THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:55

Để bom mìn chiến tranh không còn đe dọa đời sống người dân

Ông Nguyễn Thanh Bình bị cưa cả 2 chân do tai nạn bom, mìn sau chiến tranh còn sót lại

Trong ký ức của ông Nguyễn Thanh Bình (SN 1956, trú tại thôn Điền Lợi, xã Bình Điền, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế), ngày 4/5/1998 là ngày đen tối trong cuộc đời ông. Để mưu sinh và có tiền nuôi gia đình với 3 đứa con nhỏ, ông Bình chấp nhận nguy hiểm, hành nghề rà tìm vật liệu nổ thời chiến tranh còn sót lại để bán phế liệu. Sau 8 năm làm nghề thì đến ngày 4/5/1998 sự nguy hiểm của cái nghề mà người ta vẫn hay gọi là đánh đu với “tử thần” đã vận vào ông. Ông Bình cho biết, vào ngày hôm đó chỉ vì một chút bất cẩn mà ông đã làm cho quả đạn pháo 105 phát nổ. Phát nổ ấy không lớn đến mức cướp đi sinh mạng nhưng nó cũng lấy đi của ông đôi chân để biến ông thành một người thương tật như ngày hôm nay.

Nhưng ông Bình có lẽ vẫn là những người còn may mắn lắm. Vì theo thống kê của UBND xã Bình Điền, tổng số nạn nhân bị tai nạn do bom, đạn chiến tranh sót lại tới thời điểm hiện nay trên địa bàn xã lên đến 72 người, trong đó có 49 người tử vong.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Ngọ, Bí thư Đảng ủy xã Bình Điền vẫn nhớ như in từng trường hợp tai nạn bom mìn xảy ra như thế nào, ở đâu. Theo ông Ngọ thì trước đây trong thời điểm chiến tranh, Bình Điền là địa bàn có nhiều căn cứ và điểm cao quân sự. Do đó sau chiến tranh, nơi đây có nhiều bom, đạn, vật liệu nổ chiến tranh còn sót lại. Sau năm 1975, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn nên có rất nhiều người dân dấn thân vào nguy hiểm, hành nghề rà tìm bom, đạn để bán phế liệu lấy tiền mưu sinh. Hậu quả của việc đánh đu với “tử thần” là có đến 49 mạng người vĩnh viễn ra đi.

“Do thiếu thốn, khó khăn nên nhiều người bất chấp nguy hiểm để tháo gỡ bom, mìn dẫn đến nhiều cảnh thương tâm, bị thương tích, bị chết, mà đa số những người đó đều là trụ cột gia đình. Điển hình như tại thôn Bình Lợi có một gia đình 2 anh em đều chết vì bom đạn. Hay như anh Trần Văn Bai trước đây từng tham gia kháng chiến chống Mỹ khi về hưu cũng đi tháo gỡ bom mìn, tìm phế liệu chiến tranh cũng bị chết. Khi anh chết thì gia đình chưa có con nên hoàn cảnh có thể nói rất thương tâm. Đặc biệt ở thôn Điền lợi có 4 gia đình trong một thôn, mà có đến 8 người chết do tai nạn bom mìn cũng vào năm 1980…”, ông Thọ nhớ lại. Nguyên bản thân ông Thọ cũng có một người em không may qua đời cũng vì đời sống khó khăn rồi hành nghề rà tìm bom, đạn, phế liệu chiến tranh.

Ông Trần Văn Thọ, Bí thư Đảng ủy xã Bình Điền trao đổi về tình hình bom, đạn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn xã

Cũng theo ông Thọ, trước những tai nạn thương tâm của người dân trên địa bàn xã, Đảng ủy xã Bình Điền đã ra Nghị quyết vận động người dân hạn chế đi tìm phế liệu chiến tranh, trở về lao động sản xuất, trồng cây rừng. Hiện nay, việc khai thác phế liệu chiến tranh tại địa bàn xã Bình Điền không còn người làm.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Bình Điền cho biết, trong những năm qua, công tác rà, phá bom, mìn, vật liệu nổ chiến tranh trên địa bàn xã đã được các cơ quan chức năng, lực lượng Công binh tỉnh Thừa Thiên Huế và các tổ chức quốc tế thực hiện nhiều lần. Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng đã chủ động thuê các lực lượng chức năng rà, tìm, phá hủy bòm mìn. Do đó, tình hình bom, đạn ở Bình Điền hiện nay cơ bản đã hết, nhiều diện tích đất “sạch” được trả lại để người dân yên tâm sinh sống, phát triển sản xuất.

Khu dân cư Đông Hòa (xã Bình Điền) hình thành sau khi hơn 2ha đất tại đây được rà phá bom, mìn vào năm 2012

Bình Điền chỉ là một trong rất nhiều địa phương tại Thừa Thiên Huế được hưởng lợi từ Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Theo số liệu thống kê, tổng số diện tích đất tại tỉnh Thừa Thiên Huế bị ô nhiễm bom, mìn, vật liệu nổ chiến tranh tính đến tháng 12/2008 lên đến con số 172.406,8ha, chiếm 34,4% diện tích đất toàn tỉnh. Tất cả các loại đất tại tỉnh này đều bị ô nhiễm, trong đó đất thổ cư bị ô nhiễm nhiều nhất (99,9%), đất nông nghiệp 97,3%. Từ năm 2004 – 2015 lực lượng Công bỉnh tỉnh kết hợp với lực lượng Công binh toàn quân tiến hành rà phá, làm sạch bom, mìn, vật liệu nổ trên 14.924ha đất.

Trong những năm vừa qua, công tác rà phá bom, mìn, vật liệu nổ chiến tranh tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn đang tiếp tục được tổ chức thực hiện. Mới đây nhất, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký biên bản ghi nhớ về dự án “Giảm thiểu nguy cơ bom mìn còn sót lại tại Thừa Thiên Huế” với Tổ chức rà phá bom mìn Đan Mạch (DDG) Việt Nam. Kinh phí do Đại sứ quán Nhật Bản và Quỹ A.P. Møller Support Foundation (Đan Mạch) tài trợ. Tổng số tiền tài trợ khoảng 1,2 triệu USD (tương đương 27 tỷ đồng), thực hiện trong hai năm (từ 2017 đến 2019), thời gian chính thức thực hiện dự án sau khi được Văn phòng Chính phủ phê duyệt. Dự án triển khai tại địa bàn 10 xã thuộc huyện miền núi A Lưới và các khu vực ưu tiên khác theo đề xuất của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, hiện tại số diện tích đất đã rà phá đã được chính quyền địa phương đưa vào quy hoạch bố trí ổn định việc định canh, định cư cho người dân. Việc triển khai công tác rà phá bom, mìn, vật liệu nổ để làm sạch đất mang một ý nghĩa chính trị to lớn nhằm đảm bảo an toàn sinh mạng, giải quyết nhu cầu ổn định sinh hoạt, cải thiện đời sống và phát triển sản xuất, đất ở cho người dân địa phương. Bên cạnh đó, đất được rà phá, làm sạch đã đảm bảo mặt bằng để các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện các dự án hạ tầng, công trình phúc lợi phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế xã hội.

Ông Thọ "điểm danh" các trường hợp bị tai nạn bom, mìn tại xã Bình Điền

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh