THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:28

Của Thiên trả Địa

 

Bởi đất đai màu mỡ, làng đảo chủ yếu trồng lúa, ngô, lạc, và chỉ làm một mùa, nhưng thừa ăn cả năm. Đó là chưa nói đến đánh bắt hải sản, trồng các cây công nghiệp khác. Đời sống của dân trên đảo thanh bình, sung túc, chỉ khổ một năm phải chạy lụt vài ba tháng.

Ngày còn nhỏ, đứng bên làng Ba của tôi, nhìn sang bên làng đảo, thấy những rặng tre ken dày xanh mướt, những bãi bần, những cây ngô đồng sừng sững, cao vút, đám con nít chúng tôi thấy làng Cẩm có cái gì đó huyền bí và xa xăm, tò mò muốn khám phá. Chỉ mất 5 xu tiền đò là có thể sang được, nhưng đám trẻ bọn tôi chẳng dám sang, sợ bọn trẻ bên kia đánh. Cổ nhân có câu: “Chó cậy nhà, gà cậy vườn”, quả đúng với đám con nít chúng tôi ngày ấy. Trẻ con đi qua làng nào, nếu không có người lớn đi cùng, ắt sẽ bị trẻ con làng sở tại, nhẹ thì hăm dọa, nặng thì  đuổi đánh. Chẳng có đứa nào dám đi một mình đến các làng lân cận. Những buổi đi xem phim, xem văn công, hay bóng đá,  đám con nít thường bám theo người lớn, hoặc  đi cả hội. Thế nhưng nhiều hôm  cũng bị bọn trẻ ở các làng  ném đất, đá phải chạy toán loạn. Thậm chí có đứa còn nấp trong bụi rậm, nhân lúc bọn tôi mất cảnh giác, cầm que xông ra vụt vào chân những đứa “đi lạc đội hình” , rồi chạy mất hút. Tôi vẫn nhớ như in những “trận chiến” của đám trẻ làng tôi với đám làng Khải Mông. Mỗi làng hai ba chục đứa choai choai dàn hàng ngang hai bên bờ  hói, địa phận của mỗi làng, trêu chọc, khiêu khích, lăng mạ nhau.  Những hôm nước lên, hai phe đứng hai bên bờ hói tấn “pháo kích” bằng đất đá; những hôm nước rút, hói cạn, cầm gậy gộc đánh giáp lá cà. Hôm bên nào tụ tập được đông “binh sĩ”  hơn là bên đó giành phần thắng. Bên thua cay cú quyết phục thù, hôm sau tụ tập quân, ban đầu chỉ đưa ra khoảng chục đứa khiêu chiến, đám trẻ làng bên  thấy “quân địch” quá mỏng liền đáp trả rất hào hứng. Chờ đến lúc đám quân bên kia say đòn, đội quân khiêu chiến giả thua bỏ chạy, quân làng bên đuổi theo. Chỉ chờ có vậy, “đại quân” mai phục từ trong các bụi cây xông ra  đuổi cho đám trẻ làng Khải Mông chạy bán sống, bán chết.

Những trò trên không chỉ là sự nghịch ngợm của lũ trẻ, mà còn là tàn dư của lối sống tự cung, tự cấp, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Đấy chính là nguyên nhân, ở rất gần, rất dễ sang, rất thèm muốn được khám phá làng Cẩm, mà đám con nít chúng tôi chẳng được tự do để thỏa chí tò mò.  

Ngày còn bé, tôi nghe anh Chu, anh trai tôi bảo, dân làng Cẩm  đa phần là lục lâm, thảo khấu. Anh giảng giải rằng, làng Cẩm mới hình thành được khoảng hai trăm năm. Thời Vua Quang Trung  thần tốc ra Bắc đại phá quân Thanh, có nghỉ lại làng tôi một đêm. Voi của Vua tắm sông Lam và sang bãi giữa ăn cỏ. Ngày ấy dân hai bên bờ sông Lam gọi làng Cẩm bây giờ là bãi giữa vì chưa có người ở. Bãi đất hoang vu mọc toàn cây bần, cỏ lác với cói dại, nơi trú ngụ của chuột, rắn rết, đặc biệt là muỗi , trở thành vùng đắc địa cho bọn trộm cắp, cướp giật, bọn trai trên gái dưới,… thập phương bị truy đuổi dạt ra đảo hoang  trốn tội, dung thân.  Quan chức sở tại thời ấy sợ đám giang hồ cộm cán nên không dám động tay, động chân. Đám du thủ du thực ấy ở lâu thành làng. Nghe anh Chu phán, bọn con nít như tôi há hốc miệng, tin như điếu đổ. Đồng thời nơm nớp sợ dân làng Cẩm, như sợ cọp, sợ ma. Mãi đến năm học lớp 4, lớp 5, đọc nhiều sách truyện, tôi mới ngộ ra, anh Chu tôi bị nhiễm truyện trinh thám, bịa ra các tình tiết trên, chứ bãi đất rộng vài cây số vuông , lại ở cạnh trung tâm hành chính của tỉnh, của huyện, chẳng có gì ma mị huyền bí, đâu dễ thành miền đất hứa cho bọn tội phạm, dân giang hồ tứ chiếng tụ tập, tạo dựng lãnh địa riêng.

Những năm đầu cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, dân làng tôi cứ nghĩ máy bay Mỹ chỉ bắn phá các khu vực quân sự, nên kéo lên đồng Hương, ra chùa Điệu,…đào hầm, xây lán để tránh bom đạn. Có thời gian, mấy anh em chúng tôi không lên đồng, ra chùa  như nhiều người trong làng, mà được bố mẹ gửi sang ở tại nhà ông đĩ Đình bên làng Cẩm. Nhưng nhầm. giặc Mỹ với chủ trương phá nhầm còn hơn bỏ sót, mặc dù ở giữa bốn bề sông nước, làng Cẩm  cũng trở thành mục tiêu quân sự, bom tấn, bom tạ, bom phá, bom sát thương, rốc két, rồi cả đạn pháo từ Hạm đội 7 của Mỹ nã xuống làng liên tục.  Gia đình chúng tôi phải quay về, lên đồng xây lán, làm hầm chữ A trú ẩn tiện cho sản xuất và sinh hoạt với dân làng.

Không phải đến lúc đi sơ tán chúng tôi mới biết ông đĩ Đình, mà trước đó ông như người thân thuộc của gia đình tôi. Ban đầu nhiều người tưởng nhà tôi gần bến đò, nên những lúc chờ đò, ông vào trú nhờ, xin bát nước chè xanh, lâu rồi thành nếp. Ngay mẹ tôi cũng thắc mắc, sao ông này hay vào nhà mình thế nhỉ?. Cha tôi xuề xòa, người ta lỡ đò, vào ngồi nhờ một lúc có tốn gì đâu, ngoài bát nước chè.

Thực ra ông vào là bởi cha tôi. Sau khi xin ra khỏi ngành công an, cha tôi về làm việc trong chính quyền  xã. Thời ấy nhiệm kỳ của ủy ban nhân dân xã chỉ một năm, nên sau mỗi năm ông lại thay chức một lần. Năm trước làm chủ tịch, năm sau làm phó chủ tịch phụ trách công an, năm sau nữa lại làm chủ tịch, năm tiếp lại làm phó chủ tịch phụ trách quân sự. Cứ tít vòng quanh như thế cho tới ngày tuổi cao không làm nữa. Ngày đó, cán bộ xã không phải công chức như bây giờ, làm bán thời gian. Nếu không có họp hành, ngày làm một buổi, chủ yếu là buổi chiều. Mỗi tháng được trả 18 đồng phụ cấp chứ không phải là lương, làm hai chục năm vẫn 18 đồng  và cũng không có chế độ hưu trí, đi họp xã, hay huyện có tổ chức ăn trưa, ăn tối là phải mang gạo đi, quên không mang là phải nhịn đói. Bởi thời đó, có tiền cũng không tìm ra cửa hàng ăn uống. Đến mãi những năm 90, khi bước vào tuổi thất thập, cha tôi mới được hưởng chế độ lương hưu. Số tiền hơn lương cơ sở một chút, nhưng đấy cũng là sự an ủi ông khi về già.

Họ tên ông là Ngô Đình, nhưng dân làng gọi là ông đĩ Đình, bởi con đầu của ông là gái. Giống như những trường hợp khác, nếu đẻ con trai đầu người ta gọi anh cu,ông cu. Ông đĩ Đình tầm thước, đậm người, bây giờ coi bình thường, nhưng thời đó ông được xem là hơi béo. Ông trông mỡ màng, nhưng chị Mảng, con gái đầu của ông vóc dáng to cao, xương xẩu, tướng mạo như đàn ông. Chị Mảng khỏe lắm, gánh tám, chín mươi cân cứ đii băng băng.

 Mấy anh chị dân quân kể, những hôm tham gia tải đạn cho bộ đội cao xạ, lúc nghỉ giải lao, chị thách các anh bộ đội đấu vật với chị, ai thắng muốn làm gì chị cũng được. Những chàng lính trẻ hừng hực sức trai, khát đàn bà con gái, tưởng đây là cơ hội ngàn vàng để được ôm gái, thưởng thức mùi vị con gái một cách hợp pháp. Có anh còn mơ đến chuyện ân ái với chị, dẫu chị hơi kém sắc, nhưng méo mó có hơn không, Cứ tưởng ốm trâu còn hơn khỏe  bò, các anh lính máu dê đã bé cái nhầm, chưa có anh  nào vờn được hoa, sờ được nguyệt đã bị chị Mảng cho ngã kềnh. Nghe đâu mấy anh lính tuổi mười chin, đôi mươi cú lắm, gọi cả tay vật cự phách trên tiểu đoàn xuống  để phục thù. Nhưng tiếc cho họ, chưa kịp tái đấu, thì chị Mảng lên đường đi thanh niên xung phong phục vụ trên tuyến đường Trường Sơn. Đất nước thống nhất, chị chuyển ngành về phục vụ tại một trung tâm nuôi dưỡng các thương binh nặng và nên duyên vợ chồng với một thương binh tại trung tâm. Ông đĩ Đình còn có 5 người con nữa, trong đó có một anh trạc tuổi tôi. Nhưng bây giờ chỉ còn vợ chồng người con trai út ở lại làng, các anh chị khác mỗi người lập nghiệp một phương.

Sống ở làng, nhưng ông đĩ Đình tách ra khỏi cái nghề nông. Chỉ có vợ con ông làm các việc cấy hái, trồng trọt, chăn nuôi, bắt tôm, bắt cá. Còn ông như một thương lái, nói như ngôn ngữ bây giờ là làm môi giới, tài chính,…Bạ việc gì thuộc lĩnh vực trên có lợi là ông làm. Ví như ông gom tiền của anh em, họ hàng lên các huyện miền núi Hà Tĩnh, Nghệ An, thậm chí ra Thanh Hóa, Hòa Bình,…  mua trâu bò đem về xuôi bán . Ông lợi dụng sự thân quen, vay tiền của người này đem cho người khác vay kiếm một chút tiền lãi, hay gia đình nào làm nhà, ông giới thiệu mua gỗ, mua ngói, tre nứa kiếm vài cút rượu. Không ít lần sai hẹn, bị các khổ chủ cự nự, ít nhiều gây tai tiếng. Nhưng ông là người hoạt ngôn, nhanh nhẹn, thậm chí giảo hoạt và hơi liều, liền tìm mọi cách vay của chủ nợ mới trả cho chủ nợ cũ. Đấy là lý do khi rỗi việc, ông thường đến nhà tôi, bởi bố tôi với cái chức chánh, phó chủ tịch xã ở một vài phương diện nào đó cũng bảo hộ, bảo lãnh cho ông, khi ông gặp rủi ro, nhất là khi các chủ nợ nổi nóng.

Như chuyện, hay tin nhà ông Chỉnh cần mua tấm gỗ vàng tâm dài 3 mét, rộng 60 cm, dày 15 cm, ông đĩ Đình liền xộc đến gạ bán tấm gỗ vàng tâm tiêu chuẩn như trên với giá 30 đồng. Số là trước đó, ông thấy nhà anh cu Chắt gọi bán tấm ván vàng tâm kích cỡ giống như vậy, với giá 25 đồng. Ông Chỉnh đồng ý mua, rồi ứng trước cho ông đĩ Đình 25 đồng. Ông hớn hở bách bộ xuống phố huyện đánh một bữa thịt chó túy lúy, rồi mặt phừng phừng, đường bệ bước vào nhà cu Chắt. Ông đĩ hụt hẫng, như nghe sét đánh ngang tai,  khi nghe cu Chắt bảo đã bán tấm ván với giá 23 đồng.

Những ngày tiếp theo, ông đi khắp nơi vẫn không tìm ra gỗ. Đến hẹn, ông Chỉnh đến hỏi, ông đĩ cứ khất lần, trong khi số tiền tạm ứng đã bị ông tiêu hơn nửa. Một buổi chiều, khi ông đĩ vừa bước lên đò để về làng Cẩm, liền bị cha con ông Chỉnh lôi xềnh xệch lên bờ, bắt trả tiền. Nghe ồn ào ngoài bến sông, cha tôi đi ra. Thấy ông chủ tịch xã đến, mọi người dạt ra để ông xử lý. Cha tôi kéo ông đĩ Đình ra chỗ vắng hỏi nhỏ, ông cầm của nhà Chỉnh bao nhiêu?. Ông đĩ trả lời lý nhí, 25 đồng. Thế bây giờ trong túi còn bao nhiêu?. Còn 10 đồng . Ông đem đây, tôi cho ông vay 15 đồng để trả nhà Chỉnh. Ông đĩ rón rén trao tiền cho cha tôi. Cha tôi đi đến chỗ mọi người đang tụ tập bàn tán nói, thôi tối rồi mọi người ai về nhà nấy, anh Chỉnh chiều mai lên ủy ban nhận tiền. Thì ra hôm sau, cha tôi nhận phụ cấp chủ tịch xã 18 đồng, ông  lấy 15 đồng trả nợ hộ ông đĩ Đình. Có lẽ vì cái tình ấy mà ông đĩ càng quý cha tôi.

Chẳng phải là kẻ nát rượu, nhưng ông đĩ Đình hay uống rượu. Đi đâu, ông cũng kèm một bi đông rượu bên hông, đi một quãng lại uống một hớp, như ông nói, cho bạo gan, bạo phổi, tăng thêm chí khí giữa đám đông. Chứ một lúc, ông không uống được nhiều. Thời đó rượu hiếm lắm, có lẽ vì thế mà đi đến đâu ông đĩ Đình cũng có nhiều người làm quen, bắt chuyện. Bởi ai đến bắt tay, chào xã giao, hỏi han vài câu là được ông mời rượu. Tiếng lành đồn xa, người ta kháo nhau, nên bất kỳ ai thấy ông đĩ, mà đang cơn thèm  rượu là sán lại bắt chuyện. Ông đĩ Đình đãi rượu thiên hạ, theo ông cũng là chuyện, thả con săn sắt bắt con cá sộp. Qua các chầu rượu ấy, những người bạn rượu đã cung cấp cho ông vô vàn thông tin về thị trường, ai đang cần bán con trâu, con lợn;  ai đang cần gỗ làm nhà, nơi kia thiếu thóc, hay lạc giống,…Ông trở thành cầu nối, kiếm chút đỉnh của cả bên bán lẫn bên mua. Thế ông mới có rượu để đãi người dưng, thế ông mới nổi tiếng là tay tiểu nông  láu cá một thời ở quê tôi .

Ảnh minh họa trong bài: HT

Đúng là ông láu cá thật. Tôi còn nhớ  mùa đông năm ấy kéo dài, buốt lạnh, ruộng đồng khô cạn, cây cỏ héo quay, héo quắt, trâu chết rét như rạ ngả.Trâu bò hợp tác không may bị chết xử lý quá dễ, cái khó là trâu bò của những hộ cá thể. Đưa vào lò sát sinh của huyện, mang tiếng là bán mà như biếu không, tự ý thịt, nếu công an bắt được vừa bị tịch thu, phạt tiền, lại bị bêu rếu trên loa truyền thanh của làng, của xã, có mà đeo mặt mo khi ra đường. Khoảng bảy giờ tối hôm đó, tôi thấy cha con ông Tân hoảng hốt chạy xộc vào nhà, xin gặp cha tôi. Ông Tân mếu máo nói, ông cứu nhà con với, con bò nhà con vừa ngã nước chiều nay. Nhà chỉ mỗi con bò, không biết nhà con lấy gì để cày bừa mùa này đây. Tối ấy ông đĩ Đình vô tình lại có mặt ở đấy, hỏi chen vào, thế bò nhà ông đực, hay cái, có to không?. Ông Tân cho biết, bò đực hơn bốn tuổi, nặng cỡ năm tạ . Đã quen với việc giải quyết các vụ tương tự, cha tôi bảo ông Tân, tôi cũng hiểu và thông cảm cho gia cảnh của anh, nhưng theo quy định, thì anh phải đem bò đến lò sát sinh của huyện. Anh về xem xét giải quyết cho kín kẽ kẻo mang tai mang tiếng. Tiếp lời cha tôi, ông đĩ Đình nói với ông Tân, bố con ông nhanh về giải quyết, để lâu thịt nó kém đi đấy. Bố con ông Tân lí nhí chào một cách buồn bã, rồi lầm lũi ra về. Ông Tân làm thợ may, còn vợ con ông làm nông nghiệp. Gia đình ông không chịu vào hợp tác xã, thời ấy bị liệt vào đối tượng chậm tiến. Bố con ông Tân rời nhà tôi khoảng mười lăm phút, ông đĩ Đình giật áo tôi bảo, mày đi theo tao. Tôi ngớ người, xưa nay có bao giờ ông rủ tôi đi đâu đâu. Tò mò, tôi đi theo ông. Thì ra ông đến nhà ông Tân. Khi chúng tôi vào trong ngõ, thấy ông Tân và một số người đang hì hục khênh bò đực chết lên xe cải tiến. Ông đĩ Đình hỏi, ông  đưa bò đi đâu thế?. Ông Tân trả lời, chuyển xuống lò sát sinh huyện, ông chủ tịch bảo phải làm thế, ông cũng nghe còn gì. Ông đĩ Đình ngăn lại, làm quan người ta phải nói thế thôi, ông ấy cũng thương gia cảnh ông lắm. Ông ấy nói với tôi, nếu ông mổ bò mà giữ kín được thì cứ mổ. Thấy ông Tân lưỡng lự, ông đĩ Đình bồi thêm, ông cũng nghe ông chủ tịch nói giải quyết cho kín kẻo mang tiếng là gì. Để thêm phần thuyết phục, ông đĩ Đình chỉ vào tôi, con ông ấy đi cùng tôi đây này. Ông chủ tịch sống tình cảm lắm, ông đừng ngại. Nhưng nếu ông sợ thì thôi. Nói đoạn, ông đĩ Đình kéo tôi chực ra về, ông Tân hỏi lại, ông nói chắc chứ?. Ông đĩ cười, nói, nếu ông làm tôi phụ giúp ông.

Được lời như cởi tấm lòng, ông Tân và đám người nhà nhanh chóng khênh bò vào nong  róc da, xả thịt. Lúc này, ông đĩ Đình lộ nguyên hình là gã lái trâu cộm cán. Tay ông xẻ thịt thoăn thoắt như một đồ tể chuyên nghiệp. Trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ mọi việc đã xong xuôi, ông đĩ Đình nói với ông Tân, ông lo tiêu thụ số thịt này đi, tôi xin phép về đây. Ông Tân cảm ơn rối rít, trả công ông đĩ một tảng thịt mông, đồng thời biếu ông chủ tịch một tảng tương tự. Trên đường về, ông dặn tôi, mày về đừng nói gì với ai nhé, để trưa mai tao nói, Mày bép xép hỏng chuyện đấy, không được ăn thịt đâu.

Mọi chuyện sau đó đều trót lọt. Cha tôi là người xuề xòa, ít lo nghĩ chuyện xa xôi. Tôi không thưa, ông đĩ Đình không nói, cha tôi hình như cũng chẳng quan tâm việc ông Tân xử lý con bò như thế nào. Chỉ đến hôm, ông Tân mang cân đường, gói kẹo biếu, ông còn hỏi, có chuyện gì mà biếu xén với cảm ơn.Ông Tân nói, nhờ chủ tịch mà nhà em tậu được con bê. Rồi ông kể lại sự việc hôm đó. Nghe thấu chuyện, cha tôi nhếch mép cười, lẩm bẩm một mình, ông đĩ Đình này láu cá thật!.

Từ những cuối những năm 80 của thế kỷ 20, làng Cẩm  mỗi ngày càng trở nên tiêu điều, xơ xác. Có nhiều nguyên nhân, chiến tranh tàn phá, biến đổi khí hậu, xây dựng thủy điện ở thượng nguồn, làm cho sông trước đây năm nào đến mùa là lũ kéo về, thì nay cả chục năm không có lũ, không có phù sa bồi đắp. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là do sông bị khai thác vô tội vạ, các nhà máy xả thải không qua xử lý làm sông ngày mỗi ô nhiễm, ruộng đồng không còn được bồi đắp phù sa trở nên bạc màu. Nước ô nhiễm làm cho nhiều loại cây, con cá không sống nổi, nhiều loại sống được thì cho năng suất thấp. Con trai, con gái làng Cẩm  lớn lên liền tìm mọi cách để thoát ra khỏi làng. Không vào được các cơ quan nhà nước, thì rủ nhau vào Nam, vào Tây Nguyên lập nghiệp. Bây giờ ở làng chỉ có người già và trẻ con, thế mới có chuyện, làng chục năm không có đám cưới, lớp học lèo tèo vài trò, chỉ cách trung tâm huyện có hai cây số mà vẫn phải học ghép. Thật thương cho một làng trù phú, sung túc năm nào.

 Năm rồi, tôi có qua làng Cẩm, không còn những  con đường rợp bóng tre; không con những bãi cây bần lúc nhúc cáy với cá thòi lòi nhảy loi choi; những cây gạo mấy trăm năm tuổi cũng đã đi xa. Đường làng lở xói, khấp khễnh, những bụi tre cọc còi xơ xác, nhất là nạn khai thác cát làm cho nhiều nhà dân bấp bênh cạnh bờ sông, hà bá có nuốt chửng bất cứ lúc nào. Làng hoang vắng đến não nề,thê lương. Tôi ghé vào nhà ông đĩ Đình để thắp cho ông nén hương. Ông mất đã hơn mười lăm năm. Anh con trai út của ông tuổi xấp xỉ năm mươi cho biết, ba em chết vì bục dạ dày. Bác sĩ bảo do ông uống quá nhiều rượu. Tôi nói, ngày trước lúc nào cũng kè kè bi đông rượu bên người, nhưng  ông uống có bao nhiêu đâu. Anh trầm ngâm nói, đó là lúc ba em ở tuổi trung niên. Khi về già, quẩn quanh ở nhà, buồn đời, ông uống kinh lắm, Uống rượu nên cơ sự như thế. Rồi anh cho biết thêm, trước lúc mất, ba em ân hận lắm, ông nói, lúc còn trẻ, khỏe lang bạt kỳ hồ, làm ra nhiều tiền mà chẳng giúp được vợ con bao nhiêu. Kiếm chỗ này lại lấp vào chỗ khác, cuối cùng của thiên lại trả địa. 

Truyện của Lê Quang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh