THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:13

Cự Đà: Loay hoay giữa làng và phố

 

Những kiến trúc cổ ở làng Cự Đà đang xuống cấp nghiêm trọng trong những năm trở lại đây.

 

Ngôi làng trù phú bên bờ sông Nhuệ

Làng Cự Đà nằm cách trung tâm TP. Hà Nội chưa đầy 20 km về phía Tây thuộc địa phận xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội. Nằm bên bờ sông Nhuệ, nơi đây được coi là một trong số làng cổ độc đáo của vùng đồng bằng Bắc Bộ với một lối kiến trúc có sự đan xen hài hòa giữa kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc và kiến trúc Việt Cổ. Trải qua hơn 100 năm chiều dài lịch sử, Cự Đà vẫn giữ cho mình những nét riêng về ngôi làng cổ năm xưa. Ngoài những ngôi nhà, làng cổ Cự Đà còn có nhiều đình, chùa, miếu mạo đều là những di sản được xếp hạng di tích quốc gia.

Ngôi làng nằm tựa bên bờ sông Nhuệ  t lâu đã nức tiếng là trung tâm buôn bán trao đổi sầm uất trên bến dưới thuyền, một ngôi làng trù phú. Thời kỳ phát triển của làng là những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Nhờ địa thế rất thuận lợi cho phát triển thông thương buôn bán đúng với câu nói “nhất cận thị, nhị cận giang”. Ngôi làng đã có một thời kỳ là cửa ngõ thông thương sầm uất ở xứ Bắc Kỳ, là điểm tập kết trung chuyển hàng hóa trước khi chuyển lên Thăng Long – Hà Nội.

Ngoài ra làng còn được biết đến với những nghề truyền thống nổi danh khắp vùng như nghề làm miến và nghề làm tương. Chẳng vậy mà có câu “Tương Cự Đà, cà Thụy Khê” đã nổi danh khắp vùng. Những nghề truyền thống này khiến cuộc sống của những người dân nơi đây trở nên thịnh vượng.

 

 Những bức tường chỉ còn trơ lại gạch.


Làng cổ không thể chuyển mình

Mặc dù có cho mình những thế mạnh để phát triển kinh tế và du lịch, cách trung tâm TP. Hà Nội không xa, giao thông đi lại thuận tiện. Một bề dày văn hóa lâu đời còn ghi dấu trên những ngôi nhà cổ, đình chùa miếu mạo, mà rất ít làng quê bắc bộ còn lưu giữ được. Cùng với đó là những làng nghề nổi danh khắp vùng. Song trong thời đại mới làng cổ Cự Đà vẫn đang loay hoay giữa cái cũ và cái mới, mà không thể tìm được lối ra cho riêng mình.

Trải qua những thăng trầm của thời gian, cũng như dòng Nhuệ Giang đang chết dần thì làng Cự Đà cũng chẳng còn được trù phú như xưa. Các lan can chạy dọc bờ sông đã từng được coi là dấu vết một thời huy hoàng của làng giờ đây trở thành nơi họp chợ, có những nơi trở thành bãi rác lộ thiên chạy dọc xuống bờ sông Nhuệ. Tại đây cũng không còn cảnh tượng trên bên dưới thuyền, tấp nập người mua kẻ bán. Những con đường lát gạch nghiêng năm xưa của làng giờ đây cũng đã được bê tông hóa. Mái vòng  xây theo lối cổ vào các ngõ xóm trong làng cũng đã nhuốm màu thời gian cái thì mốc meo, cái chỉ còn trơ lại gạch.

 

Nhiều công trình kiến trúc cổ xuống cấp.


Ông Vũ Văn Tuấn, trưởng thôn Cự Đà cho ha: "Hiện nay vẫn còn đó khoảng 60 ngôi nhà cổ, những ngôi nhà được kết hợp một cách hài hoà giữa kiến trúc Pháp và Việt cổ với rất nhiều các hoa văn, họa tiết tinh xảo được chạm khắc trên gỗ rất đẹp. Tuy nhiên do không gian sống ngày càng chật hẹp, nhiều gia đình đã phải cơi nới, dỡ đi một phần hoặc rất nhiều cột kèo, cửa… của ngôi nhà khiến cho không gian nhà cổ không còn được nguyên vẹn như xưa”.

Cũng trong tình trạng trên thì căn nhà cổ năm gian của gia đình bà Vũ Thị Chắt sau khi xây dựng lại nay chỉ còn giữ lại một góc nhỏ, bà chia sẻ: "Cũng trên bằng đấy diện tích trước đây cha mẹ bà và mấy người con ở. Nay đã là bốn thế hệ sống trong cùng một nhà, không gian vì thế mà cũng vô cùng chật trội và bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày”.

Những ngôi nhà có thiết kế khá đẹp theo lối kiến trúc Pháp, bên ngoài thì to đẹp nhưng bên trong thì cột xà đã mục hết được chống tạm bằng tre. Có ngôi thì mái ngói vảy rồng rêu phong cổ kính đặc trưng được thay mới đan xen lẫn lộn.Theo ông Tuấn thì “trong làng chỉ có những nhà khá giả mới đủ điều kiện trùng tu, tránh xuống cấp. Còn những nhà kinh tế còn khó khăn thì nhà cổ xuống cấp khá nhanh”.

Cùng với việc những ngôi nhà cổ đang ngày một mất dần thì trám vào ngay trên những vị trí đó là những ngôi nhà xây kiên cố màu mè đang dần len lỏi và phá vỡ tổng quan kiến trúc cổ của ngôi làng.

 

Do nhu cầu nhà ở và sinh hoạt thì những công trình cao tầng hiện đại đang được mọc lên thay thế cho những ngôi nhà cổ. 

 

Ông Vũ Văn Tuấn chia sẻ “ Là người dân Cự Đà, bản thân ông và nhiều người dân nơi đây rất muốn giữ gìn được những di sản văn hóa của địa phương. Nhưng để làm được điều đó rất cần nhà nước có những chính sách hỗ trợ như: Tạo quỹ đất để dãn dân và đưa chuyên gia phân tích mức độ xuống cấp và hỗ trợ người dân phần nào trong việc trùng tu nhà cổ. Làm được như vậy chắc chắn sẽ tạo được sự đồng thuận trong nhân dân góp phần tích cực trong việc bảo vệ nhưng ngôi nhà cổ giúp Cự Đà trở thành điểm đến thu hút khách du lịch”.

Trong khi vẫn chưa có những hành động cụ thể nào, người dân Cự Đà vẫn phải chấp nhận một thực tế là những giá trị của ngôi làng cổ đang bị mai một từng ngày từng giờ. Và những nét đẹp thơ mộng của ngôi làng rồi đây sẽ chỉ còn là hoài niệm.

TUẤN ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh