THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:32

Củ Chi (TP. HCM): Nông dân trồng lan Mokara lợi nhuận cao

 

Một lão nông ở ấp Trung, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi cho biết, gia đình ông có 3.400 m2 đất vườn tạp, trước đây chủ yếu trồng các loại rau ngắn ngày, dù đã bỏ ra nhiều công sức để chăm sóc, nhưng do thường hay bị sâu bệnh, ảnh hưởng thiên tai, đạt năng suất thấp, giá cả bấp bênh, nên cuộc sống không ổn định vẫn luôn thiếu trước hụt sau.

 Từ khi TP. HCM triển khai thực hiện Chương trình hoa lan, cây cảnh, ông đã đăng ký tham gia các lớp học về kỹ thuật trồng lan và đi tham quan học hỏi kinh nghiệm mô hình trồng lan cắt cành hiệu quả của một số hộ nông dân ở Hóc Môn, Bình Tân.

 Sau khi đã nắm khá vững về kỹ thuật trồng, chăm sóc, ông quyết định lập dự án, vay vốn ngân hàng 500 triệu đồng, đầu tư cải tạo 3.400 m2 vườn trồng rau sang trồng lan Mokara cắt cành.

Đây là giống lan đơn thân, sống ký sinh, dễ trồng, phát triển nhanh được lai tạo từ các giống: Arachnis,Vanda, Ascocentrum được nhập giống từ Thái Lan. Hoa lan Mokara có ưu điểm dễ thích nghi với điều kiện nhiệt đới ẩm của TP. HCM và rất phù hợp với trồng sản xuất hoa cắt cành, do nhanh chóng ra hoa, phát hoa mọc ngay nách lá giữa thân, phát hoa dài, mang nhiều hoa, cánh đài hoa cỡ từ trung bình đến lớn và có thể đạt từ 6 – 8 phát hoa/năm/đơn thân.

 Với mô hình trồng lan Mokara cắt cành đem về lợi nhuận cao, nhiều nông dân Củ Chi đang vươn lên làm giàu

 

 Chính vì thế hiện nay mô hình trồng lan Mokara đang thu hút nhiều hộ nông dân các huyện ngoại thành TP. HCM đầu tư phát triển. Ông cho biết, lan Mokara là loài hoa đẹp, màu sắc phong phú: trắng, tím, hồng đỏ, vàng nâu, cam, xanh đang rất được thị trường trong nước và xuất khẩu ưa chuộng, có nhu cầu tiêu thụ lớn, giá cả ổn định, tỷ suất lợi nhuận cao.

Nhưng, để có một vườn lan quy hoạch đúng kỹ thuật thì chi phí ban đầu còn khá cao, nhất là lan giống. Để trồng lan, trước hết phải xây dựng nhà lưới thoáng mát với chiều cao trung bình từ 3,5 – 3,8 m và loại lưới dùng để che phủ được nhập từ Thái Lan, có độ che phủ mát 50%.

Lan được trồng theo luống, mỗi luống rộng từ 0,8 – 1,2 m, trồng được từ 2 – 3 hàng, được xây xung quanh bằng gạch ống, khoảng 3 hàng tính từ mặt đất lên, có lỗ thoát nước, ống nhựa cung cấp nước…

Bình quân khoảng 1000 m2 nhà lưới trồng được khoảng 4000 cành lan và lớp nền chất trồng để rễ lan bám xuống phải được rải bằng 1 lớp vỏ đậu phộng, hoặc xơ dừa, than (nhưng tốt hơn cả là vỏ đậu phộng) dày khoảng 15cm.Sau khi trồng, thời gian đầu nên sử dụng loại phân bón có chứa B1 và NAA để kích thích cây lan phát triển rễ nhanh, đồng thời sử dụng mỗi tuần/lần loại phân bón lá dạng hữu cơ và từ 3 – 6 tháng trở lên sử dụng liên tục luân phiên các loại phân bón lá trên. Ngoài ra cần phun một số thuốc đề phòng và chống các loại vi nấm gây bệnh theo đúng định lượng…

Theo một số hộ trồng lan lâu năm ở Củ Chi, khi đã nắm vững quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc lan thì mọi nông dân nếu có điều kiện về mặt bằng, vốn đầu tư đều có thể triển khai thực hiện hiệu quả theo mô hình trồng lan Mokara.

Hiện nay, nhiều vườn lan Mokara của nhiều gia đình ở Củ Chi phát triển tốt, mỗi đợt cắt hoa bán cho thương lái tại vườn, với giá khoảng từ 10.000 – 15.000 đ/cành thu nhập ổn định, chất lượng cuộc sống của người trồng được nâng cao rõ rệt.

Nhiều hộ trồng lan không chỉ hoàn nợ cho ngân hàng mà cón có tích lũy đáng kể để phát triển thêm vườn lan, để tiếp tục vươn lên làm giàu từ loài lan Mokara có những sắc màu làm mê đắm lòng người này trên vùng đất Củ Chi “đất thép” năm xưa.

 

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh