THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:15

Công thức làm các lọai mứt, ô mai đón tết

 

1. Hồng khô Hàn Quốc:
Nguyên liệu:
– Hồng giòn (số lượng tùy ý)
– Rượu trắng
– Dây buộc hồng
Cách làm
Bước 1: Chọn mua hồng quả cứng, tròn đều, không trầy xước, không chín quá. Rửa sạch, gọt vỏ đến gần cuống, giữ nguyên cuống, tránh gãy cuống.
Bước 2: Nhúng từng quả hồng qua rượu trắng. Nhúng nhẹ nhàng ngập hồng rồi bỏ ra luôn. Vì sao phải nhúng qua rượu? Vì rượu sẽ khử trùng bớt vi khuẩn bám vào hồng và làm cho ruột hồng mau khô hơn.
Bước 3: Dùng dây sạch đã chuẩn bị buộc vào cuống mỗi quả hồng. Chọn địa điểm phơi hồng thoáng đãng có nhiều ánh nắng, gió và ít bụi bẩn. Tránh chỗ ẩm ướt sẽ làm mốc hồng. Khi treo hồng nên để xen kẽ, hồng không được dính vào nhau vì như vậy cũng sẽ làm hồng bị hỏng.
Bước 4: Phơi hồng tới ngày thứ 5 thì mỗi ngày các bạn ra nắn nhẹ nhàng, đều tay xung quanh quả hồng để chất ngọt trong hồng được đều nhau. Rồi tiếp tục phơi tới ngày thứ 10 là có thể dùng được.
Chú ý: Sau ngày thứ 5 trở đi nếu có quả hồng lên những hạt trắng li li như bị mốc thì không phải nhé , đó là chất đường trong hồng tiết ra chứ không phải mốc. Mọi người chú ý không lại bỏ hồng đi thì phí.



2. Mứt bí đao và bí xanh
Nguyên liệu:
– Khoảng 2 quả bí đao già 10 kg
– Khoảng 8 lít nước vôi trong
– 25 gram phèn chua
– 1 chút nước hoa bưởi
– Phầm màu xanh
– Khoảng 4 đến 5kg đường trắng tuỳ sở thích
Dụng cụ làm mứt :
– Bát lớn, nhỏ
– Dao, đĩa, thìa, rổ, …
– Nồi , chảo, chậu thường
– Lọ thuỷ tinh hoặc bình kín bảo quản mứt
Cách làm:
Bước 1:
– Bí mua về bạn gọt bỏ vỏ, lọc bỏ phần hạt và ruột, phần thịt bí còn lại bạn dùng dao xắt thành miếng vừa miệng. Tốt nhất bạn nên xắt thành từng khúc dài 5 – 7 cm như thông thường nhé!
Bước 2:
– Ngâm bí với nước vôi trong khoảng 8 tiếng hoặc qua đêm thì càng tốt.
Lưu ý: Lượng nước vôi phải đủ ngập mặt bí, nước vôi sẽ giúp cho món mứt có độ giòn, ăn sẽ ngon hơn nhiều.
– Sau khi ngâm xong, vớt bí ra rửa lại nhiều lần với nước rồi dàn đều bí ra rổ, để thật ráo nước.
Bước 3:
– Tiếp theo, bạn cho phèn chua vào với 3 lít nước bỏ vào một cái nồi, bắc lên bếp và đun sôi.
– Sau khi sôi, bạn thả bí vào chần sơ tầm từ 1 – 2 phút cho bí có độ trong, sau đó đổ bí ra rổ rồi nhanh tay xả ngay với nước lạnh.
– Để bí ra chỗ thoáng gió khoảng 2-3 giờ cho bí khô bớt.
Bước 4:
– Ướp bí với đường theo tỉ lệ 1kg bí 750 gram đường trắng với thời gian là 4 tiếng cho đường tan hết, thỉnh thoảng các bạn đảo hoặc xóc lên cho bí ngấm đều đường.
– Sau khi ướp bí đã ngấm, chia bí làm 2 phần, 1 phần trút vào chảo rộng, sâu lòng để làm khô nước. Phần còn lại dể riêng làm mứt bí xanh.
Lưu ý: Đun nhỏ lửa để nước khô từ từ và đảo đều để đường không vón cục.
– Khi nước đường bắt đầu cạn thì cho nước hoa bưởi vào đảo đều. Đến khi đường ráo và bám vào từng miếng mứt là bạn đã hoàn thành mứt bí đao.
Bước 5:
– Ta chuyển qua làm phần mứt bí xanh. Bạn lấy số bí vừa chia còn lại đặt vào chảo, thêm chút phẩm màu cho mứt có màu xanh, sau đó sên mứt như bước 4.
– Bạn có thể ăn ngay hoặc bảo quản mứt trong lọ kín dùng dần.



3. Mứt quất dẻo
Nguyên liệu:
- Quất: 1 kg 
- Đường cát 700g - 800g 
- Vôi ăn trầu loại trắng (7g-8g) 
- Phèn chua (5g) Muối
Cách làm:
1. Để làm mứt quất được thơm ngon, bạn cần có nước vôi trong để ngâm quất khi làm mứt. Bạn cho vôi vào nước để vôi tan và lắng lại, gạn lấy nước vôi trong phía bên trên. 
2. Quả quất rửa sạch, mỗi quả bạn khứa đều chia quả thành 5-6 múi, không khứa đứt quả. Sau đó bạn ấn dẹt bớt quả quất để ra bớt nước chua.
3. Ngâm quất trong nước vôi trong khoảng nửa ngày, sau đó vớt ra xả lại với nước lạnh cho thật sạch. Nước vôi sẽ giúp cho quất khi làm mứt được cứng lại, không bị nát. 
Sau khi ngâm nước vôi và rửa sạch, bạn đun sôi 1 lít nước cho phèn chua giã nhỏ hòa vào. Khi nước sôi thì cho tắc vào, tắt bếp và đậy vung chừng 5-7 phút rồi xả toàn bộ quất một lần nữa với nước sạch.
4. Uớp quất với đường và thêm vào 1 xíu muối, ướp đến cho đến khi đường tan hết.
5. Và đến công đoạn sên mứt quất. Quất sau khi được ngâm nước vôi trong sẽ cứng hơn, tuy nhiên không phải vì thế mà bạn có thể đảo liên tục quất khi sên mứt đâu. Bạn để lửa vừa khi quất sôi, sau đó vặn nhỏ lửa và đun quất cho sôi thật nhẹ. Thỉnh thoảng đảo đều quất để đỡ bị cháy. Sên cho tới khi đường dẻo bạn vớt tắc ra.
6. Rồi bạn mang mứt quất còn ướt đem phơi chừng 2 – 3 nắng hoặc cho vào sấy khô thì món mứt quất sẽ rất dẻo và thơm ngon. Sau đó cho vào lọ thủy tinh để bảo quản.



4. Mứt khoai lang
Nguyên liệu:

  • 1 kg khoai lang ruột vàng, rửa sạch, gọt vỏ
  • 500 gr đường trắng
  • 30 gr vôi trắng (thường bán những nơi bán trầu cau trong chợ)
  • 1 ống vani.

Cách làm:
Khoai cắt lát dày khoảng 1 cm. Pha mỗi lít nước với 30 gr vôi trắng, để qua đêm cho lắng xuống rồi lấy phần nước trong để ngâm khoai, nước phải ngập khoai hoàn toàn, ngâm khoai trong khoảng 5 giờ. Ngâm xong bạn vớt ra, xả lại nhiều lần với nước lạnh cho sạch.
Cho toàn bộ đường vào chung với khoai, ngâm 3 tiếng đồng hồ để đường tan hết. Khi đường tan thì đường tạo ra rất nhiều nước, cứ mỗi 1 tiếng bạn lại trở khoai một lần để đường ngấm đều vào khoai.
Cho toàn bộ khoai và đường vào một chảo không dính, đun tới khi nước đường trong chảo sôi thì hạ lửa nhỏ nhất có thể để đường sôi lăn tăn. Trong khi đun thỉnh thoảng bạn đảo nhẹ khoai đến khi đường ráo và bám đều vào khoai thì tắt bếp.
Khi tắt bếp, bạn đảo nhẹ tiếp vài lần thì sẽ thấy khoai bắt đầu có đường trắng khô bám vào. Tách những miếng khoai dính nhau ra, đặt toàn bộ vào mâm để khoai hoàn toàn ráo thành mứt là được.
Mứt khoai lang có lẽ là món mứt với giá thành rẻ nhất, nguyên liệu dễ kiếm nhất với hầu hết tất cả mọi người. Khi ăn mứt có vị dẻo dẻo, ngọt vừa nên ít ngán; với cách làm dễ dàng bạn có thể làm dư ra để mang tặng bạn bè, người thân bởi mứt tự làm ở nhà chắc chắn là an toàn và vệ sinh hơn mứt đi mua.

NGỌC BÍCH (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh