Covid-19 - chất “xúc tác” đẩy nhanh chuyển đổi số tại Việt Nam
- Tây Y
- 20:29 - 13/02/2021
Cơ hội để bứt phá thông qua chuyển đổi số
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam vẫn đi sau các quốc gia phát triển về công nghệ số, nhưng khủng hoảng Covid-19 đã tạo ra xúc tác, tiến trình phát triển số được đẩy nhanh. Trên một nửa số doanh nghiệp trong nước cho biết đã sử dụng các công cụ và nền tảng số nhiều hơn trong năm 2020.
WB nhận định, Chính phủ Việt Nam đã đẩy nhanh những nỗ lực của mình trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 11/2020, qua việc tăng 11 lần số lượng các dịch vụ công trực tuyến được tích hợp vào Cổng Dịch vụ quốc gia. Lý do khiến Việt Nam chống dịch Covid-19 đạt thành tích gần như "độc nhất vô nhị" là hệ thống báo cáo trực tuyến mới hoạt động hiệu quả.
Những động thái trên hướng tới hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới và số hóa, hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.
Tốc độ phát triển của kinh tế số tại Việt Nam trong thời gian qua luôn ở mức rất cao. Theo ước tính của Google và Temasek trong Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á E-conomy năm 2020, nền kinh tế internet của Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 14 tỷ USD và dự báo đến năm 2025 sẽ đạt mức 54 tỷ USD.
Dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhu cầu sử dụng internet của người Việt bùng nổ. Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, người Việt Nam bình quân dành 3,1 giờ/ngày để truy cập internet (cho mục đích cá nhân). Trong thời gian giãn cách xã hội, con số này đã tăng lên 4,2 giờ/ngày và hiện ở mức 3,5 giờ/ngày. Người dùng các dịch vụ internet tại Việt Nam thời gian qua tăng mới đến 44%, cao hơn nhiều so với khu vực; 94% sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ mới. Tất cả các ngành đều tăng trưởng mạnh so với năm trước, trừ du lịch: Thương mại điện tử tăng 46%, vận tải và thực phẩm tăng 50%, truyền thông trực tuyến tăng 18%... Đầu tư vào lĩnh vực internet ở Việt Nam năm 2020 cũng bùng nổ, đến 151 giao dịch với giá trị là 935 triệu USD.
Đặc biệt, trong thời gian diễn ra dịch bệnh, Việt Nam đã ra mắt nhiều phần mềm góp phần vào công tác phòng, chống dịch Covid-19, như phần mềm khai báo y tế tại cửa khẩu, phần mềm khai báo y tế tự nguyện NCOVI, phần mềm phát hiện tiếp xúc gần Bluezone, phần mềm dự báo dịch bệnh, hệ thống báo cáo phục vụ ban chỉ đạo... Tất cả các sản phẩm này đều do Việt Nam tự phát triển hoặc được chia sẻ quốc tế, lấy ý kiến cộng đồng mã nguồn mở, trong đó có những sản phẩm phần mềm được tạo ra với thời gian ngắn kỷ lục, tính bằng giờ. Nhiều phần mềm Việt Nam đã theo kịp thế giới trong công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, đối với việc truy vết những người tiếp xúc với người nhiễm bệnh và giám sát cách ly, Việt Nam đã có những công cụ hiệu quả nhất, từ việc ứng dụng GPS và hạ tầng viễn thông để giám sát cách ly, sử dụng Bluetooth để truy vết tiếp xúc gần...Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thực tế cho thấy lĩnh vực công nghệ và truyền thông qua đại dịch Covid-19 đã có nhiều đóng góp để Việt Nam kiểm soát dịch. "Chúng ta đã kiểm soát được dịch sớm trong khi thế giới vẫn đang ở đỉnh dịch. Đây là cơ hội để nước ta bứt phá vươn lên thông qua chuyển đổi số. Thực tế cho thấy trong bối cảnh diễn ra đại dịch, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có thể phát triển ứng dụng CNTT để phòng, chống và đưa cuộc sống chuyển sang trạng thái bình thường mới. Điều này được các lãnh đạo đánh giá là "cú hích" trăm năm cho công tác chuyển đổi số. Điều quan trọng giờ đây là người Việt Nam cần phải làm chủ chuyển đổi số cho từng ngành, từng lĩnh vực", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Năm 2020 - khởi động tiến trình hướng tới một "Việt Nam số"
Thực tế, sau một nhiệm kỳ "tích lũy", cùng với những thành tựu trong suốt 35 năm đổi mới, có thể nói nền kinh tế Việt Nam đã thực sự bước sang một giai đoạn phát triển mới. Nếu cộng đồng quốc tế nhắc tới những sự kiện như quy mô GDP của Việt Nam vươn lên đứng thứ 4 trong ASEAN, cùng với những bước tiến của Việt Nam trên hàng loạt bảng xếp hạng uy tín toàn cầu, thì ở trong nước, các chuyên gia cũng nhắc tới những chuyển biến mạnh mẽ như quy mô và cơ cấu xuất khẩu, sự phát triển của các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, xu hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ, công nghiệp chuyển biến theo chiều sâu…
Tuy còn những khó khăn, thách thức, song cơ hội mang lại từ làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số là rất lớn, giúp mở ra không gian mới cho sự phát triển. Việt Nam chưa thể đứng ở nhóm đầu các quốc gia về thu nhập, nhưng hoàn toàn có thể đi đầu trong một số ngành và lĩnh vực mới khai phá. Nghị quyết 52NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho thấy Đảng ta đã sớm nhận ra cơ hội này và chủ động đề ra chủ trương, chính sách lớn.
Từ cuối năm 2019, Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định, 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia. Nhưng với sự tác động mạnh mẽ và bất ngờ từ Covid-19, tiến trình chuyển đổi số có cơ hội được đẩy mạnh hơn và năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ nhiều lần khẳng định mạnh mẽ là năm khởi động tiến trình hướng tới một "Việt Nam số".
Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Mới đây, Nghị quyết 01 và 02 năm 2021 của Chính phủ đã nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Với nhiều giải pháp cụ thể, Chính phủ yêu cầu phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; làm chủ một số công nghệ mới, công nghệ có tính chiến lược. Các Nghị quyết cũng yêu cầu thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, phát triển mạnh, đồng bộ hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số…
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030. Dự kiến trong năm nay sẽ có thêm nhiều nội dung được Chính phủ, Thủ tướng phê duyệt, như Chương trình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Đề án phát triển kinh tế số Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam.
Về mặt thể chế, chính sách, Chính phủ cũng đang có kế hoạch sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình và chuẩn bị ban hành mới Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.