Công ty đầu tiên của người Mông đưa dịch vụ lên Google maps
- Huyệt vị
- 23:24 - 23/02/2019
Chị Tẩn Thị Shu chia sẻ tại lễ tổng kết Việt Nam Digital 4.0
Chia sẻ tại lễ tổng kết chương trình Việt Nam Digital 4.0 do Google vừa phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, chị Tẩn Thị Shu (dân tộc Mông), người sáng lập và điều hành Công ty Sapa O’Châu - kinh doanh các dịch vụ du lịch cộng đồng tại vùng sâu vùng xa - khẳng định internet, công nghệ thông tin cùng các kỹ năng mềm khác là cánh cửa để cộng đồng người dân tộc thiểu số đưa sản phẩm, dịch vụ của mình đi xa hơn, tạo thu nhập tốt hơn.
Việt Nam Digital 4.0 là một dự án vì cộng đồng do Google, VCCI cùng Hội đồng Doanh nhân Nữ Việt Nam thực hiện, nhằm huấn luyện kỹ năng kĩ thuật số cho chủ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam.
"Sau khi tham gia khóa học của Việt Nam Digital 4.0, tôi đã đưa thương hiệu Sapa O’ Châu của mình lên Google maps để những người có nhu cầu tìm kiếm có thể biết đến. Tôi cũng học được nhiều kiến thức khác về công nghệ, hình ảnh, quảng bá..." - chị Tẩn Thị Shu nói.
Chị Shu kể sau khi được đào tạo và trở thành giảng viên của hệ thống Việt Nam Digital tại Sapa, chị đã giúp nhiều chị em đưa địa chỉ, sản phẩm, dịch vụ… của họ lên Google maps; hỗ trợ họ mở hòm thư, lập trang cá nhân; dạy cách đưa thông tin, hình ảnh lên trang… Chị cũng hỗ trợ nhiều trẻ em địa phương học tiếng Anh với các tình nguyện viên nước ngoài, học kỹ năng làm hướng dẫn viên du lịch...
Một địa điểm kinh doanh của Sapa O' Châu (Ảnh: Internet)
"Nhiều người khéo tay, sản phẩm tốt nhưng sao không đưa sản phẩm đi xa được? Nhiều homestay thú vị nhưng không ai biết đến? Những món quà lưu niệm rất đẹp do người Mông làm và bán ra vừa để kiếm tiền, vừa lưu giữ bản sắc dân tộc nhưng ngày càng ít người mua. Tôi suy nghĩ nhiều về điều đó và đã kết nối Việt Nam Digital 4.0 với họ. Đã có 210 hộ kinh doanh lưu trú tại gia và kinh doanh du lịch tham gia lớp học tại Sapa" - chị Shu chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), đánh giá cao hiệu quả của Việt Nam Digital 4.0. Với vai trò tham gia kết nối các chương trình, đại diện VECOM đánh giá hàng chục bài giảng của Việt Nam Digital 4.0 từ cấp "xóa mù" về kỹ thuật số đến cấp quản lý đã có ý nghĩa lan tỏa rất lớn. "Chương trình sẽ thành công khi có hiệu ứng đồng loạt từ phía người mua hàng có kiến thức, hệ thống phân phối thông minh… trên nền tảng công nghệ. Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp" - ông Dũng đánh giá.
Dẫn số liệu doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam chiếm đến 98% tổng số doanh nghiệp, thu hút 64% nhân lực nhưng chỉ đóng góp được 45% GDP, ông Nitin Gajria, Giám đốc Điều hành Google tại Việt Nam, Lào, Campuchia, đánh giá nền kinh tế Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển nếu biết tận dụng nền tảng công nghệ. "Một doanh nghiệp tham gia quảng bá, giới thiệu trên trang điện tử sẽ phát triển hiệu quả gấp 2 lần so với doanh nghiệp không làm điều đó. Đầu tư công nghệ trên nền tảng internet sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp và hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ" - ông Nitin Gajria nhận xét.
Vị Giám đốc Điều hành Google tại Việt Nam, Lào, Campuchia cũng không giấu tham vọng tạo ra 3 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ được đào tạo về nền tảng kỹ thuật số tại Đông Nam Á đến năm 2020. Trong đó, riêng Việt Nam là 500.000 doanh nghiệp.