COVAX sẽ cung cấp 65 triệu liều vắc - xin
- Công nghệ
- 01:32 - 18/05/2021
Đáng lẽ con số này phải là 170 triệu liều. Vào thời điểm các nhà lãnh đạo G7 tập trung tại Vương quốc Anh vào tháng tới và khi làn sóng COVID-19 thứ hai chết chóc có thể sẽ tiếp tục càn quét Ấn Độ và nhiều nước ở Nam Á, sự thiếu hụt vắc-xin ước tính sẽ lên tới gần 190 triệu liều.
Cũng theo Giám đốc điều hành UNICEF, COVAX đã đưa ra nhiều cảnh báo về những rủi ro của việc buông lỏng cảnh giác và không đảm bảo tiếp cận công bằng tới vắc-xin, chuẩn đoán và điều trị tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Chúng tôi lo ngại rằng sự gia tăng chết người ở Ấn Độ sẽ tiếp tục xảy ra nếu những cảnh báo đó vẫn không được quan tâm. Tình hình ở Ấn Độ rất bi thảm và không chỉ riêng Ấn độ.
Các ca bệnh đang tăng nhanh chóng mặt và hệ thống y tế đang gặp khó khăn ở các quốc gia gần đó - như Nepal, Sri Lanka và Maldives – và cả ở các quốc gia xa hơn như Argentina và Brazil. Những thiệt hại cho trẻ em và gia đình là không thể tính toán được. Virus tiếp tục lây lan không được kiểm soát càng lâu thì nguy cơ càng cao cho việc xuất hiện nhiều biến thể gây chết người hoặc lây lan nhanh hơn.
Con đường rõ ràng nhất để thoát khỏi đại dịch này là công bằng toàn cầu trong việc phân phối vắc-xin, chẩn đoán và điều trị. COVAX do WHO, Gavi và CEPI đồng sáng lập và UNICEF là đối tác thực hiện, hướng tới cho một con đường như vậy. Nhưng COVAX đang bị thiếu nguồn cung.
"Một trong số các hậu quả mà tình hình ở Ấn Độ, một trung tâm sản xuất vắc-xin toàn cầu mang lại cho toàn thế giới là sự giảm đáng kể nguồn cung vắc-xin cho COVAX. Nhu cầu trong nước tăng vọt dẫn tới việc COVAX không có được 140 triệu liều dự định phân phối cho các nước có thu nhập thấp và trung bình cho đến cuối tháng 5. Khả năng 50 triệu liều dự kiến vào tháng sáu cũng không được cung cấp. Điều này, cùng với chủ nghĩa dân tộc vắc-xin, năng lực sản xuất hạn chế và thiếu kinh phí, là những lý do tại sao tiến độ triển khai vắc-xin COVID quá chậm", Giám đốc điều hành UNICEF nhấn mạnh.
Giám đốc điều hành UNICEF cũng cho hay, các nhà lãnh đạo G7 sẽ gặp nhau vào tháng tới và có thể đưa ra một biện pháp ngăn chặn tình trạng khẩn cấp này. Phân tích dữ liệu mới được cung cấp bởi Airfinity, cơ sở nghiên cứu khoa học đời sống và được ủy quyền bởi Ủy ban UNICEF Quốc gia của Vương quốc Anh, chỉ ra rằng các quốc gia G7 và nhóm các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu có thể quyên góp khoảng 153 triệu liều vắc-xin nếu họ chia sẻ chỉ 20% nguồn cung sẵn có của họ trong tháng 6, tháng 7 và tháng 8. Quan trọng là họ có thể chia sẻ nguồn vắc-xin này mà vẫn đáp ứng được các cam kết tiêm phòng cho người dân của mình.
Một số thành viên G7 có nguồn cung ứng vắc-xin lớn, và một số thành viên đã triển khai vắc-xin trên diện rộng, vì vậy một cam kết chung khẩn cấp trong việc thu lại các liều vắc-xin dư thừa và chia sẻ gánh nặng trách nhiệm sẽ có thể giúp cho các quốc gia dễ bị tổn thương không trở thành điểm nóng toàn cầu trong thời gian tới. Cuối cùng, cuộc đua tiêm chủng toàn cầu sẽ giành chiến thắng khi các quốc gia thành viên có kế hoạch bền vững để tài trợ đầy đủ và cung cấp cho Cam kết thị trường trước của COVAX, đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất vắc-xin, bao gồm thông qua cấp phép sở hữu trí tuệ chủ động và chuyển giao công nghệ.
Những biện pháp này rất quan trọng, nhưng cũng không thể mang đến những thay đổi trong thời gian ngắn. Chia sẻ ngay những liều vắc-xin hiện đang dư thừa là một biện pháp ngăn chặn tối thiểu, thiết yếu và khẩn cấp, và nó là cần được thực hiện ngay.