Cụ ông hào sảng kể lại việc có thêm quý tử năm 76 tuổi
- Văn hóa - Giải trí
- 18:26 - 27/06/2020
Chương trình Mảnh ghép hoàn hảo với câu chuyện cảm động như cổ tích giữa đời thường của cụ ông Phạm Văn Hợp và bà Cao Thị Trì, cùng sự tư vấn sâu sắc của MC Ốc Thanh Vân và Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân được phát sóng lúc 21h35 Chủ nhật ngày 28/6/2020 trên VTV9.
Cụ ông Phạm Văn Hợp năm nay 96 tuổi, còn vợ ông là bà Cao Thị Trì, năm nay 60. Cả hai từng trải qua những cuộc hôn nhân lỡ làng, thương cảm hoàn cảnh neo đơn, ông bà quyết định đến với nhau khi cụ Hợp đã 70 tuổi còn bà Trì lúc đó chỉ mới ngoài 30.
Bà Trì cho biết, bà gặp cụ Hợp cách đây gần 25 năm trước. Bà không biết vì sao mình lại thương ông và quyết định cưới ông, thương ông vì cuộc sống của ông rất khổ sở hay thương ông vì ông sống hào sảng, tốt bụng? Nhưng để đến với ông, bà đã phải vượt qua rất nhiều lời đàm tiếu, gièm pha xung quanh. Thậm chí mẹ bà là người đầu tiên ngăn cản.
"Mẹ tôi nói sao tôi lấy chồng già vậy, sợ ông không làm được gì rồi tôi phải nuôi ông. Anh em hay bạn bè của tôi ai cũng nghĩ như thế. Nhưng tôi nói thẳng, sống chết như thế nào chưa biết còn hiện tại ông ấy thương tôi, ông ấy lo cho tôi trăm đường", bà Trì chia sẻ.
Với bà khi ấy, nếu cụ Hợp chẳng còn sức để làm, thì ông chỉ cần đứng sau cổ vũ bà, là nguồn động lực giúp bà có thể cố gắng làm tất cả vì chồng vì con. Không những vậy, có ông bên cạnh, bà có người bạn đồng hành để cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn. Chỉ cần như vậy là đã hạnh phúc.
Nhưng bà có thể nói cho những người thân xung quanh hiểu, chứ đâu thể nói hết được với miệng lưỡi thế gian. Bà Trì kể, cưới nhau khi ông 70 còn bà chỉ mới ngoài 30, nhiều người bàn tán ra vào, nói ông có nhà lầu xe hơi nên bà mới theo ông. Rồi khi bà và ông rong ruổi bán gỏi khô bò trên chiếc xe đẩy, nhiều người lại nói bà mướn ông đi bán để kiếm tiền. Nghe những lời như vậy, bà Trì chỉ biết âm thầm khóc vì nói ra không ai tin. Nhưng ông nói với bà rằng: "Người ta nói sao kệ người ta, miễn tôi biết bà là được rồi".
Cũng vì ông bà hiểu nhau, thương nhau như vậy mà bà Trì hay nói với chồng, mong ông có thể ra đi trước bà, để bà có thể lo cho ông chu toàn mọi việc. "Những lần nghe vậy ông ấy hay hỏi còn tôi thì sao? Nhưng tôi chỉ sợ ông ấy thôi. Con cái không ai lo. Ở nhà chỉ một mình tôi chăm sóc ông ấy. Nằm bệnh viện cũng chỉ có mình tôi lo. Lỡ tôi chết trước thì ông ấy phải làm sao?", nói đến đây bà mới nghẹn ngào, đôi mắt đỏ hoe vì lo lắng.
4 đời vợ, con chung con riêng có đến 12 người, thế nhưng cụ Hợp xót xa cho biết chẳng nhờ được ai. Ông thú nhận, bản thân đi thêm bước nữa nên con cái cùng những người vợ trước cũng lạnh nhạt dần.
Chính vì vậy ở cái tuổi của bà Trì, cụ Hợp, đáng ra đã là lúc họ phải được nghỉ ngơi, thế nhưng ông bà ngày ngày vẫn cùng nhau rong ruổi, nương nhau trên chiếc xe đẩy bán gỏi khô bò để kiếm sống. Câu nói "Tôi không mệt cô ơi!" của bà Trì càng khiến người nghe chạnh lòng.
Tuổi cao sức yếu nên bình thường cụ Hợp chỉ ngồi trên xe, bà Trì một tay đẩy xe gỏi khô bò, tay kia cầm kéo gõ rao bán. Nhưng mấy năm gần đây, thỉnh thoảng bà Trì bị đau khớp là cụ Hợp lại tự đạp xe gỏi khô bò để vợ đẩy nhẹ hơn một chút. Bà cho biết: "Khi khoẻ tôi không để ông ấy làm gì. Nhưng thỉnh thoảng đau khớp, tôi nói "Ông ơi tôi mỏi tay" thì ông ấy đạp xe phụ tôi. Tôi hỏi ông có mệt không, ông ấy bảo không. Ông ấy già thế rồi, nhiều lúc tôi muốn để ông ấy ở nhà để đi bán một mình nhưng lại lo. Cho ông đi cùng tôi cũng cực hơn nhưng ông vui, tôi vui".
96 tuổi nhưng cụ Hợp vẫn còn khá minh mẫn, ông kể thêm, vợ chồng thường đạp xe đi bán từ 3 giờ chiều đến 10 giờ tối mới về. Ngồi nhiều giờ trên xe như vậy, bà Trì cũng phải khen ông quá giỏi vì bà chỉ ngồi ghế 2 tiếng đã nhức lưng chịu không nổi. Còn với ông, chỉ cần đi với bà là ông vui, vợ chồng có nhau, tuy hai mà như một.
"Bây giờ hai vợ chồng sống với nhau, có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít. Tôi muốn ăn cái gì thì nói với bà, bà muốn ăn gì thì nói với tôi. Vậy thôi! Như vậy là tôi hạnh phúc lắm rồi. Lắm cô cậu thanh niên hay nói với tôi "con ước gì được như ông bà", ông cười đầy tự hào, rồi kể lại "chiến tích" có thêm quý tử năm 76 tuổi, khiến bà Trì ngại ngùng vì lúc đó "già còn vào bệnh viện sinh nở".
Lắng nghe câu chuyện cảm động nhưng cũng hết sức dễ thương của cụ Hợp và bà Trì, Ốc Thanh Vân rưng rưng nước mắt, cảm phục tình cảm ông bà dành cho nhau. Chị cũng khẳng định, tình yêu đôi khi chỉ đơn giản như vậy, khi đã thương, đã hiểu, đã cảm thông thì bất cứ điều gì cũng có thể cố gắng vì người còn lại. Chị hy vọng câu chuyện bình dị tuy có phần kỳ lạ nhưng sẽ truyền cảm hứng cho mọi người thấy rằng cuộc sống vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp và những điều thân thương nhất luôn là những điều nhỏ nhặt nhất.