Công nhân, người lao động động gặp khó trong việc tiếp cận giá điện theo quy định
- Bài thuốc hay
- 17:26 - 17/05/2019
Theo điều 10 của Thông tư số 16/2014/TT-BCT, ngày 29/5/2014 của Bộ Công Thương nêu rõ, các trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình), có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà).
Trường hợp sinh viên và người lao động thuê nhà có thời hạn thuê nhà dưới 12 tháng, nếu chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 từ 101 - 200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.
Ngoài ra, chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức sử dụng điện cho chủ nhà, căn cứ vào sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan công an quản lý địa bàn.
Giá điện bán lẻ cho công nhân, người lao động thuê phòng cao hơn so với quy định của nhà nước
Theo đó, cứ 4 người được tính là 1 hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Cụ thể, 1 người được tính là 1/4 định mức, 2 người được tính là 1/2 định mức, 3 người được tính là 3/4 định mức, 4 người được tính là 1 định mức. Khi có thay đổi về số người thuê nhà, chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thông báo cho bên bán điện để điều chỉnh định mức tính toán tiền điện.
Sở Công Thương có trách nhiệm kiểm tra và giám sát việc thực hiện tính định mức số hộ sử dụng và giá bản lẻ điện tại các địa điểm cho thuê nhà để nhằm đảm bảo cho người thuê nhà được áp dụng đúng các quy định về giá bán lẻ điện sinh hoạt. Phạt tiền từ 7 – 10 triệu đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt.
Tuy nhiên, theo thực tế tìm hiểu tại các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, nhiều công nhân cho biết họ còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận giá điện theo quy định. Anh Đinh Văn Toàn (công nhân thuê trọ tại Thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết, hiện 2 vợ chồng anh đang thuê một căn phòng cấp 4, vệ sinh chung với giá 500 nghìn đồng/ tháng và giá điện là 3000 đồng /1 số điện. Theo anh cho biết, mặc dù đây đã là loại phòng rẻ nhất tại đây nhưng hàng tháng vợ chồng anh vẫn phải chi phí từ 800 đến 1 triệu đồng cho tiền nhà và điện. Đặc biệt, vào mùa nắng nóng chi phí phát sinh còn tăng cao hơn.
Theo anh Toàn, vợ chồng anh cũng như nhiều công nhân KCN khác khi thuê phòng trọ đa phần không nghĩ đến việc sinh sống lâu dài, nên không làm hợp đồng thuê nhà, mọi giao dịch với chủ nhà trọ chỉ là thỏa thuận miệng, nếu ở cảm thấy an ninh không tốt thì 2-3 tháng lại chuyển đi nơi khác.
Khi được hỏi về các quy định về giá bán lẻ điện cho công nhân, anh Toàn cho biết, bản thân đã nghe nói đến quy định trên các phương tiện báo đài tuy nhiên: "việc này thì một mình mình kiến nghị với chủ trọ thì cũng chả giải quyết được vấn đề gì. Nếu có kiến nghị giảm được tiền điện thì, chủ trọ lại sẽ tăng tiền nhà và các chi phí vệ sinh, nước nên đa phần công nhân ở đây đều buộc phải đồng ý với giá điện mà chủ trọ đưa ra", anh Toàn chia sẻ.
Giá điện cao khiến đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn
Đồng quan điểm trên, chị Đào Thị Hằng (quê Nghệ An) công nhân cty Daiwa Plastics KCN Bắc Thăng Long cho rằng, với mức giá 3000 đồng/1 số điện đang khiến nhiều công nhân đang thuê trọ như chị phải tìm chỗ chuyển đi nơi khác có giá rẻ hơn để tiết kiệm chi phí. Theo chị Hằng mỗi khi công nhân thắc mắc về tiền điện, nước đa phần chủ trọ đều viện đủ mọi lý do để giải thích việc tăng giá. Trong khi nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt mùa hè rất lớn từ quạt, điều hòa, tủ lạnh…thì việc giá điện cao cũng là gánh nặng với nhiều công nhân khi đi thuê nhà trọ. Với mức thuê phòng ban đầu là 500 nghìn đồng, nay thêm điện nước hàng tháng chị phải chi phí hơn 1 triệu đồng. Chi phí điện nước tăng cao là nên chị đang tính xin chuyển vào khu nhà tập thể của công ty ở để giảm chi phí.
Nói về thực trạng trên ông Nguyễn Chiến Thắng – Chủ tịch UBND xã Kim Chung (huyện Đông Anh, tp. Hà Nội) cho biết, do địa bàn xã có số lượng công nhân đến thuê trọ quá lớn trong khi cơ sở vật chất, giao thông, đường điện… chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nên việc quá tải thường xuyên xảy ra. Việc người lao động thay đổi địa điểm thuê trọ diễn ra thường xuyên, không cố định nên việc làm mối hộ 01 định mức riêng và 04 phòng trọ được tính một định mức giá điện riêng gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, theo ông Phạm Thanh Tùng – Phó Giám đốc Cty Điện lực Đông Anh cho biết, trong quá trình thực hiện quy định về giá bán điện cho người thuê nhà vẫn còn các trường hợp các chủ thuê trọ tự ý thu tiền điện cao hơn quy định. Về vấn đề này đã có chế tài kiểm tra xử lý, tuy nhiên việc ký kết hợp đồng thuê nhà thường không dùng hợp đồng cụ thể, mà chỉ thỏa thuận miệng giữa 2 bên trong đó có cả các chi phí như điện, nước … nên công tác kiểm tra, xử lý việc vi phạm là rất khó khăn. Công ty điện lực huyện đã có những hướng dẫn tách riêng, nhưng các chủ trọ thường tìm cách thu tăng tiền thuê trọ lên nên các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát.
Để giải quyết thực trạng trên, ông Phạm Thanh Tùng cho biết, trong thời gian tới công ty điện lực Đông Anh sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND các xã Kim Chung, Đại Mạch, Võng La nơi có số lượng lớn công nhân, người lao động đang thuê trọ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các trường hợp thu giá điện công nhân sai quy định. Khi kiểm tra phát hiện sẽ lập hồ sơ chuyển sang sở Công thương để xử phạt hành chính theo quy định.
Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền trên hệ thống điện Đài truyền thanh về quy định về giá bán điện của Điện lực, Sở công thương… đến nhân dân, công nhân đến thuê trọ biết và năm rõ. Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, tổ chức kiểm tra thực hiện quy định về giá bán điện cho người thuê nhà qua đó nắm bắt, xử lý ngay các trường hợp làm sai quy định.