Cùng con vượt qua rắc rối tuổi “teen”
- Y học 360
- 15:37 - 19/02/2017
Thời thế nào thì xã hội vẫn hướng tới duy trì đạo đức, giáo dục nhân cách mà gia đình là nền tảng căn bản. Những đứa trẻ được quan tâm chăm sóc đầy đủ từ cả bố và mẹ sẽ là những đứa trẻ tự tin, vui vẻ, hoạt bát, biết cách giải quyết tình huống. Tuổi “teen”, tuổi hay gặp nhiều vấn đề rắc rối nhất thì không ai không biết, bài viết dưới đây sẽ giúp các bậc cha mẹ có thêm kinh nghiệm để cùng con vượt qua giai đoạn đầy âu lo, khúc mắc này.
Đối diện với các rắc rối của “teen”
“Teen” là những người đang ở độ tuổi thanh thiếu niên từ 13 - 19 tuổi, vì trong độ tuổi này tiếng Anh đọc: thirdteen - nineteen nên giới trẻ hiện nay mới gọi luôn là tuổi “teen”.
Trong những năm gần đây, khi đời sống vật chất được nâng cao, trẻ được ăn uống đầy đủ nhưng lại ít hoạt động thể lực, năng lượng dư thừa, công nghệ thông tin phát triển, hàm lượng melatonin trong não giảm do trẻ xem tivi và chơi game trên máy tính quá nhiều là yếu tố thúc đẩy nhanh sự phát triển cơ thể, sinh lý của trẻ. Trẻ phát triển nhanh, sự chín muồi về mặt thể chất với bản năng tính dục tự nhiên trong khi sự chín muồi về mặt hiểu biết xã hội chưa có dẫn tới sự mất cân bằng. Sinh lý phát triển sớm nhưng tâm lý lại chưa phát triển kịp. Trong giai đoạn này, “teen” chịu nhiều ảnh hưởng từ môi trường xung quanh nhất là bạn bè. Trẻ càng lớn, nói cách khác khi trẻ đang lớn lên thì các ảnh hưởng của cha mẹ giảm dần còn ảnh hưởng từ bạn bè lại tăng lên. Bạn bè cùng tuổi đã thay thế gia đình để trở thành trung tâm của các hoạt động xã hội, vui chơi của “teen”.
Mối quan hệ gần gũi, thân thiện giữa cha mẹ và con cái sẽ giúp con bạn vượt qua giai đoạn khó khăn của tuổi “teen” (ảnh minh họa).
Bạn bè là một phần quan trọng của tuổi “teen”, giao tiếp với bạn bè là cách để “teen” chuyển từ trẻ con sang người lớn, tạo dựng tính độc lập, muốn thể hiện mình... Vì vậy cần biết bạn bè của con mình là ai và cố gắng tìm hiểu chúng. Hãy từ bỏ ý nghĩ là bố là mẹ mà hãy như bạn của con để ngồi xuống bàn “nói sao cho con nghe - nghe sao cho con nói”.
Cân bằng giữa trưởng thành sinh lý và trưởng thành xã hội
Một thực tế đáng buồn, Việt Nam hiện là một trong 5 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, đặc biệt tỷ lệ phá thai trong độ tuổi vị thành niên không ngừng gia tăng. Theo thống kê trong những năm gần đây của Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho thấy, mỗi năm cả nước có khoảng 1,2 triệu đến 1,6 triệu ca nạo phá thai; trong đó 20% là ở lứa tuổi 13-19. Vì thế ở lứa tuổi này nếu cha mẹ mà lảng tránh đến vấn đề tình dục trong việc giáo dục giới tính cho con cái là một sai lầm! Hay nếu có đề cập thì chỉ ở mức độ phê phán, chưa có tính khoa học y học, chưa phân tích logic để các em hiểu và có thái độ ứng xử tích cực.
Vẫn biết nói về tình dục và sinh sản với các em ở lứa tuổi này không phải dễ dàng gì, bạn hãy nhớ lại thời kỳ bạn trải qua lứa tuổi này để hiểu rõ hơn những gì con bạn thực sự cần. Tìm cơ hội để có thể nói với con hoặc bạn có thể mua các sách hướng dẫn về giới tính, tình yêu, tình dục để các em tự đọc. Quan trọng là bạn đừng quên chú ý xem con bạn đang xem gì, đọc gì, nghe gì... Các phương tiện truyền thông không phải lúc nào cũng phù hợp và hữu ích.
Xây dựng mối quan hệ thân thiện, gần gũi với con cái
“Teen” nghe lời bạn bè hơn là cha mẹ. Luôn quan tâm đến bạn bè và các mối quan hệ của “teen”, phân tích và đưa ra những mặt tốt, mặt xấu mà chính con hoặc bạn bè của con mắc phải. Xây dựng cho “teen” sự tự tin, khả năng quyết đoán. Một đứa trẻ có thể tự đưa ra quyết định của mình thì thường ít khi để người khác quyết định thay nó. Chính vì vậy những đứa trẻ này tránh được sự lôi kéo của những người bạn không tốt hay những cám dỗ tiêu cực. Bên cạnh đó hãy là một tấm gương tốt, giáo dục các em bằng chính tình yêu thương và lao động của mình.
Trên thực tế, nhiều cha mẹ không chấp nhận những nhược điểm hay những buồn phiền của con. Cha mẹ cũng thường không kiên nhẫn làm bạn với “teen”, không dành thời gian cho con, nhưng lại luôn đòi hỏi nhiều ở con và so sánh con với những đứa trẻ khác. Đừng cho rằng bạn giỏi toán thì con cũng phải giỏi toán. Hãy tìm hiểu xem sở trường hay khả năng của con bạn là gì từ đó tìm phương hướng giúp con phát huy. Đã có những “teen” mắc chứng bệnh trầm cảm, buồn bã tự tử với những nguyên nhân như “bố mẹ la mắng”, “thất vọng bản thân”, “không còn là đứa con được bố mẹ tự hào”... Tôn trọng “teen”, muốn đòi hỏi ở “teen” thì tốt nhất là không nên đòi hỏi gì cả và đặc biệt nói không với việc lăng nhục, dùng hình phạt hay đánh đập khi con bước vào độ tuổi này. Chính sức mạnh của mối quan hệ gần gũi, thân thiện giữa cha mẹ và con cái sẽ đưa con bạn vượt qua giai đoạn khó khăn này.