THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:59

Cùng chung tay phối hợp để giải quyết vấn đề lao động trẻ em

 

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà tại Diễn đàn Ngày thế giới phòng, chống lao động trẻ em

 

Lao động trẻ em đang là vấn đề toàn cầu và theo ước tính của ILO, có khoảng 152 triệu lao động trẻ em. Lao động trẻ em tồn tại ở mọi lĩnh vực ngành nghề. Việc trẻ em phải lao động sớm đã, đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ em, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chất lượng của nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai. Việc tham gia lao động sớm cản trở trẻ em hướng tới sự phát triển về thể chất, tâm lý, cản trở việc tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, giáo dục phù hợp và việc chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho chính các em.

Chính phủ Việt Nam đã cam kết giải quyết vấn đề lao động trẻ em thông qua việc ban hành hệ thống pháp luật, chính sách về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Để nỗ lực giải quyết vấn đề lao động trẻ em trên toàn cầu, Liên minh 8.7 đã được hình thành là đối tác toàn cầu nhằm cam kết thức đẩy hành động, hành động dựa trên sáng kiến, tạo kiến thức và sử dụng nguồn lực hiệu quả, tập hợp đối tác ở tất cả các cấp nhằm đạt được mục tiêu 8.7. Việt Nam là quốc gia  đầu tiên ở Châu Á tiên phong hình thành liên minh 8.7 để xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu 8.7. trong đó tập trung giải quyết vấn đề lao động trẻ em trong lĩnh vực nông nghiệp và giáo dục đối với lao động trẻ em. 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho rằng: “Để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, cần có sự chung tay tham gia tích cực của tất cả xã hội, từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội đến các gia đình, cộng đồng”. Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam trong thời gian qua đã được Nhà nước rất quan tâm đầu tư. Việt Nam đã tham gia, phê chuẩn các điều ước quốc tế nhằm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước số 182 của ILO về việc cấm và những hành động tức thời để loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, Công ước số 138 của ILO về tuổi tối thiểu làm việc. Và trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV tháng 6 này, Quốc hội sẽ biểu quyết về việc gia nhập Công ước số 98 của ILO về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong muốn các đại biểu là đại diện các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, các tổ chức sẽ lắng nghe ý kiến của các em và cùng chia sẻ các giải pháp phòng ngừa lao động trẻ em. Đồng thời mong các bạn nhỏ có mặt tại diễn đàn chủ động, nhiệt tình nêu vấn đề, ý kiến, nguyện vọng, các giải pháp để ngăn ngừa trẻ em, các bạn của mình phải làm việc trên những cánh đồng, tạo cơ hội cho chính các em được đến trường học tập, nuôi dưỡng ước mơ.  

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Hội đồng đội trung ương Nguyễn Ngọc Lương nhấn mạnh: “Luật Trẻ em 2016 quy định, Trung ương Đoàn là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và giám sát thực hiện ý kiến, nguyện vọng của trẻ em”. Theo đó, để thực hiện tốt vai trò đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và giám sát thực hiện ý kiến, nguyện vọng của trẻ em, Trung ương Đoàn sẽ tập hợp các ý kiến, nguyện vọng của trẻ em liên quan đến vấn đề phòng, chống lao động trẻ em. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng chống lao động trẻ em, nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật về lao động trẻ em trong cộng đồng, gia đình và người sử dụng lao động. Phối hợp với các cơ quan chức năng tư vấn nghề nghiệp để tạo việc làm, nâng cao thu nhập đời sống gia đình để các em có thời gian học tập, rèn luyện, không để trẻ em phải lao động kiếm sống. Phát huy vai trò của các tổ chức, cộng đồng và xã hội về việc phòng ngừa tình trạng sử dụng lao động trẻ em. Bên cạnh đó, tăng cường sự giám sát của các đơn vị trực thuộc nhằm ngăn ngừa và giải quyết kịp thời tình trạng trẻ em phải lao động sớm, phải làm việc nặng nhọc.

 

Trẻ em tham gia ý kiến tại Diễn đàn.

 

Ông Chang Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam khẳng định, trẻ em không nên làm việc trên đồng ruộng, mà phải được nuôi dưỡng ước mơ! Tầm nhìn của ILO là tất cả trẻ em, cho dù có hoàn cảnh kinh tế như thế nào, đều phải được tự do tiếp cận giáo dục và những kỹ năng cho phép các em mơ ước về một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân, bước vào thế giới việc làm đàng hoàng khi trưởng thành và đóng góp tích cực cho xã hội, cho gia đình và cho cộng đồng. Để làm như vậy, luật pháp và chính sách quốc gia liên quan đến lao động trẻ em đang được rà soát và sửa đổi để đảm bảo sự gắn kết và hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế; các chiến lược nâng cao năng lực và nâng cao nhận thức đang được triển khai trên cả nước và các chương trình đang được xây dựng và khởi xướng để hỗ trợ sinh kế cho các gia đình cần sự trợ giúp đồng thời nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ giáo dục và đào tạo nghề.

 

Trẻ em tham gia các hoạt động tại Diễn đàn.

 

Tại Diễn đàn, 200 thiếu nhi đến từ 11 quận, huyện của thành phố Hà Nội - địa bàn dự án ENHANCE (Dự án hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam), Làng trẻ em SOS Hà Nội và các câu lạc bộ của Cung Thiếu nhi Hà Nội tham gia các hoạt động giao lưu, vẽ tranh nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về vấn đề lao động trẻ em; cùng xây dựng Cây ước mơ để thể hiện nguyện vọng, mong ước về vấn đề này. Đại biểu tham dự Diễn đàn lắng nghe, trao đổi về những tâm tư, nguyện vọng của các em và thể hiện sự quyết tâm, cam kết thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1023/QĐ-TTg ngày 07/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, hướng tới Chương trình nghị sự 2030, cam kết đạt được mục tiêu phát triển bền vững số 8.7 về kêu gọi cộng đồng quốc tế chấm dứt lao động trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2025.

 

Trên cây mơ ước các em đã thể hiện mong muốn: Tất cả trẻ em dù ở thành thị hay nông thôn, miền núi đều được bình đẳng, được cắp sách đến trường.

Không phải lao động sớm, không phải lang thang kiếm sống, không phải làm việc trong môi trường độc hại.

Trẻ em được yêu thương chăm sóc từ gia đình cũng như thầy cô.

Mọi trường hợp bóc lột xâm hại trẻ em đều được pháp luật xử lý nghiêm minh.

Các em cũng bày tỏ mong muốn trẻ em hãy cùng nhau phát huy trí tuệ, tài năng để đóng góp cho sự phát triển của đất nước giàu mạnh.

KHÁNH VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh