CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:31

Công nhân xây dựng: Không lo thất nghiệp

Khác với các tỉnh thành phía Bắc, đầu năm hoặc vào hè luôn là thời điểm những công trình xây dựng ở miền Trung bắt đầu nở rộ, bởi cuối năm là thời điểm thường xuyên diễn ra mưa bão, lũ...

Nắm bắt được nhu cầu cần nguồn lao động xây dựng vào dịp đầu năm, nhiều công nhân xây dựng ở những vùng quê của tỉnh Quảng Nam bắt đầu khăn gói ra Đà Nẵng tìm việc.

Không giống như những ngành nghề khác, nghề công nhân xây dựng chủ yếu làm công việc chân tay nên đòi hỏi người làm phải có sức khỏe và quan trọng hơn cả là sự chịu khó, tỉ mỉ. Đồng nghĩa với điều đó, để tìm được một công việc đối với những công nhân này là điều không khó, quan trọng là mức thu nhập có hợp lý với ngày công bỏ ra hay không.

 Vào mùa xây dựng, công nhân xây dựng thường khá "đắt hàng"

Nguyễn Văn Tâm, sinh năm 1988, quê huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đã có hơn 5 năm làm công nhân xây dựng chia sẻ “Bọn em chủ yếu làm công trình nhà tư. Công việc vừa phải và cũng chủ động hơn về mặt thời gian, ăn ở, sinh hoạt cũng tiện hơn. Trong khi thu nhập khá, trừ các khoản ăn uống do chủ thầu lo, mỗi ngày tiền thu nhập trung bình của em cũng được khoảng 200.000 đồng/ ngày.” Tâm cho biết, nếu biết chi tiêu tiết kiệm, một tháng Tâm cũng gửi về cho gia đình ở quê được hơn 4 triệu đồng.

Là một thành phố trẻ, năng động bên dòng sông Hàn thơ mộng, những năm trở lại đây, Đà Nẵng luôn thu hút sự quan tâm đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đây để tìm cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế. Các khách sạn, Resort, những khu nghỉ dưỡng cao cấp vì thế cũng đua nhau mọc lên càng khiến cho bộ mặt của thành phố Đà Nẵng đổi thay từng ngày.

 Trên khắp các ngả đường, nhất là ở những khu đô thị mới, người người đua nhau dựng nhà, xây cửa hàng. Mặc cho cái nắng tháng 5 nóng như thiêu như đốt, nhiều công nhân xây dựng trên các tuyến đường gần biển như Hoàng Sa, Trường Sa vẫn miệt mài làm việc.  

Công nhân xây dựng chủ yếu là lao động ở các vùng quê 

Ông Trần Văn Bảy, 46 tuổi, quê Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cho biết “Nghề này tuy vất vả nhưng bù lại cho thu nhập cao. Trung bình mỗi tháng tôi được 6 triệu đồng, một số tiền không nhỏ mà nếu ở quê thì không biết làm gì ra. Chưa kể đối với những công nhân ở xa như chúng tôi, mọi chi phí  ăn uống, chỗ ở sinh hoạt đều được chủ thầu lo hết nên cũng tiết kiệm được một khoản kha khá”

 

Là nghề vất vả, nhưng bù lại cho thu nhập khá

Ông Nguyễn Mạnh Hồng, một chủ thầu xây dựng ở Đà Nẵng chia sẻ “Thời gian gần đây, khi thị trường bất động sản bắt đầu ấm lên, nhu cầu mua bán, xây dựng nhà cửa sôi động thì xu hướng của nhiều công nhân xây dựng, nhất là công nhân ở các vùng quê ra thành phố làm việc thường lựa chọn làm các công trình nhà tư, bởi chủ động thời gian vì họ còn phải lo toan công việc đồng áng ở quê. Chưa kể, thu nhập hàng tháng cũng là “tiền tươi thóc thật” chứ như một số công trình, công nhân làm xong cả năm vẫn chưa được thanh toán hết tiền.”

Như nhiều ngành nghề khác, công nhân xây dựng cũng có đủ mọi lứa tuổi, trẻ có, lớn tuổi cũng nhiều. Không ít người rỉ tai nhau, học nghề xây dựng thì không lo thất nghiệp, tuy nhiên thực tế cho thấy dù ở bất kể ngành nghề nào, người lao động có việc làm hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như năng lực, sự nhanh nhạy và quan trọng hơn cả là phải biết nắm bắt được cơ hội và sự nỗ lực của bản thân.

Trong khi nhiều bạn bè chưa tìm được việc làm, Trần Thanh Tuấn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng sau khi tốt nghiệp ngành Xây dựng dân dụng, hệ Cao đẳng trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng chấp nhận đi “xách hồ” cho một công trình ở Hội An do người quen giới thiệu.

Không ngại vất vả,  sau gần 3 tháng thử việc, Tuấn đã được công ty thi công nhận vào làm việc với mức lương khởi điểm gần 3,5 triệu đồng/ tháng. “Đi công trường thì không thể gọi là nhàn được nhưng quan trọng là mình được làm đúng với ngành nghề mình đã học. Và hơn cả là có cơ hội học hỏi, trau rồi được những kinh nghiệm từ những người đi trước trong quá trình làm nghề cũng như cho mục tiêu phấn đấu về tương lai sau này” Tuấn chia sẻ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, tổ thi công của ông phải chạy đông chạy đáo về tận các vùng quê của tỉnh Quảng Nam để tìm thợ xây dựng cho kịp tiến độ công trình, tuy nhiên hầu hết lao động xây dựng ở quê đều đã đi làm ăn ở các nơi khác nên không kiếm đâu ra người làm. 




Bùi Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh