THỨ BA, NGÀY 26 THÁNG 11 NĂM 2024 12:59

Cùng lan tỏa yêu thương, giáo dục trẻ em không bạo lực

 

Đây là một hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Chiến dịch “Lan tỏa Yêu thương - Giáo dục không bạo lực” được thực hiện từ tháng 9 - 12/2018, một hoạt động của Dự án “Tăng cường năng lực các tổ chức xã hội về quản trị quyền trẻ em” do Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế (Save The Children International) tài trợ.

Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Nguyễn Thị Nga phát biểu tại ngày hội.

 

Sự kiện nhằm mục đích truyền thông nâng cao nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên và công chúng về chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử với trẻ em. Sự kiện đóng góp cho việc thực hiện chỉ tiêu 16.2 về chấm dứt các hình thức xâm hại, bạo lực, buôn bán, bóc lột, tra tấn trẻ em trong mục tiêu số 16 của Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Ngày hội, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Nguyễn Thị Nga nhấn mạnh tầm quan trọng của các bên liên quan trong bảo vệ Trẻ em khỏi các hình thức trừng phạt thể chất và tinh thần, trong đó sự tham gia của gia đình và nhà trường giữ vai trò chủ đạo, đảm bảo bảo vệ trẻ em được tốt hơn. Bà Nga cho rằng: “Cần tăng cường công tác truyền thông để thay đổi quan niệm “thương cho roi cho vọt”. Để trẻ có thể khôn lớn trong một môi trường thực sự an toàn, lành mạnh và thân thiện thì thay bằng việc sử dụng các hình phạt với trẻ, hãy dành yêu thương cho trẻ, áp dụng biện pháp giáo dục tích cực, cùng con tìm giải pháp. Qua đó cũng giúp trẻ hình thành các hành vi tích cực trong quá trình lớn lên và phát triển, biết cách quan tâm, yêu thương đến các thành viên trong gia đình và những người xung quanh”.

Chia sẻ về lý do tổ chức sự kiện, Giám đốc MSD Nguyễn Phương Linh cho biết: “Chúng tôi tin tưởng rằng những đứa trẻ có thể trưởng thành tốt mà không cần đến những hình phạt thể chất và tinh thần hay những phương pháp giáo dục bạo lực. Chúng ta hãy từ bỏ thói quen đánh đòn, quát mắng trẻ, so sánh trẻ với “con người ta” và hãy hướng đến những cách dạy dỗ trẻ tích cực hơn. Hãy để trẻ được sống trong vòng tay yêu thương, để trẻ được phát triển toàn diện, tự tin vào bản thân mình và phát huy được những tố chất, khả năng đặc biệt mà trẻ có”.

Các em nhỏ hào hứng tham gia các trò chơi, trả lời câu hỏi.

 

Trong tiết trời cuối thu mát mẻ, giữa không gian sinh hoạt cộng đồng với nhiều màu sắc vui tươi ở phố đi bộ Hồ Gươm, các gia đình đã cùng tham quan góc truyền thông, chụp ảnh lưu niệm, tham gia các trò chơi tương tác giữa cha mẹ và con, đặc biệt là thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc do các em thiếu nhi Câu lạc bộ Ngọc Trai Việt và nhóm sinh viên tình nguyện biểu diễn. Qua các câu hỏi đố vui, người chơi và khán giả đã có thêm những kiến thức về quyền trẻ em. Các bé đã tự tay vẽ tranh, làm thiệp lan tỏa yêu thương, viết lời nhắn gửi dán lên khinh khí cầu “Lan tỏa yêu thương”… để thể hiện những mong muốn, tình cảm của mình đối với bố mẹ, gia đình. Các trò chơi tương tác như “Nhìn hành động đoán vật”, “Thử thách mức độ hiểu nhau giữa cha mẹ và con” đã giúp các gia đình có những giờ phút thư giãn thoải mái, vui vẻ, qua đó, bố mẹ và các bé cũng đã hiểu suy nghĩ của nhau hơn. Và từ đây về sau, bố mẹ và các bé sẽ chia sẻ với nhau nhiều hơn nữa về những tâm tư, tình cảm của mình, thắt chặt thêm tình cảm gắn bó gia đình.

“Chương trình có nội dung gần gũi và mang tính thực tế khi đề cập đến “giáo dục không bạo lực” và tạo ra được không gian kết nối cho bố mẹ và các con. Thực ra, nhiều khi vì áp lực trong công việc và cuộc sống hằng ngày, không kiềm chế được thì tôi cũng có nặng lời, quát to với các con. Sau đó, chính bản thân lại cảm thấy áy náy và rất thương các con khi nghĩ đến cảm giác của các con lúc đó. Các con có thể tự ái, bị tổn thương bởi chính những lời nói nặng lời của mình. Và chính mình cũng dần tự rút kinh nghiệm cho bản thân bởi yêu thương thực sự mạnh hơn những lời quát mắng”, chị Mai, một phụ huynh tại Hà Nội tham gia sự kiện chia sẻ.

Tại sự kiện, bố mẹ và các bé cũng cùng nghe chia sẻ về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Tổng đài thực hiện chức năng tư vấn qua điện thoại bằng việc tiếp nhận, phân loại thông tin báo cáo từ người dân và nhiều nguồn khác về các trường hợp trẻ em cần được bảo vệ; tiếp nhận, cung cấp, giải đáp thông tin cho trẻ em và cha mẹ về các vấn đề của trẻ em; tư vấn sâu về tâm lý, chính sách cho trẻ em và kết nối can thiệp, bảo vệ trẻ em.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh