CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:16

“Cú đấm thép” của Tập đoàn Dầu khí giờ ra sao?

 

Cơm áo không đùa với… giàn khoan
Khi mới ra đời, Cty Cổ phần Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) rất được kỳ vọng. Chỉ cần nhìn vào danh sách những cổ đông sáng lập cũng đã có thể hào hứng về một tiền đồ “sáng sủa”: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Tổng Cty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), toàn tên tuổi lẫy lừng. 
Tầm nhìn của doanh nghiệp được hoạch định là “trở thành đối tác tin cậy hàng đầu trên thị trường quốc tế trong lĩnh vực đóng mới, sửa chữa và hoán cải các loại giàn khoan biển, các phức cấu kiện thượng tầng và phương tiện nổi; góp phần tạo vị thế chủ động đối với kế hoạch thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam, giảm thiểu việc thuê giàn khoan từ nước ngoài”.
Thực tế thì Cty đã bắt đầu có lãi chỉ sau mấy năm đầu hoạt động. Đáng chú ý là Cty đã đóng mới thành công giàn khoan tự nâng 90m nước “Tam Đảo 03” đạt tiêu chuẩn quốc tế cho chủ đầu tư VietsovPetro; tiếp đó lại nhận được hợp đồng đóng mới giàn khoan tự nâng 120m “Tam Đảo 05”… Đã có lúc, doanh nghiệp phấn chấn nhìn tới một tiền đồ hình thành một tổ hợp cơ khí dầu khí biển lớn mạnh để có thể cạnh tranh với các Cty, tập đoàn trong khu vực và trên thế giới. Thế nhưng, bấy nhiêu thôi chưa đủ.
Giàn khoan “Tam Đảo 03” – dấu ấn tiên phong của PV Shipyard.
Theo Báo cáo tài chính đến ngày 31/3/2015, tổng nợ phải trả của PV Shipyard lên tới 1.922 tỷ đồng. Con số quá cao so với vốn chủ sở hữu chỉ hơn 429 tỷ đồng.  Nợ nần đầm đìa, kinh doanh thua lỗ mấy năm liền, nên tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015, các cổ đông của “cú đấm thép” đành ngậm ngùi thông qua việc không chia cổ tức năm 2014.
Cũng tại Đại hội đồng cổ đông này, mấy “ông lớn” sáng lập đành xếp lại hoài bão, chấp nhận phương án “tái cơ cấu”, theo đó dứt ruột gửi “đứa con cưng” năm xưa thành “con nuôi” nhà người. Theo phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn điều lệ năm 2015 của PV Shipyard,  Cty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) sẽ chi 619  tỷ đồng để sở hữu 61,9 triệu cổ phiếu, chiếm 51% vốn điều lệ và biến PV Shipyard thành Cty con.  
Sau khi DQS góp vốn, tổng vốn điều lệ của  PV Shipyard sẽ được nâng lên thành 1.214 tỷ đồng. Tiền bạc xông xênh hơn, nhưng thân phận đã khác hoàn toàn. 
Giải cứu “người tiên phong”
Không dễ để thuyết phục một người mới “ôm” về khối nợ nần lớn như kể trên nếu như tình hình tài chính của doanh nghiệp không có lối thoát. Vào cuối năm 2014, PVN đã có hẳn một nghị quyết về việc ân hạn trả nợ gốc cho PV Shipyard. 
Đó là hai khoản nợ dài hạn từ Tổng Cty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC), nay là Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank), một khoản lên đến 641 tỷ đồng vay hồi năm 2011, thời hạn vay ban đầu là 12 tháng, từ 24/5/2011 đến 24/4/2012, gia hạn đến 24/11/2014. 
Khoản thứ hai trị giá 250 tỷ đồng, cũng ký từ năm 2011, thời hạn đến 06/4/2012. Cả hai khoản vay này đều dành cho việc thanh toán chi phí đầu tư dự án “Xây dựng căn cứ đóng mới và sửa chữa giàn khoan dầu khí” của PV Shipyard.
Trước khi PVN cho ân hạn trả nợ gốc, vào giữa năm 2013, PV Shipyard và PVcomBank đã đạt được thỏa thuận cơ cấu lại hai khoản vay này và gia hạn đến ngày 31/12/2018. Theo đó, hai khoản vay sẽ được trả làm nhiều lần, bắt đầu từ ngày 30/6/2014 đến hết ngày 31/12/2018. Tuy nhiên, lãi suất phải chịu bằng 100% lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng lãi trả sau của Ngân hàng Vietcombank tại thời điểm điều chỉnh lãi suất, cộng phí ủy thác. 
Theo nghị quyết ngày 05/12/2014  của PVN, hai khoản vay trên sẽ được ân hạn trả nợ gốc tới hết năm 2013. Cụ thể, khoản nợ đáo hạn ngày 30/6/2014 sẽ được trả vào năm 2015, khoản nợ gốc còn lại sẽ được trả trong 19 kỳ (6 tháng một lần), bắt đầu từ 30/6/2015 tới ngày 30/6/2024.
“Ân sủng” như thế này có thể nói chỉ có ở Tập đoàn Dầu khí. Câu chuyện của PV Shipyard một lần nữa làm dấy lên nỗi niềm về hiệu quả đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Báo Pháp luật Việt Nam cách đây mấy số đã đề cập câu chuyện các “ông lớn” này rót vốn vào các công ty chứng khoán, để rồi “khi đi trai tráng, khi về bủng beo”. Nay không chỉ là chuyện đầu tư ngoài ngành, ngay cả ở những lĩnh vực sở trường, trọng điểm, thì hiệu quả xem ra vẫn xa vời.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh