Công tác quản lý vẫn còn nhiều bất cập
- Tra cứu phẫu thuật
- 15:07 - 02/07/2015
Thời gian nộp BHXH giảm được 100 giờ
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, quá trình thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP đã đạt được kết quả rất đáng khích lệ. Cụ thể, với việc ban hành Luật doanh nghiệp (DN) 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015), khởi sự kinh doanh giảm 5 thủ tục (từ 10 thủ tục xuống còn 5 thủ tục) và giảm thời gian từ 34 ngày xuống còn 17 ngày, trong đó thời gian đăng ký kinh doanh còn 3 ngày, vượt chỉ tiêu so với yêu cầu (Nghị quyết đặt chỉ tiêu 6 ngày).
Theo đó, xếp hạng chỉ số này sẽ cải thiện từ vị trí 109 lên vị trí 37 (tăng 72 bậc), cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước ASEAN 6 (vị trí 99) và cao hơn trung bình của nhóm nước ASEAN 4 (vị trí 70). Luật Doanh nghiệp 2014 có đổi mới đáng kể trong bảo vệ nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư thiểu số theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, nhờ đó cải thiện đáng kể điểm số về "Bảo vệ nhà đầu tư" (từ 3,33 điểm lên 6,2 điểm). Với mức cải thiện này, xếp hạng chỉ số "Bảo vệ nhà đầu tư" của nước ta sẽ tăng 105 bậc (từ vị trí 157 lên vị trí 52), đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 6.
Thủ tướng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin vào BHXH.
Về chỉ tiêu nộp thuế và bảo hiểm xã hội (BHXH), trong năm 2014 và đầu năm 2015, Bộ Tài chính đã ban hành và sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính về thuế và tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân. Theo đó, số giờ nộp thuế dự kiến giảm được 380 giờ (từ 537 giờ/năm xuống còn 157 giờ/năm). Tuy vậy, thời gian nộp thuế vẫn chưa đạt yêu cầu của Nghị quyết và cần tiếp tục giảm thêm 35,5 giờ nữa. Quy trình nộp BHXH đã được rút gọn.
Thời gian nộp BHXH dự kiến giảm được 100 giờ, từ 335 giờ/năm xuống còn 235 giờ/năm. Mức giảm này còn khoảng cách tương đối xa so với mục tiêu là 49,5 giờ/năm, do đó BHXH cần tiếp tục giảm thêm 185,5 giờ. Như vậy, tổng thời gian nộp thuế và BHXH dự kiến giảm được 480 giờ và cải thiện 27 bậc, từ vị trí 149 lên vị trí 122. Tuy nhiên, vị trí này vẫn thấp hơn khá nhiều so với trung bình của các nước ASEAN 6 (vị trí 67).
Với mục tiêu giảm thời gian tiếp cận điện năng, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ đó ban hành các văn bản quy định rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng được khoảng 30 ngày, từ 115 ngày xuống còn 85 ngày và thứ hạng cải thiện 12 bậc (từ vị trí 156 lên vị trí 144). Tuy nhiên, thời gian giảm chưa đạt yêu cầu của Nghị quyết và cần tiếp tục giảm thêm 15 ngày nữa.
Dân gặp Bộ trưởng dễ hơn gặp Thứ trưởng và cấp dưới
Kết luận phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 6/2015, nhắc tới tình trạng buôn lậu, hàng giả ngày càng hoành hành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn chứng vụ bắt giữ 20 tấn thực phẩm chức năng giả vừa qua như bài học để các cơ quan chức năng siết chặt hơn nữa hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, Thứ trưởng băn khoăn: “Vừa rồi chúng ta bắt một kho với hơn 20 tấn thực phẩm chức năng giả, không biết bao nhiêu người dân đã uống phải, rồi ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ, bị mắc ung thư biết kêu ai...?
Phải thấy đây là vấn đề nghiêm trọng, không chỉ về kinh tế mà vấn đề là sức khoẻ người dân”. Đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan như Bộ Y tế, Quản lý thị trường phải nêu cao tinh thần trách nhiệm khi thi hành công vụ.
Về những bất cập trong cải cách hành chính, dịch vụ công tại nhiều bộ, ngành, địa phương hiện nay. Thứ trưởng nói: “Nhiều địa phương phản ánh với tôi, nghe mà thấy sốt ruột, dân tới gặp Bộ trưởng có khi còn dễ hơn là gặp ông Thứ trưởng, rồi cán bộ cấp dưới đó. Có đồng chí Thứ trưởng dân gặp là sợ.
Tướng thay đổi mà quân không thay đổi sao được? Cải cách hành chính đã đặt ra là phải thực hiện, không thể nói chung chung. Quy định cải cách đặt ra nhưng cấp dưới không chịu thay đổi, đưa ra đủ thứ lý do nào là đi vắng, đi họp... để chây ỳ là không được”. Để tăng cường cải cách hành chính, Thủ tướng yêu cầu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý, với ví dụ điển hình là những việc Bộ Tài chính đã triển khai trong các ngành thuế, hải quan, BHXH...
Thủ tướng lưu ý về những khó khăn, thách thức đang nổi lên cần phải tập trung theo dõi, xử lý, trong đó có khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp do hạn hán và thị trường tiêu thụ. Sự quay trở lại của nhập siêu đạt 3,7 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, sau 3 năm xuất siêu được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc nhở, các bộ, ngành không thể chủ quan.
Càng tăng trưởng cao, nhập siêu sẽ càng tăng. Vì thế không còn cách nào khác là đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập hàng không thiết yếu mà trong nước sản xuất được.