Nhưng tôi nghĩ là Phan Huỳnh Điểu cũng đã trả xong món nợ cuộc đời bằng chính những bài hát bất hủ mà ông để lại. Trong niềm nhớ thương ông, tôi nghe lại bài hát “Những ánh sao đêm” do NSND Quốc Hương hát từ hơn nửa thế kỷ trước. Nghe đến câu “…càng yêu em, anh càng hăng say xây cho nhà cao cao mãi”, tôi lại nhớ một lần ông đã vui đùa: “Càng yêu em anh càng hăng say viết nhiều bài ca hay hơn nữa”. Nhưng ông đã vĩnh viễn ra đi…
Hà Nội, 29.6.2015
Mời độc giả lắng nghe ca khúc Đoàn giải phóng quân - sáng tác: Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu