Cúng ông Công ông Táo vào giờ nào để nhiều may mắn?
- Y học 360
- 15:22 - 31/01/2016
Ngày nay nhiều gia đình thường làm mâm cỗ tươm tất trong ngày Tết ông Táo. Ảnh: Hoàng Hà.
Cúng ông Công ông Táo ở đâu cho đúng?
Tục thờ cúng Táo quân bắt nguồn từ văn hoá Trung Hoa ảnh hưởng sang Việt Nam, ở Trung Quốc, người ta không cúng vào ngày 23, còn ở nước ta, thống nhất là vào ngày 23 tháng chạp hàng năm. Người cho rằng đó là thời điểm kết thúc một năm lao động, hoàn tất mọi công việc bận rộn của một năm để tiễn Táo quân lên báo cáo trên Thiên đình.
Người Việt xưa cho rằng: Trong mỗi gia đình đều có vị Thần Bếp hay còn gọi là Thần Táo Quân trông nom cuộc sống của họ. Theo quan niệm, Thần Táo quân bao gồm ba vị Thần Táo định đoạt phước đức cho gia đình. Đó là hai Táo ông và một Táo bà.
Táo thần là người biết hết mọi chuyện lớn bé, xấu tốt trong nhà gia chủ vì theo nếp sinh hoạt của người Việt, căn bếp là nơi mà các thành viên trong gia đình quây quần, đoàn tụ sau mỗi ngày làm việc. Căn bếp cũng là nơi mà mọi người sưởi ấm, chuyện trò với nhau. Do đó, thần Táo có thể nghe, chứng kiến tất cả những điều đó. Tất cả mọi chuyện sẽ được báo cáo lên Thiên giới. Vì vậy, trước khi tiễn ông Công ông Táo lên chầu Trời, mỗi gia đình cần phải chuẩn bị một mâm cỗ đầy đủ để tiễn các thần đi.
Cúng ông Công ông Táo thế nào cho đúng? |
Chia sẻ về việc nên cúng ông Công ông Táo ở bếp hay ban thờ gia tiên, Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Lý học Đông phương chia sẻ trên Báo Gia Đình và Xã Hội: Các gia đình thường cúng ông Công, ông Táo trên bàn thờ gia tiên, nhưng thực tế đây là hai vị thần khác nhau.
Ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà còn ông Táo là 3 vị đầu rau trông coi việc bếp núc trong gia đình. Lễ cúng 23 tháng Chạp là lễ tiễn chung ông Công, ông Táo về chầu trời, việc mọi người gộp chung cúng trên bàn thờ là chưa đúng. Trong ngày này, ông Táo phải được cúng dưới bếp, còn ông Công được cúng trên bàn thờ chính trên nhà cùng với gia tiên mới đúng.
Lễ vật cúng Táo quân
Mâm cỗ cúng Táo quân gồm: Một mâm cỗ mặn hoặc cỗ chay, bánh kẹo, trầu cau, rượu, hương thơm, hoa quả, ba bộ mũ áo, hia hài Táo Quân và cá chép. Theo quan niệm dân gian, cá chép là phương tiện mà Táo thần sử dụng để cưỡi lên trời bởi người ta tin rằng cá chép có thể hoá rồng.
Cá chép cũng là con vật gắn với đời sống lao động sản xuất của người Việt từ xưa là đánh bắt thuỷ sản.
Việc sắm lễ này phải đầy đủ và chu đáo, tuy nhiên phải tránh lãng phí tiền bạc và không nhất thiết phải mua sắm nhiều lễ, đặc biệt là mua vàng mã. Mọi việc là do thành tâm, chứ không phải do mâm cao cỗ đầy mới tỏ lòng được với thần thánh.
Sau khi chuẩn bị mâm cỗ cúng, người ta cũng cần chuẩn bị bài cúng ông Táo.
Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa, sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng đồ lễ, nếu có cá sống thì sẽ đem thả xuống sông, hồ, biển hay giếng nước, tùy theo khu vực họ sinh sống.
Trong truyền thuyết, cá chép là phương tiện duy nhất có thể đưa Táo Quân về trời. Bởi thế, vào ngày này, sau khi làm lễ xong, các gia đình đều cúng con cá chép rồi đem ra sông hay ra ao thả, ngụ ý “cá hóa long”, nghĩa là cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo quân cưỡi về trời.
Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.
Phóng sinh cá chép ngày Tết ông Công ông Táo không chỉ là một nét đẹp văn hóa, đồng thời còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam.
Cúng ông Công ông Táo vào giờ nào để nhiều may mắn?
Có ý kiến cho rằng tối ngày 22 hoặc sớm ngày 23 tháng Chạp là thời gian thích hợp nhất để cúng ông Công ông Táo, nhưng cũng có ý kiến giữa trưa ngày 23 mới là thời điểm đẹp nhất. Vào ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hàng năm, các gia đình thường làm cơm cúng, tiễn ông Công ông Táo về trời. Theo quan niệm dân gian, ông Công là vị thần cai quản đất đai, Táo quân (gồm 2 ông, 1 bà) cai quản việc bếp núc trong gia đình. Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các vị thần này sẽ bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra tại gia đình trong năm vừa qua với Ngọc Hoàng. Theo quan niệm dân gian, Lễ cúng tiễn đưa Ông Táo chầu Trời thường được cúng vào tối ngày 22 tháng Chạp Âm lịch hàng năm, hoặc sáng ngày 23. Trong đó thời gian được cho là đẹp nhất là vào buổi sáng ngày 23, nếu gia chủ bận công việc thì cũng phải hoàn thành việc thờ cúng trước 12 giờ trưa 23 tháng Chạp vì người Việt quan niệm phải kịp giờ để ông Táo lên thiên đình. Nếu trưa, chiều 23 tháng Chạp mới cáo lễ tiễn đưa Ông Táo về Trời, e rằng Ông Táo sẽ không nhận được lễ vật tâm thành của gia chủ. |