THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:19

Công nhân các KCN chật vật tìm chỗ gửi con

 

Quá tải trường công ở các KCN

  Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 6 KCN. Công nhân nữ trong độ tuổi sinh đẻ chiếm khoảng 80%. Trong đó công nhân có con từ một tuổi đến năm tuổi chiếm tỉ lệ rất cao. Việc gửi trẻ tại các trường mầm non của công nhân tại đây đang phụ thuộc vào 18 trường mầm non tại  địa phương (trong đó có 16 trường công lập và 2 trường ngoài công lập).

 

 

Tại KCN Yên Bình (phường Đồng Tiến - Thị xã Phổ Yên-TP Thái Nguyên) có khoảng 60000 công nhân, trong đó 18000 công nhân có hộ khẩu thường trú tại Thái Nguyên. Hiện gần KCN có một trường mầm non Đồng Tiến chia làm 2 cơ sở và một trường mầm non tư thục trong khu An Thái Bình Samsung nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu trẻ đến trường.

Trong khi những trường mầm non tư thục liên tiếp tuyển sinh thì các trường công lập đang quá tải. Gửi trẻ tại các KCN đang là nỗi lo lắng chung của công nhân. Hầu hết, công nhân trong các KCN đều phải gửi con ở các nhà trẻ tư nhân, hoặc cơ sở mầm non tư thục. Điều kiện cơ sở vật chất ở những địa điểm này còn nhỏ lẻ và hạn chế. Các nhà trẻ này thường tận dụng nhà dân làm phòng giữ trẻ nên chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu sân chơi, không đảm bảo diện tích sinh hoạt cho trẻ.

 

Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND phường Đồng Tiến lo lắng: “Sắp tới các trường mầm non, nhà trẻ trên địa phương sẽ còn tiếp tục quá tải. Trong một vài năm tới, phường sẽ quá tải ở hai cấp đó là tiểu học và trung học cơ sở”.

Thấp thỏm lo âu

Các gia đình công nhân hiện nay ngoài phương án gửi con đi nhà trẻ thì thường phải gửi bé về quê cho ông bà; hay chỉ còn cách mẹ phải hi sinh công việc ở nhà chăm con. Dù nhiều âu lo nhưng việc gửi bé đi nhà trẻ dường như là giải pháp vẹn toàn hơn cả. Tuy nhiên, vì bé còn quá nhỏ nên việc chọn một nơi yên tâm để gửi gắm các bé là một điều không hề dễ dàng.

Chị Lò Cố Hoài, công nhân Samsung ở Phổ Yên lo lắng nói: “Hai vợ chồng tôi từ Sơn La xuống Thái Nguyên làm công nhân, tôi sắp hết thời gian nghỉ thai sản nhưng vẫn chưa kiếm được chỗ nào an tâm gửi cháu. Nghe nhiều vụ việc thương tâm xảy ra ở trường tư nên giờ chúng tôi sợ không dám gửi con, mà gửi vào trường công thì không có hộ khẩu ở đây. Ông bà nội ngoại già rồi không thể xuống đây trông cháu”.

 

Bà Lê Thị Xuân Tám quê Nghệ An vừa mới ở quê lên trông cháu lắc đầu than thở: “Tôi phải để ông nhà tôi ở nhà một mình để lên trông cháu cho con, thương chúng nó lắm. Con còn nhỏ, cả hai vợ chồng phải đi làm ca, làm kíp. Gửi nhà trẻ trường công đến giờ phải có người đi đón.”

Chị Nguyễn Thanh Hòa (Hà Giang) hiện đang làm KCN Điềm Thụy tâm sự: “Ngày trước vợ chồng tôi cũng gửi con ở trường tư cạnh phòng trọ nhưng sau một thời gian gửi thấy cháu nhiều biểu hiện lạ nên giờ chúng tôi quyết định gửi về quê nhờ ông bà nội trông. Quê xa, chúng tôi chủ yếu gọi điện về thăm hỏi ông bà và con, ông bà đã già với lại ở quê nữa nên không biết gọi video. Một năm về một hai lần, con không còn nhận ra mẹ!”.

Tất cả những công nhân có con nhỏ làm trong các KCN, dù quê ở đâu đều có chung một nguyện vọng có trường mầm non, nhà trẻ cho các bé đi học, để công nhân yên tâm làm việc, bớt đi gánh nặng, nỗi lo con cái.

NGUYỄN THỊ KIM NHUNG-LƯƠNG THỊ THUẦN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh