Cuộc đời ca sĩ tình nguyện trông đền thờ Tổ cho Hoài Linh
- Văn hóa - Giải trí
- 23:49 - 15/01/2017
Mẹ mất, cảm hứng trong âm nhạc cũng chết theo
Tôi học trường thể dục thể thao, chưa từng nghĩ sẽ trở thành ca sĩ dù công việc ca hát không chuyên khi đó cũng đủ nuôi sống đời sinh viên. Tôi nghĩ nghề này chọn mình thì đúng hơn. Sau khi tốt nghiệp ra trường, tôi qua Liên Xô nhưng đến năm 1991, tôi quyết định về Việt Nam.
Về nhà cũng chẳng biết làm gì, thấy buồn nên mấy anh lập ban nhạc, đi hát cho vui. Thời đó có Ngọc Sơn, Minh Thuận, Nhật Hào, Bảo Trang… rất nổi tiếng vì hát nhạc nhẹ. Ban nhạc Sao Đêm gồm có tôi, Huy Tùng và Quốc Hưng chuyên hát nhạc quốc tế, đặc biệt là rock. Khán giả nước ngoài khá yêu thích.
Một thời gian, Huy Tùng có ý định rời nhóm. Lúc đó bạn trai Phương Thanh đến gặp tôi nhờ giới thiệu show cho cô ấy, tôi quyết định đưa vào nhóm luôn. Phương Thanh hát được nhiều dòng nhạc, từ rock đến dân ca nên Sao Đêm phất lên, nổi tiếng khắp các sân khấu thời ấy. Nhưng khi đã có thành công nhất định, Phương Thanh muốn tách riêng để phát triển con đường của riêng mình.
Nguyên Lộc (thứ 2 từ trái sang) phụ Hoài Linh đón tiếp đồng nghiệp trong ngày khánh thành nhà thờ Tổ nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thành.
Chúng tôi hụt hẫng lắm nhưng vẫn phải chấp nhận để cô ấy bơi ra biển lớn. Nhưng cũng nhờ vậy, sau Phương Thanh tôi tiếp tục tìm kiếm một giọng ca nữ khác. Lúc đó tôi tìm được Phương Thùy, lập thành nhóm song ca nổi đình nổi đám.
Giai đoạn đỉnh cao của tôi kéo dài từ 1992-1994 mà lúc bấy giờ người ta hay gọi là nhóm sóng thần, bão biển. Bởi vì tôi có lợi thế về ngoại ngữ, từ tiếng Nga, Tây Ban Nha, Anh và thậm chí là Thái Lan hay Campuchia nên thường dịch lời Việt cho các ca khúc nhạc ngoại.
Sau đó, tôi chịu cú sốc lớn nhất trong đời khiến tôi như rơi xuống vực thẳm. Năm 2009, mẹ mất nhưng tôi không đối diện được với sự thật này. Đêm nào tôi cũng lên sân khấu nhảy tưng tưng, cuồng nhiệt theo từng giai điệu của rock nhưng thực chất lòng tôi đau như xé.
Mỗi lần đến điểm hát, tôi òa lên khóc nức nở vì nỗi nhớ mẹ cứ theo tôi không nguôi. Việt Hương lúc đó chứng kiến nỗi đau của tôi, cứ chạy đến ôm tôi dỗ dành.
Tình trạng đó kéo dài suốt mấy năm, chứng trầm cảm của tôi ngày càng nặng hơn, tưởng chừng không thể cứu vãn. Tôi như người vô tri, không ý thức được mình đang làm gì vì không có phương hướng, mục tiêu trong cuộc sống. Vốn là dân thể thao, vậy mà cơ thể của tôi tiều tụy, xơ xác đến không tưởng.
Mất dần cảm hứng trong âm nhạc, bởi lên sân khấu mà tôi không cảm nhận được mình đang làm gì. Tôi không thể chấp nhận sự thờ ơ của mình nên quyết định nghỉ hát. Khi đó, tôi tự động viên mình, đi hát cũng đã nhiều, tiền kiếm được cũng đã báo đáp sự phụng dưỡng của mẹ, giúp đỡ anh chị em nên giờ đã đến lúc nghỉ ngơi.
Nhưng khi nghỉ hát, thời gian trống trải lại càng nhiều. Tôi chới với, không còn thiết tha gì đến sự sống. Hoài Linh sợ tôi làm chuyện ngu ngốc nên khuyên tôi nên đi hát trở lại, hát ở tỉnh cũng được để vơi nỗi buồn.
Nhưng ngày mình còn ở đỉnh cao, sân khấu lung linh, khán giả lại cuồng nhiệt nên khi về tỉnh, nhìn thấy mọi thứ nhố nhăng, tôi càng thêm chán nản. Một lần, từ Quy Nhơn về, tôi quyết định nghỉ hẳn và lên khách sạn để tự tử. Nhưng may mắn, có người đã ngăn cản.
Thời gian này, bệnh trầm cảm của tôi ngày càng trở nặng. Tôi phải nhờ đến tụng kinh mỗi ngày mới ngủ được, tinh thần thì bấn loạn. Tôi quyết định xa Sài Gòn, định không nói cho một ai nhưng Hoài Linh nhạy cảm nên hỏi tôi “ngày nào anh đi”. Khi tôi đi Campuchia, nơi tôi được sinh ra, Linh tặng tôi con chó để có người bầu bạn.
Qua đó, tôi gặp được vợ chồng người Việt, chứng kiến những thăng trầm của họ, tôi càng phục hơn nữa. Họ biết tình trạng của tôi, sáng nào cũng gọi tôi dậy sớm để cùng đạp xe với những người bạn. Vợ chồng ấy đã chữa tâm bệnh của tôi bằng thân bệnh. Chỉ 2 tuần sau, cơ thể tôi phấn chấn trở lại, nỗi đau về tinh thần dần tan biến. Tôi mang ơn họ vì mình như được tái sinh lần nữa.
Vì Hoài Linh rời bỏ cuộc sống an nhàn ở Campuchia
Tôi quyết định gắn bó với mảnh đất ở Campuchia vì nhịp sống nơi đây rất chậm, phù hợp với tình trạng của tôi. Hoài Linh lên đây 3, 4 lần để khuyên tôi trở về và trông nom đền thờ Tổ. Nhưng tôi từ chối.
Một ngày, Hoài Linh nhắn tin tâm sự thèm cảm giác ngày xưa, đi diễn xong mấy anh em về tụ họp. Giờ chỉ còn lại hư danh, những lúc buồn không biết tâm sự cùng ai. Tôi nghe như ai đang bóp trái tim mình, nhói lòng không chịu được nên tôi ôm đồ về Việt Nam.
Tôi theo Hoài Linh ra đoàn phim hay đến phim trường để quay game show, chứng kiến tốc độ làm việc của Linh, tôi kinh hoàng quá. Nhiều lúc quay phim đến nửa đêm lại ở ngay nghĩa địa nên mình cũng phải ngủ bờ ngủ ruộng theo.
Nhiều lúc tôi nghĩ, mình có sai lầm không khi từ bỏ cuộc sống an nhàn ở Campuchia. Nhưng sau vài ba tháng, tôi lại thấy thích cuộc sống bận rộn thế này.
Toàn cảnh nhà thờ Tổ của Hoài Linh nhìn từ trên cao. Ảnh: Duy Hiếu.
Tôi biết tâm nguyện xây đền thờ Tổ nghiệp của Hoài Linh từ mười mấy năm trước. Khi ấy, Linh đến một nơi thờ tự nhưng người ta chỉ cho nghệ sĩ nổi tiếng vào. Hoài Linh nói với tôi, em sẽ xây nhà thờ cho tất cả anh em nghệ sĩ và quần chúng vào.
Tôi về đúng lúc đền thờ động thổ nên tôi xung phong xuống trông coi. Hoài Linh rất tinh nên hỏi lại có chắc không vì tính cậu ấy không thích ép buộc ai.
Ngày tôi xuống nhà thờ, bao nhiêu người đang khởi công nên rất háo hức. Đến ngày khánh thành, mấy trăm người tụ tập nên tôi chưa biết được viễn cảnh của sự tĩnh lặng. Hai ngày sau khi khánh thành, mọi người về hết, chỉ còn lại tôi và 3 người nữa trông coi. Mọi thứ rơi vào tĩnh mịch, lúc đó tôi mới bắt đầu lo sợ.
Chỉ có 4 người với 7.000 m2, phải làm thế nào bây giờ. Điều đó khiến tôi chịu nhiều áp lực, không phải Hoài Linh sẽ buồn vì mất mát mà lo mình đánh mất niềm tin của em. Chỉ mấy ngày, tôi đã sụt 4 kg vì ngủ không được.
Nhưng giờ tôi không còn lo mất trộm nữa vì khắp nơi đều gắn camera báo động, việc chăm sóc vườn tược, nhà thờ cũng có người làm. Bây giờ, tôi lại yêu thích cuộc sống nơi đây vô cùng.
Tôi thường thức dậy lúc 4h, khi mọi vật và con người đều chìm trong giấc ngủ, chỉ có màn sương bao phủ, cảnh vật lúc đó rất thiêng liêng. Tôi thường tự nói thiên đường là đây chứ đâu.
Nên giờ, khi nào có việc cần thiết lắm tôi mới về Sài Gòn, còn không tôi chỉ muốn ở đây. Tôi nghĩ phải có duyên và phước, mình mới được ở đây.
Hoài Linh dặn nghệ sĩ xuống lúc nào cũng phải mở cửa
Xây đền thờ Tổ xong, Hoài Linh dặn tôi: “Nhà thờ này là của anh em nghệ sĩ, tiền bạc của khán giả xây nên, không phải của em. Nếu anh có sức, cứ mở cửa cho mọi người xem”. Tôi quyết định sẽ mở cửa 4 ngày chủ nhật trong tháng và ngày mùng 1, 15 hàng tháng để bà con vào viếng.
Sau này, Linh còn dặn thêm: “Nghệ sĩ giờ giấc không giống ai, đứa em nào xuống dù nổi tiếng hay không, anh cũng cho vào bởi vì đây là đền của nó, không phải của anh em mình đâu”.
Nguyên Lộc nói Hoài Linh sống thấu tình đạt lý, nói chuyện với người hơn tuổi một mực dạ thưa. Ảnh:Nguyễn Thành.
Tôi làm bất kỳ việc gì cũng thông qua Hoài Linh nhưng tính cậu ấy rất dân chủ, không ép buộc ai bao giờ. Một hôm, tôi nhận tin nhắn của Hoài Linh: “Em không nói ra nhưng em rất thương anh em ở dưới này”, bấy nhiêu thôi đã đủ rồi.
Người ta bảo vì xây đền thờ Tổ mà Hoài Linh lao lực, chạy sô nhưng 5 năm trước cậu ấy đã nhiều show rồi. Thời gian xây đền thờ Tổ, chắc vì ở trên thương nên Linh càng đắt show hơn nữa. Nhưng cái số của cậu ấy đã vậy, ăn kham khổ, ngủ vật vờ và sức chịu đựng thì ai cũng bái phục.
Hàng ngày, tôi đều thắp hương xin Tổ xóa bỏ lời nguyền không đi hát. Tôi biết mình không thể “ăn mày dĩ vãng” nhưng vẫn muốn thỉnh thoảng đi hát cho vui.