THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 06:37

Cước 3G tăng, chất lượng phải tăng!

Nhiều dấu hiệu cho thấy cước 3G tại Việt Nam hoàn toàn có thể tăng trong thời gian tới khiến không ít người dùng lo lắng. Trong khi đó, chất lượng, tốc độ, cách trừ tiền cước... của các nhà mạng lâu nay vẫn bị nhiều người dùng phản ánh là không tốt, khó hiểu và gây bức xúc.

Chuẩn bị tăng cước 3G?

Ngày 23-4, báo cáo “Nghiên cứu sự hài lòng của người dùng 3G tại Việt Nam năm 2014” do hãng nghiên cứu thị trường GFK và Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) cùng các nhà mạng công bố khiến người dùng băn khoăn. Theo kết quả khảo sát, chỉ 8% người được hỏi chọn mục “Không đồng ý tăng”, 92% chọn các đáp án đồng ý tăng theo nhiều mức khác nhau. 

Nhiều người dùng than phiền về chất lượng mạng 3G trên điện thoại di động

Nhiều ý kiến cho rằng câu hỏi khảo sát đã “bẫy” người trả lời nên kết quả không thể hiện chính xác quan điểm của người dùng là muốn tăng cước 3G hay không, thay vì muốn tăng ở mức nào.

Ngay sau báo cáo nêu trên được công bố, đại diện các nhà mạng cho biết chưa có phương án tăng cước 3G. Song, theo các chuyên gia viễn thông, việc tăng cước 3G sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Trả lời về vấn đề này, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son cho biết: “Hiện nay, các loại cước phí của chúng ta đang bán dưới giá thành. Việt Nam là một trong những nước có giá cước 3G rẻ. Tăng giá là cần thiết nhằm bảo đảm cho nhà cung cấp dịch vụ có lãi để đầu tư hạ tầng. Thị phần dịch vụ 3G của Viettel là khoảng 50%, VinaPhone 21%, MobiFone 18% và các nhà mạng khác chiếm phần còn lại nên các nhà mạng bán giá thấp để cạnh tranh. Chính phủ đã yêu cầu không bán dưới giá thành, bán bằng giá thành để doanh nghiệp có nguồn thu để tái đầu tư. Tuy nhiên, thời gian qua, các nhà mạng vẫn có lãi vì vẫn sử dụng dịch vụ trên nền 2G. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ việc tăng giá theo đúng quy định của pháp luật”.

Ở các lần tăng cước 3G gần đây nhất vào tháng 4 và tháng 10-2013, các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone đều viện dẫn là do giá dịch vụ bán ra chỉ bằng 35%-68% giá thành.

Chất lượng vẫn bỏ ngỏ

Năm 2013, một báo cáo của hãng Nielsen cho biết chỉ số hài lòng của người dùng đối với chất lượng dịch vụ 3G giảm từ 71/100 điểm năm 2011 xuống còn 64 điểm vào năm 2012. Còn theo báo cáo mới nhất ngày 23-4-2015 cũng của Nielsen, 57% người dùng muốn nhà mạng cải thiện tốc độ đường truyền và chỉ 55% số người dùng hài lòng với dịch vụ 3G.

Trong đợt tăng cước 3G vào tháng 10-2013, các nhà mạng cho hay giá thành trung bình kế hoạch của năm 2013 đối với dịch vụ 3G là 167,66 đồng/MB (chưa tính thuế GTGT) và 184,4 đồng/MB (gồm thuế GTGT). Trong khi đó, giá cước trung bình trên thị trường là 100 đồng/MB (gồm thuế GTGT), chỉ bằng 54% giá thành. Giá cước sau đợt điều chỉnh này trung bình là 111 đồng/MB, chỉ bằng 34,9% so với mức giá của khu vực ASEAN (318 đồng).

So sánh tương đối theo thu nhập bình quân đầu người (GNI) thì giá cước 3G của Việt Nam (4,8 USD) chỉ bằng 18% (trả trước) và 27% (trả sau) so với mặt bằng chung thế giới, bằng 34% (trả trước) và 57% (trả sau) so với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các nhà mạng đã viện dẫn các số liệu này và cho rằng cước 3G của Việt Nam rẻ nhất nên việc tăng giá vào lúc đó (tháng 10-2013) là hợp lý.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia viễn thông, mỗi quốc gia có cơ sở hạ tầng mạng 3G, số lượng thuê bao, mức sống, thu nhập... khác nhau. Tốc độ mạng 3G ở Nhật Bản, Hàn Quốc... hoàn toàn vượt trội so với Việt Nam nên việc cho rằng cước 3G trong nước rẻ hơn chỉ là nhận định để tham khảo chứ không thể dùng làm cơ sở tăng giá. Chưa kể sau vài năm triển khai, chưa có nhà mạng nào chính thức công bố cụ thể thông tin về hạ tầng, chất lượng, tốc độ... của mạng 3G thực tế sử dụng có đúng chuẩn như họ cam kết hay không. Cơ quan quản lý cũng chưa có bất cứ báo cáo đo kiểm công khai, cụ thể nào về chất lượng thật của dịch vụ 3G tại Việt Nam.

Giám đốc một siêu thị điện thoại tại TP HCM băn khoăn: “So với các nước châu Á, cước 3G của Việt Nam rẻ hơn, phủ sóng rộng. Tuy nhiên, tốc độ mạng 3G vẫn còn chập chờn, lúc thấp lúc cao, trừ tiền cước rất nhanh, gây bức xúc cho người dùng. Nhiều người dùng khi mua sim thì dịch vụ 3G đã kích hoạt sẵn nên bị trừ tiền mà không hề hay biết. Bộ phận chăm sóc khách hàng xử lý và giải đáp thắc mắc cho khách hàng rất chậm chạp, chưa thỏa đáng. Vì thế, người dùng đòi hỏi nếu cước 3G tăng thì chất lượng cũng phải tăng”.

Kiến nghị tăng cước truyền hình trả tiền

Theo đề án quản lý giá sàn dịch vụ truyền hình trả tiền vừa được Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) gửi lên Bộ TT-TT, phương thức tính giá sàn hằng tháng của dịch vụ truyền hình trả tiền được phân chia theo các dịch vụ truyền hình sử dụng các công nghệ khác nhau.

Truyền hình analog có 2 mức giá, gồm: gói cơ bản 40-45 kênh có cước 60.000-65.000 đồng/tháng; gói 65-72 kênh có cước 90.000 đồng. Truyền hình cáp HD (độ nét cao) với 110-120 kênh có giá 180.000 -220.000 đồng; gói kênh truyền hình số mặt đất với 75-85 kênh được đề xuất 65.000-80.000 đồng. Truyền hình số vệ tinh được đề xuất 3 mức giá sàn: 90.000 đồng, 180.000 đồng và 250.000 đồng. Các gói kênh với dịch vụ truyền hình IPTV (truyền hình internet) được đề nghị mức 85.000-90.000 đồng.

Với mức giá sàn mà VNPayTV đề xuất, một số gói cước cao hơn khá nhiều so với mức mà các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đang áp dụng. Chẳng hạn, với dịch vụ truyền hình vệ tinh, Truyền hình An Viên (AVG) đang cung cấp gói cơ bản 70 kênh với mức cước 33.000 đồng/tháng, thấp hơn 32.000 đồng so với giá sàn; gói A dịch vụ truyền hình số mặt đất có mức cước chỉ 20.000 đồng. Truyền hình số vệ tinh của K+ có gói cước thấp nhất là 85.000 đồng, thấp hơn giá sàn 5.000 đồng.

Tương tự, với truyền hình cáp, các nhà cung cấp như VTVcab, SCTV, HCATV, Viettel... đều có mức cước dịch vụ thấp hơn giá sàn mà VNPayTV đề nghị. V.Vinh

Theo Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh