THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:42

Cụ bà 92 tuổi chữa được sỏi thận từ cây cỏ

 

Đó là cụ bà Đặng Thị Tân (92 tuổi), ngụ thôn 1, xã Lộc Nga, thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng). Dù đã bước vào tuổi gần đất xa trời nhưng hàng ngày, cụ Tân vẫn vượt qua bao đồi dốc, chinh phục nhiều con đường để đi hái lá cây cỏ, đem về chế biến thành thuốc chữa bệnh cho mọi người.

Tìm được thuốc quý

Vượt hơn 110km từ thành phố Đà Lạt xuôi về hướng nam đến thôn 1, xã Lộc Nga, được sự chỉ dẫn nhiệt tình của người dân địa phương, chúng tôi dễ dàng tìm đến ngôi nhà đã úa màu thời gian, bên trong là hình ảnh cụ Đặng Thị Tân đang cẩn thận gói từng thang thuốc. Mặc dù đã bước qua tuổi 92, nhưng bà Tân vẫn hết sức minh mẫn và khỏe mạnh, khi biết chúng tôi tìm đến để hiểu thêm về phương thuốc gia truyền giúp chữa trị bệnh sỏi thận, lậu ké, viêm tiết niệu, bà Tân vui vẻ tiếp chuyện với ngôn từ rời rạc mà ở đó quá khứ và hiện tại được đan xen. Bà Đặng Thị Tân cho biết: “Sinh ra ở vùng đất Thanh Hóa, đến tuổi phải lấy chồng, tôi lên xe hoa rồi về hẳn nhà chồng sinh sống. Hạnh phúc chưa được bao lâu, tôi phát hiện chồng bị bệnh lậu ké, vừa lo, vừa sợ nhưng thương chồng tôi đã chạy vạy khắp nơi để tìm thuốc hay, thầy giỏi chữa bệnh”. Dù đã đi nhiều nơi, thế nhưng cụ Tân vẫn không tìm được thuốc quý, thầy giỏi để chữa bệnh cho chồng, nhiều lần vô vọng chỉ biết ngồi khóc mà buông xuôi tất cả. Tuy nhiên, trời không phụ lòng người, trong lúc tuyệt vọng bà vô tình gặp được một ông lão. “Lúc đầu tôi không biết thầy là ai, nhưng khi tiếp xúc, biết được nỗi lòng của tôi, thầy nói có thể chữa khỏi bệnh cho chồng, tôi vui lắm!” – cụ Tân nhớ lại.

 

Cụ bà Đặng Thị Tân với phương thuốc gia truyền từ loại cây cỏ

Gặp được một người có thể chữa trị bệnh cho chồng, bà Tân như mừng lắm, vội vàng theo ông lão về nhà. Thật ngạc nhiên, ông lão chỉ tay vào những loại cây cỏ mới mọc sau vườn nói, đây là vị thuốc quý có thể chữa bệnh lậu ké. Sau khi hái, ông cụ vò nắm những lá cây, giã lấy nước rồi đổ vào cái chai bảo đem về cho chồng uống. Bà Tân giật mình, khi đang nghĩ, đã đi nhiều nơi, tìm nhiều thuốc mà không trị được bệnh cho chồng, cũng bán tín bán nghi nhưng rồi bà cũng cầm chai nước ấy mang về cho chồng mà không hề đắn đo, lo lắng… Khi về nhà, bà Tân đưa thuốc cho chồng uống ngay. Qua 2 ngày uống thuốc, chồng bà đã đỡ bệnh. Như tìm được thuốc tiên, bà Tân đã tìm đến nhà ông lão ngày trước với quyết tâm học được cách chế biến. “Mới đầu tôi chỉ nghĩ, mình học được phương thuốc rồi sẽ chữa được bệnh cho chồng và người thân trong gia đình nên tìm ông lão học nghề” – bà Tân cho biết thêm.  Được ông lão chỉ cho một vài loại cây lá và phương thức chế biến thành thuốc quý để chữa các bệnh như lậu ké, sỏi thận và viêm tiết niệu, bà Tân đã tự tay hái lá cây sắc thuốc cho chồng uống, chỉ hơn một tháng sau thì chồng bà đã khỏi bệnh hoàn toàn.

Chữa bệnh cứu người

Với bài thuốc chân truyền sau khi được ông lão ở Thanh Hóa truyền dạy, mỗi khi người thân trong gia định bị bệnh lậu ké, sỏi thận, viêm tiết niệu, bà Tân đều tự tay hái lá, cây cỏ sau nhà đem về chế thành thuốc chữa trị. Thấy phương thuốc của cụ bà như “tiên dược” các con cháu trong gia đình đã truyền tai nhau. Tiếng lành đồn xa, nhiều người trong thôn, xã biết được việc bà Tân hái lá quanh vườn nhà chữa được các bệnh sỏi thận và lậu, họ đã tìm đến nhà nhờ bà chữa trị với số lượng ngày càng đông. Nhiều người được bà Tân chữa khỏi đều coi bà như một vị lương y hết lòng biết ơn và thành kính. Thế nhưng đối với bà Tân: “Tôi đâu phải là một lương y gì, chỉ biết chút đỉnh về cây lá có sẵn trong vườn, thấy nhiều người mắc bệnh phải chịu cơn hành đau đớn, mất ăn, mất ngủ, vợ con lo lắng, thấy thương họ, những ai tìm đến tôi đều tự nhủ phải chữa bệnh giúp người”.

 

Ở tuổi 92, hàng ngày bà Tân vẫn vào rừng tìm thuốc chữa bệnh cho mọi người

Bà Tân cho biết, lúc còn ở Thanh Hóa,  hàng ngày có rất nhều người bệnh tìm đến nhờ bà chữa trị vì đây là phương thuốc chữa bệnh bằng lá cây cỏ, nên bệnh nhân không phải tốn kém tiền bạc. Đối với căn bệnh sỏi thận tùy vào mức độ nặng nhẹ mà bà Tân cho uống liều lượng thuốc khác nhau. Quan trọng vẫn là cách phối hợp pha chế các loại lá cây cỏ sao cho phù hợp với thể trạng người bệnh. Cũng có trường hợp bị sỏi thận quá lâu, kích cỡ sỏi đã lớn thì bà khuyên nên trị bệnh theo phương pháp Tây y chứ không thể dựa vào thuốc Nam mà khỏi bệnh được. Cứ như thế đã mấy chục năm nay, bà Tân đã sử dụng phương thuốc cổ truyền học được để chữa bệnh cứu người. Đến năm 1998, bà cùng gia đình vào Lâm Đồng sinh sống. Mới đầu ở nơi đất khách quê người, chưa ai biết đến khả năng chữa bệnh bằng thuốc Nam của bà. Thế nhưng bà Tân vẫn đều đặn hái lá cỏ chế biến thành thuốc gửi về quê khi có người nhờ chữa trị. Cũng những lần gói thuốc, hàng xóm đến thăm nhà, thấy lạ nên hỏi về phương thuốc quý này và được bà cho biết công dụng. Thế rồi, tin bà chữa được bệnh được nhiều người dân tại xã Lộc Nga biết đến. Bà kể: “Khi hay tin tôi chữa khỏi bệnh, hàng xóm nghi ngờ, nhưng đến khi tôi chữa khỏi bệnh sỏi thận cho một phụ nữ bị câm và một người đàn ông tên là Nguyễn Duy Chiến thì họ mới tin”.

Chúng tôi tìm đến gia đình anh Nguyễn Duy Chiến, thôn Nga Sơn, xã Lộc Nga, thành phố Bảo Lộc. Trong căn nhà nhỏ nằm heo hút giữa rừng cà phê  bạt ngàn, vợ anh Chiến vui vẻ cho biết: “Khi phát hiện anh Chiến bị sỏi thận tôi đã cho anh uống nhiều loại thuốc, khám nhiều nơi thế nhưng vẫn không khỏi, nhưng may mắn được mọi người mách bảo, hai vợ chồng tôi đã tìm đến cụ Tân nhờ chữa trị. Sáng nào bà cũng một thân một mình đi từ vườn này sang vườn khác hái lá sắc nước cho anh uống đều đặn.  Trong vòng 10 ngày, sau khi uống hết 2 chai thuốc của bà Tân kết quả bất ngờ, anh  đỡ hơn nhiều, thấy vậy tôi đã dẫn anh đi siêu âm và kết quả cho thấy anh đã hoàn toàn khỏi bệnh thận, tôi vui lắm!”.

Được biết, hiện nay không chỉ ở Lâm Đồng, mà tin bà chữa bệnh bằng lá cây cỏ quanh vườn nhà được nhiều người ở Tây Nguyên và các tỉnh khác biết đến. Hàng ngày, bà vẫn điều đặn sắc thuốc và đem cất cẩn thận, hễ ai cần là bà lấy ra và chỉ dẫn cho họ sử dụng. Đến nay, bà không nhớ rõ mình đã chữa bệnh cho bao nhiêu người, gần thì ở cùng thôn, cùng xã, xa thì từ các tỉnh như Bình Dương, Nam Định, Thanh Hóa tìm đến nhờ bà chữa bệnh. Đối với bà Tân chữa bệnh cứu người là việc nên làm, những ai tìm đến đều được cụ chữa trị nhiệt tình, nhiều người được cứu chữa không những biết ơn, mà kính trọng và coi bà là một vị lương y.

Minh Hạnh - K’ Liệp

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh