COVID-19 tới 6 giờ sáng 6/2: Thế giới xấp xỉ 106 triệu ca bệnh, trên 2,3 triệu người tử vong
- Công nghệ
- 13:39 - 06/02/2021
Tờ Tin tức của Thông tấn xã Việt Nam thông tin, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 454.199 trường hợp mắc COVID-19 và 13. 516 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã lên gần 106 triệu ca bệnh.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 6/2 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 105.860.081 ca, trong đó có 2.306.696 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 77.594.573 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 25.969.238 ca và 106.844 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 5/2, thế giới có tới 115 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 102 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới.
Hàng loạt nước châu Âu đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đồng thời đẩy nhanh chương trình vaccine.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 470.151 ca tử vong trong tổng số 27.382.523 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 154.956 ca tử vong trong số 10.790.969 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 230.034 ca tử vong trong số 9.447.252 bệnh nhân.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 5/2, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 17.867 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 46.410 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Myanmar và Malaysia.
Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.
Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong 24 giờ qua, Indonesia cũng là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á. Indonesia ghi nhận thêm 11.984 ca COVID-19 và 189 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 1.134.854 ca và 31.202 ca.
Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á và số ca tử vong nhiều thứ 2 khu vực với 61 người thiệt mạng. Sau mấy tuần hạ nhiệt, Philippines lại đứng trước lo ngại sóng dịch tái phát khi số ca tử vong tăng cao mấy ngày gần đây. Philippines cũng đứng thứ 2 châu Á về số ca tử vong ngày 5/2.
Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 3.391 ca bệnh mới, 19 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua.
Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 5/2 ghi nhận thêm 586 ca bệnh mới, song không có ca tử vong.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 46.419 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 285 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 2.133.155 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.773.061 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Lào, Brunei và Campuchia không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh nào.
Liên quan đến dịch bệnh COVID-19, tờ Vietnamnet cho hay, vắc xin đem lại hy vọng nhưng không kết thúc được cuộc chiến chống Covid-19. Khả năng đột biến của virus khiến chúng ta phải sống chung với nó trong nhiều năm tới và có thể cần một thế hệ vắc xin mới.
Andrew Pollard là người đứng đầu Nhóm vắc xin Oxford tại Đại học Oxford (Anh), đồng thời là trưởng điều tra viên của thử nghiệm vắc xin virus corona ChAdOx1 nCoV-19, đang thu thập dữ liệu từ gần 24.000 tình nguyện viên ở Anh, Brazil và Nam Phi.
Dưới đây là chia sẻ của ông Pollard về vắc xin ngừa Covid-19: Sau một năm chiến đấu với Covid-19 đầy khó khăn, giờ đây chúng ta bắt đầu thấy nhiều loại vắc xin hiệu quả được đưa ra trên toàn thế giới, bao gồm vắc xin Oxford - AstraZeneca mà tôi đã tham gia phát triển. Do đó, mọi người có thể bắt đầu hỏi: "Khi nào thì cuộc sống sẽ trở lại bình thường?".
Dấu hiệu chính của điều này là khi áp lực bắt đầu giảm bớt đối với các hệ thống y tế công cộng. Cho đến nay, vắc xin Oxford - AstraZeneca, Johnson & Johnson, Novavax, Moderna và Pfizer - BioNTech đều cho thấy khả năng bảo vệ cao, ngay cả ở những quốc gia có biến thể mới.
Đây là một tin rất tốt nhưng thực tế, một lượng lớn dân số có nguy cơ cao nhưng chưa được tiêm chủng trên khắp thế giới. Chúng ta cần tiêm khẩn cấp vắc xin cho họ để ngăn ngừa ca bệnh nặng. Chúng ta và các chính trị gia của chúng ta phải phá bỏ các rào cản đối với việc phân phối chúng.
Điều này đặc biệt cần thiết vì chúng ta đã thấy sự gia tăng của các biến thể mới. Những đột biến này dường như đã phát sinh trong các nhóm dân cư có tỷ lệ lớn người nhiễm bệnh và đã có mức độ miễn dịch tương đối cao, vì vậy virus đã phải thay đổi để tồn tại.
Những đột biến mà chúng ta đang thấy ở Nam Phi và Brazil khiến virus dễ dàng lây nhiễm sang những người đã được miễn dịch. Chúng trốn tránh các kháng thể trung hòa mà con người tạo ra sau khi nhiễm bệnh hoặc tiêm chủng.