“Cú sốc” Covid-19 cho thấy người lao động đã được bù đắp một phần thông qua Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
- Bài thuốc hay
- 10:44 - 03/12/2021
Nhận định về vai trò của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo Nghị quyết 68; hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người lao động và doanh nghiệp theo Nghị quyết 116, PGS.TS Giang Thanh Long, Khoa Kinh tế học (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, nhìn chung, có thể thấy rằng việc triển khai Nghị quyết 116 rất nhanh, đồng bộ và hiệu quả. Đây là vấn đề rất tích cực trong việc hỗ trợ người lao động khi họ đang gặp khó khăn trong thời gian ngắn hạn. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ dài hơi hơn, thì chúng ta cần cân nhắc vấn đề liên quan tổng thể toàn bộ thị trường lao động.
Có thể nói rằng chính sách bảo hiểm thất nghiệp Việt Nam tuân thủ rất chặt chẽ Công ước quốc tế mà Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã công bố trước đây. Ở vị thế là một quốc gia thu nhập trung bình, có thể nói Việt Nam thực hiện rất tốt Công ước ILO. Về việc thực hiện, về tổng thể, người lao động đã được đào tạo nghề thay đổi kỹ năng để có thể tìm kiếm việc làm mới trong thời gian thất nghiệp.
Tuy nhiên, theo TS Giang Thanh Long, các nghiên cứu trong thời gian gần đây chỉ ra rằng chúng ta đang đào tạo những gì chúng ta có, chứ chưa đào tạo những gì thị trường cần. Và vì lý do đó, người lao động vẫn được hỗ trợ đào tạo, nhưng họ vẫn khó tìm việc vì lý do kỹ năng vẫn chưa đáp ứng được phía cầu của lao động. Đây là một điều rất quan trọng cần lưu ý trong việc sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khi hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động.
“Hiện nay, tỷ lệ người lao động tìm kiếm việc làm qua các trung tâm giới thiệu việc làm chính thức đã tăng trong thời gian vừa qua, nhưng vẫn còn hạn chế. Việc tìm kiếm việc làm qua người thân, gia đình, bạn bè là những chỗ tin tưởng nhưng không phải lúc nào cũng tìm được công ty tốt có đầy đủ các chế độ. Việc các công ty tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế sẽ bảo đảm cho người lao động về lâu dài. Và cú sốc Covid-19 cho thấy những người đã tham gia Bảo hiểm xã hội là những người đã được bù đắp một phần những đóng góp của mình trước đây thông qua bảo hiểm thất nghiệp hoặc các hỗ trợ khác.”, ông Long nói.
Để bảo đảm Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được quản lý và sử dụng an toàn, hiệu quả, minh bạch, theo TS Giang Thanh Long, không có gì tốt hơn là phục hồi kinh tế. Vì chỉ có phục hồi kinh tế thì chúng ta mới có thể giảm số người thất nghiệp, giảm chi tiêu Quỹ thất nghiệp và gia tăng số người đóng bảo hiểm thất nghiệp để bù đắp cho Quỹ.
“Tôi cho rằng Nghị quyết 116 cho phép doanh nghiệp giảm đóng Quỹ Bảo hiểm xã hội từ 1% xuống 0% vào tháng 9/2022 giảm đóng BHXH là rất hợp lý và hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp. Nhìn dài hơi hơn, việc khuyến khích người lao động tham gia đóng Bảo hiểm xã hội là một điều cực kỳ quan trọng. Càng nhiều người tham gia quỹ bảo hiểm xã hội, chúng ta càng có nguồn lực để chia sẻ rủi ro với người mất việc, làm tấm nệm để đỡ họ chống lại những cú sốc tương tự như cú sốc do Covid-19 gây ra vừa rồi. Điều quan trọng hơn, từ việc những người được hưởng hỗ trợ từ Nghị quyết 116 đã có đầy đủ thông tin trong cơ sở dữ liệu và được hỗ trợ rất nhanh chóng, có thể thấy, khi ta số hóa công tác quản lý lao động thì chúng ta xử lý giải quyết chính sách rất nhanh, giảm chi phí rà soát. Đây cũng là yếu tố giúp chúng ta sử dụng hiệu quả các quỹ hỗ trợ cho người lao động”, TS Giang Thanh Long nhấn mạnh.