Công nghệ thông tin và truyền thông gắn liền với biển, đảo Việt Nam
- Công nghệ mới
- 18:20 - 25/08/2016
Với chủ đề “Công nghệ thông tin và Truyền thông với Biển – Đảo Việt Nam”, Hội thảo có sự tham gia của hơn 700 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành ở Trung ương, sở, ban, ngành của 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các hội, hiệp hội về CNTT-TT, các tập đoàn, doanh nghiệp về CNTT-TT... tham dự.
Hội thảo là dịp để các đại biểu được các chuyên gia, nhà quản lý giới thiệu một số nội dung quan trọng về chính sách phát triển CNTT như: Thực trạng và giải pháp của ngành CNTT – TT nhằm phục vụ công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ mội trường, hoạt động sản xuất của ngư dân trên biển; Hiện trạng và định hướng phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam theo Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ; Cơ chế, chính sách, định hướng triển khai, tích hợp kết nối dịch vụ hành chính công các cấp phục vụ chính quyền điện tử; Về công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; Mô hình đầu tư phát triển hạ tầng và ứng dụng CNTT – TT theo phương thức PPP (Public – Private Partnership) và xu thế cơ quan nhà nước thuê ngoài dịch vụ CNTT – TT; Kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản giữa Văn phòng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương và thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia; Hiện trạng hạ tầng Viễn thông với bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế Biển đảo; Giải pháp di động vệ tinh Vinaphone S kết nối biển đảo; Một số giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống xã hội...
Ông Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Là sự kiện công nghệ thông tin và truyền thông tầm quốc gia diễn ra hàng năm, với mục tiêu và ý nghĩa quan trọng của Hội thảo, các đại biểu sẽ đi sâu vào phân tích, thảo luận, làm rõ những nội dung trọng tâm về: CNTT&TT phục vụ cho phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển-đảo; những giải pháp để triển khai Nghị quyết 36a/NQ-CP thành công. Đây là những vấn đề vừa có tính thực tiễn, vừa có tính khoa học, có liên quan đến việc phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong tình hình mới. Xây dựng Chính quyền điện tử, mà Đảng, Nhà nước Việt Nam đang quyết tâm thực hiện để đáp ứng nguyện vọng của người dân.”
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho rằng, để đẩy mạnh và định hướng triển khai ứng dụng và phát triển CNTT trong giai đoạn tới, Bộ TT&TT đang tập trung triển khai một số nhiệm vụ chính như: Phát triển hạ tầng kỷ thuật, xây dựng, tích hợp các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia tạo lập nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước theo hướng công khai minh bạch phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong ba năm tới, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn kết với tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến rút ngắn quy trình thủ tục cải cách hành chính, phấn đấu năm 2017 đạt trong nhóm ba nước đứng đầu khối ASEAN về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử. Triển khai ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước theo Quyết định số 1819/QD-TTg, phát triển Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục nâng cao năng lực đảo đảm thông tin quốc gia, chủ động trong công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng; tiếp tục theo dõi, cảnh báo, hỗ trợ ứng cứu, xử lý sự cố cho các cơ quan của Chính phủ, bộ, ban, ngành và địa phương...
Tại hội thảo, Hội thảo còn dành phần lớn thời gian cho các đại biểu thảo luận về một số chuyên đề về công nghệ thông tin như: Triển khai các mô hình chính quyền điện tử - kết quả, khó khăn, vướng mắc trong kết nối, liên thông; chuyên đề về Định hướng, giải pháp đẩy mạnh triển khai thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước; Giám sát, Điều phối ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng cho Chính phủ điện tử... Nhân dịp này, Hội Tin học Việt Nam đã tặng ba bộ máy tính và 10.000 cuốn vở cho ba trường học và học sinh nghèo trên địa bàn huyện đảo Lý Sơn.